Vì sao người lao động vẫn hững hờ với bảo hiểm tự nguyện?


Thứ 5, 24/09/2015 | 14:22


(ĐSPL) - Sau 8 năm triển khai, có chưa tới 200.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 0,45\% so với số người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện.

(ĐSPL) - Sau 8 năm triển khai, có chưa tới 200.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 0,45\% so với số người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện – là con số đáng chú ý trong báo cáo của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây.

Với một đất nước có gần 70\% dân số làm nông nghiệp, lao động tự do... chính sách này có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo an sinh xã hội cho những người “chân lấm tay bùn” khi hết tuổi lao động. Thế nhưng, thực tế cho thấy rất ít lao động thuộc nhóm này tham gia BHXH tự nguyện. Vậy vì đâu mà họ chưa thực sự “mặn mà” với loại bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Giấc mơ lương hưu của người đồng nát

Quê ở tận miền biển Nam Định, do hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, ba đứa con thơ dại, nên gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai chị Nguyễn Thị Hương. Không còn cách nào khác để thay đổi cuộc sống, chị đành ra Hà Nội kiếm ăn bằng nghề nhặt rác.

Với chiếc xe đạp cũ kỹ, ngày ngày, chị rong ruổi trên những con phố thân quen quanh Hà Nội lượm nhặt những thứ có thể bán được, từ vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn cho đến những thanh củi tận dụng nấu ăn. Nhọc nhằn là vậy nhưng thu nhập chẳng được là bao.

Chị tâm sự: “Tưởng ra thành phố đông dân cư và sầm uất thì cơ hội việc làm nhiều, nhưng ra đến đây rồi mới hiểu kiếm được miếng ăn cũng tủi hổ vô cùng. Thử làm nhiều nghề từ phụ bán hàng, phu hồ, đổ bê tông đến giúp việc gia đình nhưng ở đâu cũng không trụ được lâu vì người thuê họ chỉ muốn vắt kiệt sức lao động của mình. Chán cảnh làm thuê, làm mướn, tôi chuyển sang nhặt đồng nát, mỗi tháng cũng dành dụm được 3 – 4 triệu đồng”.

Vì đâu mà người lao động “chân lấm tay bùn” chưa “mặn mà” với BHXH tự nguyện. Ảnh minh họa.

Số tiền ít ỏi kiếm được, chị Hương chắt chiu gửi về chi tiêu cho cả gia đình ở quê. Kinh tế khó khăn, chưa bao giờ chị nghĩ đến việc sẽ tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện dù số tiền mỗi tháng phải đóng chỉ chưa đến 100.000 đồng. “Người lao động như chúng tôi làm gì có tiền mà đóng. Ngày ngày nhặt rác, thu gom phế liệu, kiếm được đồng nào hay đồng đấy. Nhiều lúc cũng nghĩ đến lúc về già sẽ vất vả khó khăn, không biết sống dựa vào đâu nhưng điều kiện nhà mình ăn còn chưa đủ, lấy đâu tiền đóng bảo hiểm”, chị chia sẻ.

Tâm sự của chị Nguyễn Thị Hương cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều người lao động hiện nay.  Họ đều mong muốn khi về già, lúc không còn sức lao động làm ra đồng tiền nữa thì hàng tháng sẽ được nhận một khoản lương hưu để “có chút tiền nuôi thân” trang trải cuộc sống hàng ngày, thế nhưng chuyện cơm áo gạo tiền trước mắt khiến họ không dám nghĩ đến điều đó.

Gần chục năm gánh hoa quả thuê ở chợ Thái Hà, chị Hiên (36 tuổi, quê Thái Bình) từng nếm trải biết bao cay đắng của cuộc đời. Hơn ai hết, chị hy vọng quãng thời gian về già, có chút lương hưu để không phải nhờ con cái.

Thế nhưng, cuộc sống hiện tại khiến giấc mơ của chị bị đập tan. Chị tâm sự: “Gánh từ 2h đến tận 7h sáng mới được nghỉ ngơi. Về xóm trọ ăn tạm bát cơm rồi ngả lưng xuống nghỉ, đến gần trưa lại lang thang khắp các con đường để nhặt rác, thu gom phế liệu, buôn đồng nát. Gánh hoa quả nặng bốn năm chục cân cũng chỉ được trả công 5 nghìn đồng. Tiền lo cho cuộc sống hiện tại còn chưa đủ, thử hỏi lấy đâu tiền đóng bảo hiểm để sau này hưởng?”.

Khi được chúng tôi phỏng vấn, nhiều người lao động tự do tại Hà Nội cho biết, do không có được thu nhập cao nên trung bình mỗi tháng chỉ kiếm được vài ba triệu, số tiền trên chỉ đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày nên không tham gia đóng bảo hiểm.

Họ cũng thẳng thắn chia sẻ, đóng BHXH tự nguyện, số tiền được hưởng sau này chẳng đáng bao nhiêu, trong khi các chế độ đáng được hưởng như: Đau ốm, bệnh tật lại không được. Do đó, nếu có tiền họ sẽ tích lũy để đề phòng lúc ốm đau, bệnh tật chứ không tham gia mua bảo hiểm...

Vì đâu người lao động vẫn “làm ngơ”?

Những chia sẻ trên là câu trả lời thực chất nhất cho vấn đề vì sao người lao động “chân lấm tay bùn” chưa mặn mà với BHXH tự nguyện. Điều này là hoàn toàn thông cảm được, bởi đối với họ, cuộc sống cơm áo gạo tiền trước mắt là quan trọng hơn cả, khi mà “ăn chưa no”, họ không thể nghĩ đến việc sẽ bỏ ra một khoản tiền không nhỏ đóng bảo hiểm để hưởng an nhàn sau này.

Theo con số thống kê, tại tỉnh Vĩnh Phúc, qua 6 năm thực hiện BHXH tự nguyện (từ 2008 đến 2013), chỉ có 3.196 người tham gia trong tổng số 115.660 người thuộc đối tượng tham gia BHXH.

Tại tỉnh Phú Yên, tính bình quân giai đoạn 2008-2014, số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 1,32\% tổng số người tham gia BHXH, bằng 0,13\% lực lượng lao động và 0,078\% tổng dân số toàn tỉnh...

Báo cáo của bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, sau 8 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện, số người tham gia vẫn còn thấp. Tính đến hết ngày 31/12/2014, chỉ có thêm 196.254 người tham gia loại hình này.

Dưới góc nhìn chuyên môn, lý giải cho sự “đìu hiu” trên, các chuyên gia trong ngành bảo hiểm chia sẻ, nguyên nhân chính vẫn là do mức đóng BHXH tự nguyện hiện vẫn còn ở mức khá cao so với thu nhập của nhiều người dân vốn làm nghề tự do, đặc biệt là quá cao so với người nông dân “chân lấm tay bùn”.

Bên cạnh đó, đóng BHXH tự nguyện sẽ chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất mà không được hưởng các chế độ ngắn hạn khác như: Thai sản hay ốm đau. Ngoài ra, những người tham gia bắt buộc phải đóng đủ 20 năm và đóng tiền từng tháng, kéo dài từng ấy thời gian mới được hưởng, điều đó khiến cho nhiều người dân “quay lưng” không tham gia BHXH tự nguyện.              

Bà Trần Thị Thúy Nga – Vụ trưởng vụ Bảo hiểm xã hội (bộ LĐ - TB&XH): Chính sách dù hay và nhân văn mà không đến được với người dân thì cũng... “đóng băng”

Trong một lần làm công tác truyền thông ở một xã nông thôn, chúng tôi hỏi về BHXH và mọi người đều trả lời là không biết gì về nó. Sau khi nghe chúng tôi nói chuyện đã có 40 người trong làng đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Nói thế để thấy rằng chính sách dù hay và nhân văn đến đâu mà không đi đến được với người dân thì chính sách ấy cũng... “đóng băng”. Như vậy, công tác truyền thông đến người lao động rất quan trọng. Người dân cần biết Nhà nước có chính sách gì và được lợi gì từ chính sách đó thì họ sẽ ủng hộ.

ĐBQH Lê Trọng Sang, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: Cần nâng cao tính minh bạch trong xử lý vi phạm về BHXH

Tâm lý người lao động không “mặn mà” với chính sách BHXH hiện nay, kể cả BHXH bắt buộc một phần phụ thuộc vào tính minh bạch trong xử lý vi phạm pháp luật về BHXH. Trên thực tế, niềm tin của người dân vào chính sách liên quan đến việc xử lý vi phạm có vai trò quan trọng vì điều này tác động rất lớn đến họ. Vì thế, chúng ta cần có những chính sách cụ thể trong việc xử lý vi phạm, cùng với đó là phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến BHXH sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra.

PGS.TS Lê Thị Hoài Thu – Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội: Rào cản là sự bất bình đẳng giữa người lao động

Do làm việc không có hợp đồng lao động, nên nhóm lao động di cư phi chính thức chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện và chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất. Mặc dù các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động rất thiết thực, do điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, mức độ gặp rủi ro trong công việc cao hơn nhưng các chế độ này không có trong BHXH tự nguyện. Điều này tạo nên sự bất bình đẳng giữa người lao động khi tham gia BHXH, không khuyến khích lao động di cư phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Như vậy, cần mở rộng chế độ trong BHXH tự nguyện, nhằm giúp lao động di cư phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện được bình đẳng về quyền lợi như lao động tham gia BHXH bắt buộc.


 Thanh Xuân - Anh Đức
 

Xem thêm video tin tức:

[mecloud]DkmO1QTT0Y[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-nguoi-lao-dong-van-hung-ho-voi-bao-hiem-tu-nguyen-a111881.html