Từ nâng giá khẩu trang đến phát tán mã độc: Trục lợi từ dịch bệnh là tội ác


Thứ 7, 22/02/2020 | 07:03


Cùng sự kiện

Hiện nay, cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang chung tay để phòng chống, ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19 gây ra.

Hiện nay, cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang chung tay để phòng chống, ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong bối cảnh ấy, vẫn có những công ty, cá nhân vẫn ngang nhiên lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bằng mọi giá, với mọi thủ đoạn. Mới đây nhất, việc phát tán mã độc nhằm chiếm đoạt, kiểm soát máy tính, thiết bị di động lại một lần nữa bị phát hiện. Theo các chuyên gia thì đây là tội và cần phải nghiêm trị.

Nhận diện nguy cơ từ những cảnh báo

Theo chuyên gia xã hội học, Ths. Trương Anh Hồng thì: "Các đối tượng phạm tội thường lợi dụng kẽ hở hoặc biến cố nào đó để trục lợi là điều có thể dễ thấy. Bất cứ ở giai đoạn nào đều có các loại hình tội phạm này ra đời, kể cả trong chiến tranh hay dịch bệnh. Đặc biệt là trong xã hội ngày nay, khi cuộc cách mạng công nghệ số đang phát triển như vũ bão thì các loại tội phạm liên quan đến công nghệ lại càng nhiều hơn.

Điển hình như các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức thường sản xuất ra các loại virus, mã độc để đánh cắp tài khoản, thông tin dưới nhiều vỏ bọc mang tên virus Corona hay Covid-19 là điều có thể dễ nhận biết mối nguy cơ đe dọa. Tuy nhiên, để phát hiện ra được mối nguy cơ đó thể hiện cụ thể như thế nào, bằng virus hay mã độc gì lại cực kỳ khó khăn, phức tạp... Do đó, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện ra được vấn đề này là rất đáng mừng và họ đã đưa ra những khuyến cáo thì người dân nên tìm hiểu để phòng tránh tai họa ập đến với mình".

Thực tế, mới đây, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện việc phát tán mã độc ẩn dưới các tập tài liệu liên quan đến virus Corona (hay Covid-19). Theo đó, các mã độc này cho phép hacker làm hư hại, chỉnh sửa hoặc sao chép dữ liệu, thậm chí can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính của người dùng. Các loại mã độc tồn tại dưới dạng tên: Worm.VBS.Dinihou.r; UDS:DangerousObject.Multi.Generic; Trojan.WinLNK.Agent.gg; HEUR:Trojan.WinLNK.Agent.gen; HEUR:Trojan.PDF.Badur.b...

Trước đó, Kaspersky cũng đã phát hiện các tệp mã độc núp bóng dưới dạng tài liệu liên quan đến chủng mới của virus Corona. Các tệp mã độc ngụy trang dưới dạng tệp dữ liệu định dạng "pdf", "mp4", "docx"... có chứa thông tin về virus Corona. Hay như, ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cũng đã phát đi cảnh báo về các loại mã độc này.

"Hiện nay, các thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh dịch viêm phổi do chủng mới của virus nCoV thường xuyên được gửi tới quý khách thông qua Email, SMS hoặc các ứng dụng mạng xã hội. Một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để gửi email phát tán mã độc (emotet,...) hoặc lừa người dùng cung cấp thông tin bằng phishing email.

Toàn xã hội đang chung tay phòng chống dịch bệnh thì còn đó một số tổ chức, cá nhân lại tìm cách trục lợi là không thể chấp nhận được

Các email/tin nhắn lừa đảo có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch bệnh Corona, sau đó yêu cầu người dùng click vào đường link đính kèm trong mail. Khi truy cập vào link hoặc đơn giản chỉ click mở email/tin nhắn, thiết bị của người dùng có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin. Một vài trường hợp khác, đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập Internet Banking để chiếm đoạt tài tiền từ tài khoản", Thông báo phát đi của Maritime Bank phát đi cho hay.

Phân tích thêm về loại tội phạm này, Kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Hải Ngọc, đang làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM khuyến nghị: "Các loại mã độc này dễ dàng phát huy được công năng của nó khi người dân thường tìm kiếm các thông tin về dịch bệnh, với từ khoá là Corona, nCoV, Covid19... Đặc biệt, các loại tội phạm này thường hướng đến các trang có chứa thông tin chưa được kiểm chứng trên các trang không chính thống, vì vậy, người dân cần phải cẩn trọng cảnh giác.

Tốt nhất là không nên truy cập vào các trang nêu trên để tránh rước họa vào thân, bởi các trang chính thống hay website của các tổ chức đều được quản lý, với hệ thống bảo mật khá tốt. Đó là bài toán khó giải với các hacker, trong khi các trang không chính thống lại dễ có lỗ hổng, dẫn tới, tội phạm công nghệ cao cũng dễ dàng tấn công hơn".

Bên cạnh đó, cũng theo Kỹ sư Ngọc thì: "Nhiều trang, đặc biệt là web đen hay các trang mạng xã hội khác thường đưa các thông tin "giật gân", câu like, câu view... trong khi thông tin này chưa được kiểm chứng nhưng cũng là một trong những điều kiện vô cùng thuận lợi để các đối tượng phạm tội phát tán các loại mã độc. Vì thế, người dân cần phải cảnh giác, cẩn trọng đối với các trang thông tin này".

Trục lợi bằng mọi thủ đoạn

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là sau thời điểm Việt Nam có ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 thì tình trạng một số mặt hàng thiết yếu để phục vụ cho công tác phòng chống, ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh đã tăng chóng mặt. Rõ nhất là chiếc khẩu trang y tế và các trang thiết bị, sản phẩm phục vụ cho cho công tác này.

Tuy nhiên, đó chưa phải là những điểm cuối cùng của hành vi trục lợi từ dịch bệnh mà thêm vào đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã đã gom các mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc... sau đó "lên đời", gắn mác bán ra thị trường với giá cao gấp nhiều lần. Rồi một số tổ chức, cá nhân cũng buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng khác tuồn ra thị trường, cung cấp cho người tiêu dùng trong khi nhu cầu đang khan hiếm...

Lại thêm, một số hành vi khác như: Lợi dụng lòng tin của người dân để bán các loại thuốc, sản phẩm không rõ nguồn gốc nhưng được quảng cáo là có công năng chữa và phòng tránh dịch viêm phổi do virus Covid-19 gây ra. Gần đây nhất, hacker cũng đã sản xuất ra các loại mã độc để phát tán, nhằm đánh cắp thông tin, tài khoản... từ đó trục lợi.

Theo các chuyên gia, những hành vi nêu trên không những phải lên án mà còn khép vào hành vi phạm tội, vì vậy, cần phải xử lý nghiêm, có tính chất rắn để nêu gương cho người khác. "Xét về bản chất, tất cả các hành vi nêu trên đều vì lợi nhuận hay miễn có tiền là người ta thực hiện, bất chấp nó như thế nào, dùng phương pháp gì và không bàn đến đạo đức nghề nghiệp, lương tâm... Do đó, tôi cho rằng, cần phải xử lý nghiêm những hành vi này. Đó là tội ác, chứ không phải là hành vi đơn thuần để tìm kiếm thu nhập", luật sư Nguyễn Văn Bảo (TP.HCM) chia sẻ.

Luật sư Bảo phân tích:"Thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính, rút giấy phép một số cơ sở y tế, nhà thuốc, cửa hàng trang thiết bị y tế... Điều đó cũng đã làm giảm đi hành vi trục lợi của các hệ thống này. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, cần phải làm mạnh tay hơn, quyết liệt hơn.

Trong bối cảnh cả toàn xã hội đang chung tay để phòng chống dịch bệnh thì anh lại đi trục lợi là hoàn toàn không thể chấp nhận được". Trong khi đó, một số chuyên gia y tế lại lo ngại về các mặt hàng có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của người dân khi nó chưa được kiểm định. "Ví như thuốc chữa bệnh hay sản phẩm tương tự chưa được kiểm định và có công dụng phòng tránh dịch bệnh hay không nhưng lại quảng cáo là có thể phòng chống, chữa được dịch bệnh... thì sẽ gây ra những hậu quả vô cùng tai hại", Bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho hay.

Cũng theo Bác sĩ Sơn: "Khi sử dụng các loại thuốc hay sản phẩm chưa được kiểm định thì người dân có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là mất mạng trước khi bị nhiễm bệnh, do virus Covid-19 gây ra. Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều người chưa tìm hiểu kỹ thông tin, lại hay có tâm lý hoang mang nhưng lại nghe truyền truyền tai, đồn thổi về sự nguy hiểm lây lan của dịch bệnh... chính là miếng mồi ngon cho các đối tượng trục lợi".

Chí Thành

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 29

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-nang-gia-khau-trang-den-phat-tan-ma-doc-truc-loi-tu-dich-benh-la-toi-ac-a312623.html