Tin tức thời sự mới nóng nhất hôm nay 23/6/2019: Người đàn ông bắn tử vong bé trai khi đang thử súng


Thứ 7, 22/06/2019 | 22:45


Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 23/6/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 23/6/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 23/6/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 23/6/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Gia Lai: Người đàn ông bắn chết bé trai 14 tuổi khi đang thử súng

Tin trong nước - Tin tức thời sự mới nóng nhất hôm nay 23/6/2019: Người đàn ông bắn tử vong bé trai khi đang thử súng

Gia đình tổ chức mai táng cho bé trai 14 tuổi bị bắn tử vong. Ảnh: Dân Việt

Ngày 22/6, báo Người Lao Động đưa tin, Công an tỉnh Gia Lai đang tạm giữ Bùi Văn Đỉnh (46 tuổi, trú xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) để điều tra việc dùng súng tự chế bắn trúng người làm em B. (14 tuổi, hàng xóm Đỉnh) tử vong.

Theo thông tin ban đầu trên báo Dân Việt, khoảng 16h ngày 21/6, ông Bùi Văn Đỉnh mang chiếc súng tự chế ra để thử. Vì thấy tò mò nên cháu B. và Nhoi đứng bên cạnh để xem.

Trong lúc nhắm đàn gà trong vườn, ông Đỉnh đã đạp phải chiếc máng lợn, trượt chân ngã vô tình làm súng cướp cò khiến viên đạn lạc hướng xuyên trúng tim cháu B. đứng cách đó 2m.

Phát hiện ra sự việc, người dân liền đưa cháu B. đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Nhận được tin báo, Công an huyện Mang Yang đã đến hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Trò chuyện với PV, cháu Nhoi vẫn hoảng sợ nói: “Sau khi bị trúng đạn, B. nằm gục xuống đất, bất tỉnh”.

Về vùng sâu vùng xa coi thi, giảng viên phải "ăn nhờ ở đậu" nhà dân

Tin trong nước - Tin tức thời sự mới nóng nhất hôm nay 23/6/2019: Người đàn ông bắn tử vong bé trai khi đang thử súng (Hình 2).

Các thầy cô Trường ĐH Thủy Lợi chụp ảnh kỷ niệm trước khi lên đường đi coi thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Tiền Phong

Chiều 21/6, các thầy cô của Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội vẫn đang nỗ lực hoàn tất công việc để một ngày nữa yên tâm tới Hưng Yên coi thi THPT quốc gia. Năm nay, trường được giao nhiệm vụ coi thi ở tỉnh gần Hà Nội. Nhà trường sẽ đảm nhận 17/28 điểm thi trên địa bàn.

Chia sẻ với báo VietNamnet, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết: "Có những điểm chỉ có một khách sạn hoặc một nhà nghỉ, không đủ phòng cho các thầy cô nên nhà trường phải bố trí 3 người/ phòng, hoặc có những nơi phải di chuyển khá xa mới có chỗ nghỉ cho cán bộ coi thi”.

Với một tỉnh khó khăn, địa hình hiểm trở khác như Điện Biên, năm nay, Trường ĐH Thuỷ lợi – đơn vị phối hợp chật vật hơn trong việc lo nơi ăn, chốn ở cho khoảng 360 cán bộ, giảng viên.

Ông Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn tỉnh có 17 điểm thi, hầu hết các điểm đều cách xa thành phố Điện Biên.

“Điểm xa nhất là Mường Nhé, cách TP. Điện Biên 205km, đi gần hết 1 ngày. Điểm gần nhất cũng phải 80km tính từ TP. Điện Biên. Đường xá đi lại khó khăn nên phải đi mất 7-8 tiếng cho 80km”.

“Có 3 điểm đặc biệt khó khăn đi từ thành phố lên mất gần 1 ngày, không có khách sạn, nhà nghỉ. Có điểm cán bộ phải ăn nghỉ trong khu nội trú của một trường học, có điểm thì nhờ dân nấu nướng hỗ trợ. Nhưng việc chúng tôi lo ngại nhất là đang mùa mưa bão, đường sá sạt lở. Tuy vậy, nhà trường hết sức chia sẻ với bà con và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, ông Việt cho hay.

Được biết, để chuẩn bị cho việc ăn ở của gần 400 cán bộ, giảng viên ở các điểm thi khác nhau, các cán bộ của trường phải đi tiền trạm một số điểm khó khăn. Ngoài ra, trường cũng xin kinh nghiệm từ các trường đã thực hiện nhiệm vụ ở tỉnh từ các năm trước. Còn lại, trưởng đoàn coi thi của trường sẽ liên hệ và trao đổi với trưởng điểm thi tại địa phương qua điện thoại.

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, vấn đề kinh phí cũng là một việc cần lo của các trường.

“Đến thời điểm này, chúng tôi đã chi hơn 500 triệu đồng, bao gồm tiền hỗ trợ thuê xe và hỗ trợ công tác phí cho các cán bộ được phân công ở những điểm khó khăn”. Theo ông Việt, địa phương chỉ hỗ trợ đi lại theo đúng quy định – tức là tiền đi xe khách từ Hà Nội lên Điện Biên và từ Điện Biên tới các điểm thi.

Gần 400 cán bộ, giảng viên đi xe khách thì không an toàn. Vì thế, trường tự thuê xe và sẽ bù nếu kinh phí thiếu. Với những điểm thi vất vả hơn, nhà trường cũng hỗ trợ thêm công tác phí so với quy định của Nhà nước.

"Dù khó khăn vất vả, nhưng các trường cũng cố gắng khắc phục vì trách nhiệm xã hội, miễn sao đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, thực chất", ông Việt cho hay.

Trước đó, ngày 21/6, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 (BCĐ) đã có cuộc họp, rà soát lần cuối công tác chuẩn bị tại các cụm thi.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các thành viên BCĐ thảo luận về các công tác được các địa phương chuẩn bị cho đến thời điểm này. Những vướng mắc cần được BCĐ hướng dẫn thêm để các cụm thi, Hội đồng thi quán triệt nhằm đảm bảo tiến độ chuẩn bị theo kế hoạch cũng như các công tác đảm bảo khác cho kỳ thi diễn ra thành công trên cả nước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi được Bộ GD-ĐT chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều khâu, tuy nhiên, không thể chủ quan ở bất cứ khâu nào. BCĐ thi THPT quốc gia đã thành lập 8 đoàn kiểm tra và đã kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị tại hơn 30 Hội đồng thi để kịp thời đề nghị BCĐ thi các tỉnh tiếp tục bổ sung, khắc phục những khâu còn thiếu sót; đảm bảo quá trình chuẩn bị tuân thủ chặt chẽ quy trình, quy chế thi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đoàn công tác phải thường xuyên kết nối, nhắc nhở BCĐ thi của tỉnh, Hội đồng thi những công tác chuẩn bị và trong suốt quá trình tổ chức coi thi, chấm thi, công bố kết quả thi… quán triệt tinh thần cán bộ tổ chức kỳ thi, đề phòng những bất trắc xảy ra dù là nhỏ nhất. BCĐ thi THPT Quốc gia phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau kỳ thi.

“Trong quá trình đó nếu phát hiện vi phạm phải lập biên bản xử lý theo các mức độ quy định trong quy chế thi để làm nghiêm quy chế thi”, Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu khâu bảo quản đề thi, bài thi phải được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy chế. Đối với khâu chấm thi trắc nghiệm (do các trường đại học chủ trì chấm thi), trường phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chấm thi nghiêm túc, không để xảy ra vấn đề sơ suất đáng tiếc trong quá trình chấm thi.

Với ngành công an, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Bộ Công an tăng cường an ninh và trật tự xã hội, an toàn thông tin cho kỳ thi; có các giải pháp đấu tranh, phát hiện các đường dây mua bán thiết bị công nghệ cao; tập huấn cho cán bộ coi thi phát hiện thiết bị công nghệ cao mà thí sinh có ý định mang vào phòng thi với mục đích gian lận thi cử hoặc ghi âm, ghi hình với mục đích làm xấu hình ảnh kỳ thi. Với các địa phương, BCĐ thi bố trí đường dây để kết nối với các cụm thi, kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ, xử lý thông tin trong quá trình kỳ thi diễn ra một cách nhanh nhất.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu, công tác tuyên truyền phải được BCĐ thi và BCĐ thi các tỉnh, thành phố chú trọng tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân yên tâm, ủng hộ một kỳ thi nhẹ nhàng, ổn định, tiết kiệm, không có áp lực trong thí sinh và các tầng lớp nhân dân.

Lâm Đồng: Mang máy kích điện đi chích cá, nam sinh lớp 10 tử vong thương tâm

Sau trận lũ, nhiều cá đã bị tràn ra ngoài nên người dân đi đánh cá rất nhiều. Ảnh: Dân Việt

Vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên địa bàn xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng). Thông tin trên báo Tổ Quốc, ngày 22/6, Công an TP. Bảo Lộc cho biết, vào khoảng 21h ngày 21/6, tại thôn Ánh Mai 3 (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc), sau trận lũ kinh hoàng vừa qua, thấy có cá nhiều cá trong các kênh mương, em Nguyễn Đức Thuận (16 tuổi, học sinh lớp 10), trường THPT Lê Thị Pha, xã Đại Lào, TP.Bảo Lộc) đã mang máy kích điện ra chích cá.

Trong lúc chích điện không may Thuận bị điện giật ngã quỵ xuống mương nước. Đến khuya, người nhà không thấy về nên đã kêu gọi mọi người đi tìm kiếm thì phát hiện Thuận đã tử vong. Tại hiện trường, nạn nhân được phát hiện bên bộ kích điện chích cá trong tình trạng cơ thể bị điện giật tím tái.

Tuổi Trẻ thông tin thêm, nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã có mặt khám nghiệm hiện trường phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ việc; đồng thời, hoàn tất thủ tục làm giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.

Được biết, Thuận vừa học hết lớp 10 và là học sinh chăm ngoan, học giỏi.

Trước đó, tại thôn Ánh Mai 3 bị ảnh hưởng bởi trận lũ lịch sử khiến 70 hồ cá với sản lượng hơn 30 tấn cá của người dân địa phương bị ngập, cá tràn ra ngoài, gây thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Vì thế, nhiều người dân địa phương đã dùng kích điện đi bắt cá.

Bộ Y tế cảnh báo tình trạng lợi dụng danh nghĩa xin con nuôi để buôn bán trẻ sơ sinh

Mới đây, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các bệnh viện, sở y tế rà soát quy trình trao nhận trẻ sơ sinh tại cơ sở y tế để chống nạn mua bán trẻ sơ sinh.

Tại các bệnh viện, em bé sinh ra đều được đeo vòng ghi tên mẹ trên tay và chân để tránh nhầm lẫn trẻ. Ảnh: Người Đưa Tin

Theo Bộ Y tế, cơ quan chức năng đã phát hiện một số đường dây lợi dụng danh nghĩa xin con nuôi để buôn bán trẻ sơ sinh, trục lợi, gây mất ổn định TTATXH; không loại trừ có sự tham gia, tiếp tay cho các đường dây này từ nhân viên của cơ sở y tế, bệnh viện.

Nhằm phòng tránh tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, mạo danh nhận con nuôi để trục lợi, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của các sản phụ cũng như cán bộ, nhân viên y tế các quy định của pháp luật về cho nhận con nuôi.

Rà soát, bổ sung hoàn thiện quy trình chuyên môn và các quy định về quản lý dịch vụ, tăng cường giám sát kiểm tra cán bộ, nhân viên để đảm bảo việc tuân thủ đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật, quy trình trao nhận trẻ sơ sinh và các quy định khác của pháp luật; tuyệt đối không tham gia tiếp tay cho việc buôn bán trẻ sơ sinh.

Trong trường hợp có trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại các cơ sở y tế, cần thông báo và bàn giao trẻ tới cơ quan bảo trợ trẻ em theo đúng quy định của pháp luật.

Bạch Hiền (t/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-thoi-su-moi-nong-nhat-hom-nay-2362019-nguoi-dan-ong-ban-tu-vong-be-trai-khi-dang-thu-sung-a280826.html