Đại gia Thái vì sao "thèm" bia Việt?


Thứ 4, 29/06/2016 | 15:06


(ĐSPL) - Đại gia Thái dù có thâu tóm nhiều chuỗi phân phối, bán lẻ tại Việt Nam, nhưng vẫn quyết tâm sở hữu Sabeco, thay vì mang bia nước họ vào bán. Vì sao lại như vậy?

(ĐSPL) - Đại gia Thái dù có thâu tóm nhiều chuỗi phân phối, bán lẻ tại Việt Nam, nhưng vẫn quyết tâm sở hữu Sabeco, thay vì mang bia nước họ vào bán. Vì sao lại như vậy?

Thị trường tỷ đô

Tin tức trên báo Chất lượng Việt Nam, Chủ tịch Heineken châu Á và Thái Bình Dương, ông Frans Eusman mới đây khi trả lời báo chí cho biết hãng đang đổ tiền vào Việt Nam, thị trường có khả năng sinh lời lớn thứ hai cho họ, chỉ sau Mexico. Thời gian tới hãng này sẽ tiếp tục rót tiền đầu tư vào thị trường bia đầy tiềm năng Việt Nam.

Không chỉ Heineken, thời gian qua hàng loạt hãng bia lớn trên thế giới, nhất là Thái Lan coi thị trường bia Việt Nam là mảnh đất màu mỡ.

Sau khi Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Bộ Công Thương trình Chính phủ phương án bán 53\% cổ phần, giảm tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại công ty này từ gần 90\% xuống còn khoảng 36\% thì ngay lập tức hãng bia lớn nhất Thái Lan là ThaiBev lên tiếng muốn mua 40\% cổ phần của Sabeco. Trị giá thương vụ này lên đến khoảng 1 tỉ USD.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu nắm được Sabeco - công ty đang chiếm giữ thị phần bia lớn nhất nước ta thì đại gia Thái có thể dễ dàng chi phối thị trường bia Việt.

Thông tin trên báo Thanh niên, tham vọng của ThaiBev đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn này không khó hiểu.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2015 sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10\% so với năm trước và tăng gần 41\% so với 2010. Trong đó, riêng Sabeco đạt 1,5 tỷ lít và nắm giữ khoảng 46\% thị phần với thương hiệu bia 333 và Bia Sài Gòn.

Kết thúc năm vừa qua, Sabeco đạt doanh thu thuần hơn 27.100 tỷ đồng, tăng gần 3\% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 28\%. Như vậy ước tính với hơn 3,4 tỷ lít bia được tiêu thụ thì doanh số thị trường đạt gần 70.000 tỷ đồng. Chưa kể đến hàng trăm triệu lít rượu và gần 5 tỷ lít nước giải khát các loại.

Như vậy, nếu ThaiBev mua được Sabeco, hãng bia này sẽ tiếp cận được với hơn 40\% thị trường bia nội địa.

Theo lãnh đạo VBA, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ ký với nhiều quốc gia trong thời gian tới sẽ giúp ngành có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Hiệp hội cũng dự báo đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành đạt từ 4 - 4,25 tỷ lít/năm, nước giải khát từ 8,3 - 9,2 tỷ lít/năm, sản lượng rượu từ 320 - 360 triệu lít.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng thông báo mức độ tiêu thụ bia rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần và hiện nằm trong top 25 của thế giới. Các con số thống kê cho thấy, trong khi lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm qua thì mức tiêu thụ tại Việt Nam lại tăng trưởng theo đường thẳng đứng.

Nếu như năm 2010, lượng tiêu thụ ở mức 6,6 lít/người/năm, giai đoạn 2003 - 2005 là 3,8/lít/người/năm, thì dự báo đến 2025, con số này sẽ tăng lên 7 lít/người/năm. Như vậy chỉ sau 7 năm, từ vị trí thứ 8 ở châu Á (vào năm 2008) về mức tiêu thụ bia thì đến năm 2015 Việt Nam đã trở thành quốc gia tiêu thụ bia đứng thứ 3 châu Á và dẫn đầu khu vực ASEAN. Vì vậy, thị trường Việt có sức hút lớn đối với các công ty nước ngoài.

Thị trường bia Việt Nam là "mảnh đất màu mỡ" cho các nhà đầu tư ngoại. (Ảnh minh họa).

Vì sao đại gia Thái "thèm" bia Việt?

Thông tin trên Trí thức trẻ, tại đại hội cổ thường niên năm 2016 ngày 27/5 vừa qua, nội dung thoái vốn Nhà nước để niêm yết cổ phiếu Sabeco trên sàn chứng khoán Việt Nam đã không được đưa vào cuộc họp.

Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco cho biết, trong phạm vi, quyền hạn của mình, Sabeco không thể tự quyết định. Chỉ có Nhà nước mới quyết định được lộ trình thoái vốn, thoái cho ai, như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu.

Hiện đã có hơn 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua cổ phần của Sabeco. Trong nước có Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Ánh Dương, Công ty Tập đoàn Đức Bình. Số lượng doanh nghiệp ngoại có phần lấn lướt hơn với Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan) và SAB Miller (Mỹ). Trong số các nhà đầu tư trên, ThaiBev với thương hiệu bia lớn nhất Thái Lan Chang beer, được đánh giá là nhà đầu tư quyết liệt nhất.

ThaiBev đã nhiều lần đưa ra đề nghị mua cổ phần Sabeco với trị giá tính theo đơn vị tỷ USD. Chẳng hạn từ tháng 11/2014, ThaiBev đã ngỏ ý muốn mua hết 53\% cổ phần Sabeco định bán và định giá Sabeco khoảng 2 tỷ USD. Đến đầu tháng 2.2015, ThaiBev một lần nữa lên tiếng muốn mua 40\% cổ phần của Sabeco với giá trị khoảng 1 tỷ USD, tương ứng định giá cho công ty đã lên 2,5 tỷ USD.

Mới đây, doanh nghiệp Thái này cũng tiếp tục có tên trong danh sách xin làm cổ đông chiến lược của Sabeco.

Bằng chứng là từ tháng 11/2014, khi Sabeco có ý định tái cấu trúc vốn và bán 53\% cổ phần, ThaiBev đã muốn sở hữu số cổ phần trên và định giá khoảng 2 tỷ USD. Ở thời điểm này, Sabeco đang chiếm lĩnh 46\% thị phần bia trong nước, với thương hiệu 333 và Bia Sài Gòn.

Đến đầu tháng 2/2015, ThaiBev một lần nữa muốn mua 40\% cổ phần của Sabeco, với giá trị khoảng 1 tỷ USD, tương ứng định giá công ty đã lên 2,5 tỷ USD. Thương vụ này bị Sabeco “lắc đầu”, vì cho rằng mức giá thấp.

Cùng thời điểm này, một ông lớn khác của Thái Lan, là Tập đoàn Singha, thành viên Tập đoàn Boon Rawd Brewery, hãng bia tại Thái Lan thành lập năm 1933, sở hữu các sản phẩm với nhiều thương hiệu khác nhau như Singha, Leo, B-ing, Purra, Sanvo… cũng đề nghị mua cổ phần của Sabeco, nhưng không được phía Sabeco đồng ý.

Singha sau đó đã “tạm quên” thương vụ này để chi 1,1 tỷ USD mua cổ phần một số công ty con thuộc tập đoàn Masan tại Việt Nam vào cuối năm 2015. Thương vụ có hiệu lực tháng 1/2016. Ngay sau đó, thức uống của Singha Asia có mặt tại phòng khách của người Việt. Nhưng khi được hỏi, liệu Singha có đưa các sản phẩm bia của mình vào thị trường Việt Nam, ông Palit Bhirombhakdi, Tổng giám đốc Singha Asia, cho rằng ông không chắc sẽ đưa bia Thái vào bán ở Việt Nam, dù có hệ thống phân phối rộng khắp.

“Việc uống bia là văn hóa, và cả lòng tự hào dân tộc. Đi đâu cũng vậy, người dân nước sở tại họ vẫn thích uống bia mang thương hiệu của nước họ. Tại từng nước thì thương hiệu bia của từng vùng, từng tỉnh sẽ được người dân nơi đó yêu thích hơn. Giống như người Việt Nam đang uống bia Sài Gòn vậy”, ông Palit Bhirombhakdi nói.

Chia sẻ của Tổng giám đốc Singha Asia đã giải thích lý do vì sao các đại gia Thái dù có thâu tóm nhiều chuỗi phân phối, bán lẻ tại Việt Nam, nhưng vẫn quyết tâm sở hữu Sabeco, thay vì mang bia nước họ vào bán.

Nhận định về điều này, TS Nguyễn Văn Sơn, Khoa Kinh tế và Quản lý công, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng với một số nước đông dân như Việt Nam thì mức tiêu thụ đồ uống có cồn sẽ gia tăng nhanh hơn, trở thành thị trường cực kỳ tiềm năng đối với doanh nghiệp sản xuất bia. Bên cạnh đó, khi hội nhập kinh tế chung ASEAN và sau nữa là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, hàng hóa từ Việt Nam dễ dàng lưu thông trong các nước thành viên với thuế thấp. Đồng thời mức giá nhân công tại Việt Nam cũng đang còn rẻ nếu so sánh với nhiều nước khác nên dòng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam sẽ ngày càng nhiều. Đặc biệt đối với ngành bia, Chính phủ có những quy định kiểm soát nghiêm ngặt nên để tham gia thị trường thì việc mua lại các doanh nghiệp cùng nhà máy có sẵn là giải pháp tối ưu.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Sơn, Sabeco có những lợi thế tốt nhất trong hoạt động sản xuất nên cần xem xét kỹ khi bán cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại và có thể ưu tiên cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. “Sabeco đã vô địch về thị phần hàng trung cấp nên có thể nghiên cứu, đưa ra sản phẩm tiếp cận phân khúc cao cấp để mở rộng thị phần hơn nữa. Bản thân các doanh nghiệp khác vì doanh số nhỏ, thị phần ít hay công nghệ quá lạc hậu thì mới nên bán cho nước ngoài để thay đổi và tạo ra sự phát triển mới.

Còn đối với Sabeco thì cớ gì phải chia miếng bánh béo bở cho người khác hưởng?”, TS Sơn nhận xét. Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, nếu thông qua được Sabeco, công ty đang chiếm giữ thị phần lớn nhất nước trong ngành bia, thì việc mở rộng về thương hiệu, doanh số lẫn lợi nhuận sẽ càng nhanh chóng hơn. Chiến lược của các doanh nghiệp ngoại như Thái Lan được thực hiện khá bài bản, chuyên nghiệp và rất hợp lý trong cạnh tranh kinh doanh hiện đại. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi họ nhanh chóng phát triển mạnh tại Việt Nam. Đây cũng là bài học cho các công ty trong nước để không xem thường đối thủ cũng như xem lại chiến lược hoạt động của mình, không chỉ tập trung mỗi thị trường nội địa mà còn phải xây dựng thương hiệu ra khu vực và thế giới.

TUYẾT MAI (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-thai-vi-sao-them-bia-viet-a137401.html