Vụ giáo viên tiếp khách...công: Trưởng phòng GD không hiểu nghĩa của từ “lễ tân"


Thứ 7, 12/11/2016 | 11:14


(ĐSPL) - Cách trả lời thiếu trách nhiệm của ông Lê Bá Thiềm, Trưởng Phòng GD - ĐT thị xã về việc điều động giáo viên trẻ tiếp khách...công khiến rất nhiều người bất bình

(ĐSPL) - Cách phát ngôn, trả lời thiếu trách nhiệm, vô cảm của ông Lê Bá Thiềm, Trưởng Phòng GD - ĐT thị xã về việc điều động giáo viên trẻ tiếp khách...công khiến rất nhiều người không đồng tình.

[mecloud]bSWpINcq9U[/mecloud]

Như đã phản ánh trước đó, thời gian gần đây, Phòng GD - ĐT thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã bàng quan, vô trách nhiệm trước việc để điều động hàng chục giáo viên nữ vào hoạt động trái mục đích.

Theo phản ánh của một số giáo viên, ngoài việc bị điều động làm lễ tân trong các ngày lễ lớn, họ còn bị buộc đi tiếp khách, ăn uống, hát karaoke tại các nhà hàng.

Sau khi sự việc được phản ánh, dư luận tỏ ra đồng cảm, chia sẻ với các giáo viên này; đồng thời, nhiều người thể hiện bức xúc đối với những người có liên quan.

Rất nhiều người không đồng tình với cách phát ngôn, trả lời thiếu trách nhiệm, vô cảm của ông Lê Bá Thiềm, Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã. Ông Thiềm cho rằng, ông không trực tiếp điều động nên không biết giáo viên ăn với ai, hát với ai...

Khi PV nói về việc, trước đó, các giáo viên này đã bị UBND thị xã điều động làm lễ tân tại cuộc liên hoan, ông Thiềm trả lời: "Tôi, tôi không biết lễ tân là cái gì. Tôi không hiểu cái chuyện lễ tân...".

Trước đó, ông Thiềm khẳng định, UBND thị xã chỉ điều động các giáo viên đến hội nghị, đến buổi lễ để phát tài liệu chứ không có chuyện điều động họ đến nhà hàng để tiếp khách.

Trong khi đó, rất nhiều giáo viên bị điều động, khẳng định với PV việc bị điều động đến những hàng để ăn uống, ca hát... cùng các quan khách. Ngoài các dịp lễ lớn, khi có khách trên về, những cô giáo này, vẫn bị điều động để làm các công việc tương tự.

Theo quy định tại Luật viên chức 2010

Điều 36. Biệt phái viên chức

1. Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.

2. Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.

3. Viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến.

4. Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.

5. Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

6. Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.

Mặt khác, theo hướng dẫn tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP thì:

7. Không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

PVMT

Xem thêm video:

[mecloud]XudFSYNrFk[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-giao-vien-tiep-khachcong-truong-phong-gd-khong-hieu-nghia-cua-tu-le-tan-a170008.html