Vị tướng an ninh anh hùng- người con ưu tú của dân tộc Khơ-me


Thứ 4, 19/08/2015 | 02:30


(ĐSPL)- Trước khi về hưu, Trung tướng Sơn Cang giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

(ĐSPL)- 14 tuổi, Sơn Cang tỏ rõ sự gan dạ và mưu trí khi tham gia đấu tranh trong đội du kích mật xã Ngũ Lạc. Nhận thấy sự dũng cảm của cậu bé Khơ-me, người lãnh đạo cách mạng địa phương đưa ông vào đội ngũ Công an Nhân dân. Trước khi về hưu, Trung tướng Sơn Cang giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Cậu bé Khơ-me yêu nước từ trong huyết quản

Trong những ngày hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam, PV báo ĐS&PL tìm về miệt vườn sông nước Trà Vinh, gặp gỡ và viết về cuộc đời của vị tướng Khơ-me đứng trong hàng ngũ Công an Nhân dân. Trung tướng Sơn Cang, năm nay 68 tuổi, sức khỏe đã giảm sút đi nhiều với đủ chứng bệnh. Thế nhưng, trong từng câu chuyện kể về cuộc đời, về những chiến công, ông vẫn ánh lên vẻ tự hào. Đó là giây phút ông quên đi những đau bệnh tuổi già để hồi tưởng về quá khứ của cậu bé Khơ-me yêu nước từ trong huyết quản.

Trung tướng Sơn Cang (ảnh Hà Nguyễn).

Trung tướng Sơn Cang chậm rãi nhớ lại ngày ông tham gia lực lượng du kích mật của xã Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh): “14 tuổi, tôi theo các anh làm du kích mật trong ấp Cây Xoài, xã Ngũ Lạc. Sau, bị địch phát hiện, tôi phải thoát ly gia đình. Thế rồi, tôi non nớt cầm súng tham gia vào cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, với lòng căm thù giặc sâu sắc”.

Ngày đi đánh bót; tối, ông cùng các đồng đội vào các ấp chiến lược để vận động bà con đóng góp cho cách mạng. Dù nghèo khó, người dân vẫn dành dụm ít tiền, lương thực, áo quần... cho Việt Cộng. Thu gom được một ít, ông lại mang nộp cho tài chính, rồi lại đi một mạch ra bờ sông, lên xuồng tìm chỗ ngủ qua đêm. Có lúc địch oanh tạc trên sông, ông và đồng đội phải bỏ xuồng, trầm mình dưới dòng sông lạnh suốt mấy ngày liền. Lúc lên bờ, người tím tái, phồng rộp, đói lả. Thế nhưng, khi xông trận, ông chẳng còn biết mệt mỏi. Chuyện một mình ông hạ đồn giặc trở nên bình thường. Thấy ông gan lỳ, một mình nhiều lần đương đầu với địch và giành thắng lợi, lãnh đạo cách mạng địa phương bố trí ông làm công an xã.

Một trong những lần như thế diễn ra trong trận đánh lúc xế chiều, cuối tháng 11/1972, khi ông đang làm nhiệm vụ tại trại giam ban An ninh tỉnh Trà Vinh. Trại giam này có hơn 200 tù nhân, đặc biệt có hai lính Mỹ nên nhiệm vụ bảo vệ cho họ an toàn là vô cùng cấp thiết. Thế nhưng, hôm đó, địch huy động ba tàu chiến từ vàm Cái Nước chạy vào sông Bến Giá (Duyên Hải) cùng hai phi cơ hộ tống, trực tiếp tấn công trại giam. Thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Văn Tiết, Trưởng ban An ninh tỉnh Trà Vinh cũng vừa đến làm việc với cán bộ trại giam. Nhận định, nếu để địch tấn công bất ngờ, trại giam sẽ bị oanh tạc, thương vong sẽ vô cùng lớn. Do đó, để tránh thương vong cho tù nhân, cán bộ trại giam, đồng đội, khi máy bay địch vần vũ trên đầu, Sơn Cang dũng cảm lao ra và bắn đạn xối xả, “nhử” địch về phía mình.

Thấy động, máy bay địch chĩa hết súng về phía ông, ra sức nhả đạn, tạo ra lối thoát như ông đã tính để đồng đội bí mật bảo vệ, di tản cán bộ cấp cao, tù nhân đến nơi an toàn. Một mình giữa vòng vây, ông chọn công sự đào, liên tục đáp trả để thu hút máy bay địch. Sự gan lỳ, mưu trí của ông khiến địch nhả hết đạn vẫn chưa hạ được anh công an dũng cảm, phải quay về căn cứ nạp đạn. Sau ít phút, địch tiếp tục quay lại, đánh đến đêm nhưng không xóa được “cái gai trong mắt”.

Phá hơn 100 án, bắt    nhiều tên phản động

Sau những năm tháng chìm trong bom đạn chiến tranh, Sơn Cang trở về nguyên vẹn trong sự nức nở, bồi hồi của người thân. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc đã hoàn thành, ông lại bắt tay cùng các đồng chí, đồng đội, nhân dân bước vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước. Lúc này, Trung tướng Sơn Cang đang giữ nhiệm vụ Phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Công an tỉnh Cửu Long (bao gồm Trà Vinh và Vĩnh Long-PV) lại lao vào công cuộc chống thế lực phản động. Ông trực tiếp phụ trách đội Phòng chống phản động lợi dụng chiêu bài dân tộc. Chính ở cương vị này, ông đã liên tiếp đập tan nhiều kế hoạch động trời của các phần tử phản động và bắt giữ hàng trăm tên đầu sỏ chống phá Đảng và Nhà nước.

Hình ảnh hiếm hoi về anh hùng Sơn Cang những năm thời chiến (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trong hơn 100 án phản động, đồng chí Sơn Cang nhớ nhất vụ chống bạo loạn lật đổ chính quyền vào ngày 16/11/1976 tại tỉnh Cửu Long. Tổ chức phản động này có rất nhiều súng và địa bàn hoạt động rất rộng. Nếu Trung tướng Sơn Cang không kịp thời chỉ huy ngăn chặn, có lẽ hậu quả sẽ rất khó lường. Cụ thể, khoảng tháng 9/1976, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ông phát hiện đối tượng người nước ngoài tên Phola cùng bạn gái đến Trà Vinh trong vai người nuôi bệnh ở bệnh viện tỉnh Cửu Long. Thực tế, Phola đến Trà Vinh để móc nối, tổ chức, mưu đồ bạo loạn, lật đổ chính quyền. Trung tướng Sơn Cang lên kế hoạch bắt cóc chớp nhoáng tên Phola chỉ với hai trinh sát.

Trung tướng Sơn Cang nhớ lại: “Qua khai thác, Phola khai với chúng tôi toàn bộ tổ chức và bộ máy chính quyền của chúng từ tỉnh đến xã. Tổ chức phản động mà Phola tham gia có phân cấp rõ ràng, riêng cấp tỉnh có 7 tên, tên T.K. làm tỉnh trưởng, có nhiều quan chức của chúng đang cài cắm trong nội bộ chính quyền của ta lúc bấy giờ. Nhận thấy sự phức tạp, cũng như quy mô rộng lớn của tổ chức phản động này, tôi “tương kế tựu kế”, đồng thời triển khai nhiều biện pháp để tóm gọn cả bọn. Đến đầu tháng 11/1976, toàn bộ kế hoạch bạo loạn ở thị xã Trà Vinh bị chúng tôi vạch trần. Sau này, các đối tượng khai báo đã chọn sẵn ngày hành động là 16/11/1976, cũng là ngày khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần I. Theo kế hoạch, chúng sẽ tiến hành bạo loạn tại 63 điểm ở TX. Trà Vinh và các huyện Trà Cú, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành...”.

Tháng 2/1979, đồng chí Sơn Cang được giao nhiệm vụ làm Tổ phó Tổ chuyên gia Công an tỉnh Cửu Long sang Campuchia giúp Công an tỉnh Kampong Speu xây dựng lực lượng và giúp nước bạn củng cố bộ máy chính quyền. Sau thời gian tiếp cận nắm tình hình, ông nhận định, chỉ khi nào loại bỏ được bọn địch ngầm thì nước bạn mới có thể xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh. Là người Khơ-me, nên việc ông truyền kinh nghiệm nghiệp vụ cho bạn gặp nhiều thuận lợi. Với kinh nghiệm và kiến thức có được, ông giúp nước bạn tìm, diệt hàng trăm tên nội gián, phản động. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đâu là đối tượng phải tiêu diệt và đâu là người cần được cải tạo.                                 

Không ai hiểu đồng bào dân tộc ở Tây Nam Bộ bằng đồng chí Sơn Cang

Ông Bùi Quang Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết: “Để nói về người cán bộ hiểu đồng bào dân tộc ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, tôi dám khẳng định, không ai qua được đồng chí Sơn Cang. Có thể nói, những đóng góp trong việc đảm bảo ổn định tình hình, đấu tranh với bọn tiêu cực phải nói vai trò của đồng chí Sơn Cang rất lớn. Ngoài ra, đồng chí còn là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo trong cung cách làm việc, sống theo lời Bác Hồ dạy. Ở đồng chí, chúng ta thấy một con người kiên cường, luôn đặt nhiệm vụ vì dân, vì nước lên trên hết”.

“Ta và bạn phải hỗ trợ lẫn nhau”

Đại tá Thạch Chane Sa Rây, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh cho biết: “Trong quá trình tham gia làm chuyên gia cho nước bạn, anh Hai Cang (Trung tướng Sơn Cang – PV) rút ra nhiều kinh nghiệm mà sau này anh nhiều lần chia sẻ với chúng tôi. Tôi ghi nhớ nhất là anh Hai Cang căn dặn việc ta với nước bạn phải có sự khăng khít, hỗ trợ lẫn nhau. Ta bám vào bạn, bạn có thông tin sẽ chia sẻ cho ta. Ta và bạn sẽ cùng nhau phân hóa nào là dân nào là kẻ xấu, để cùng triệt phá. Anh Hai Cang khẳng định, làm gì thì làm, miễn dân ủng hộ là thắng lợi”.

Hà Nguyễn - Ngọc lài

Xem thêm video:

[mecloud] Ru1RokgQF9[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-tuong-an-ninh-anh-hung--nguoi-con-uu-tu-cua-dan-toc-kho-me-a106838.html