Mưa lớn gây ngập lụt ở Phú Yên ngày giáp Tết


Thứ 5, 26/01/2017 | 12:18


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Mưa kéo dài nhiều ngày kèm nước sông thượng nguồn đổ về dồn dập đã làm một số vùng trũng ở huyện Tuy An (Phú Yên) ngập sâu.

(ĐSPL) - Mưa kéo dài nhiều ngày kèm nước sông thượng nguồn đổ về dồn dập đã làm một số vùng trũng ở huyện Tuy An (Phú Yên) ngập sâu. 

Báo VnExpress cho biết, ghi nhận vào ngày 26/1 (29 tháng Chạp), một số tuyến đường tại An Định, An Nghiệp..., huyện Tuy An (Phú Yên) nước lên cao, có nơi gần nửa mét, chảy xiết.

Theo ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, mưa lũ đợt này chưa gây thiệt hại về người nhưng gần 650ha hoa màu đã bị hư hỏng, đời sống người dân bị đảo lộn. Lần đầu tiên ngày cận tết ở địa phương bị lũ.

Mưa kéo dài khiến nước lũ dâng lên ở Phú Yên ngày giáp Tết. Ảnh: VnExpress.

Báo Thanh niên đưa tin, mưa lũ còn gây ngập hơn 600m của tuyến ĐT650, đoạn qua khu vực cầu Cây Cam (xã An Định), với mực nước ngập cao từ 0,6 - 0,8 m.

Hai tuyến giao thông liên xã tại thôn Phong Hậu và Định Phong (xã An Định) bị ngập sâu từ 30 - 50cm, khiến việc đi lại của người dân trong dịp cận Tết gặp không ít khó khăn, vất vả.

Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, ông Bùi Văn Thành - Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho hay: "Do mưa lớn mấy ngày nay, nước về hồ chứa nước Đồng Tròn quá lớn, vượt qua tràn nên hồ thủy lợi này phải xả lũ điều tiết. Trong khi đó, phía hạ du, mấy trận lũ liền khiến đất có “nước chân”, không rút được, nước từ trên xả xuống gây ngập cục bộ”.

Trước tình hình mưa lũ, UBND Phú Yên đã điều động nhiều lực lượng kiểm tra thường xuyên, túc trực ở các điểm thấp trũng để ứng phó và hỗ trợ người dân cũng như cảnh báo đảm bảo an toàn.

Điều 13. Phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập (Thông tư Số: 34/2010/TT-BCT

1. Xây dựng phương án

a) Chủ đập chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo địa bàn;

b) Nội dung phương án phải liệt kê được các đối tượng bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng và biện pháp đối phó, khắc phục hậu quả phù hợp với từng tình huống lũ khác nhau.

2. Chủ đập phải thông báo (qua điện thoại hoặc fax) cho tổ chức dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du:

a) Việc vận hành đóng mở các cửa xả lũ theo quy định;

b) Việc xả lũ khẩn cấp;

c) Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ điều tiết chống lũ, thông báo số liệu các lần quan trắc, đo đạc mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu đập; Lưu lượng vào hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, lưu lượng tháo qua tuốc-bin; dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ trên cơ sở lưu lượng dự báo vào hồ.

3. Chủ đập chịu trách nhiệm lắp đặt các hệ thống cảnh báo và thông báo tới các chủ đập phía thượng/hạ lưu; báo cáo ngay Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương trong trường hợp nguy hiểm sắp xảy ra do đập hư hỏng hoặc nguy cơ vỡ đập.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-lon-gay-ngap-lut-o-phu-yen-ngay-giap-tet-a179428.html