Xây dựng chiến lược kinh tế biển


Thứ 2, 10/08/2015 | 04:43


Trong hơn 9 năm qua, bộ Luật Hàng hải 2005 đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hàng hải Việt Nam phát triển nhanh, toàn diện và đạt được mức tăng trưởng rất cao.

Trong hơn 9 năm qua, bộ Luật Hàng hải 2005 đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hàng hải Việt Nam phát triển nhanh, toàn diện và đạt được mức tăng trưởng rất cao so với các thời kỳ trước đây.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bộ luật vẫn còn nhiều điều, khoản chưa phù hợp với tình hình mới; trong đó có những khái niệm, điều kiện cơ sở hạ tầng cảng biển, nguồn nhân lực hay việc cải hoán, đóng mới tàu cần thể hiện rõ hơn đảm bảo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tàu cá vỏ thép QNg 94359TS có công suất 811 CV, hành nghề lưới vây và mành chụp, do ngư dân Huỳnh Luận, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng cùng 12 lao động ra khơi khai thác hải sản tại ngư trường Biển Đông. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN.

Ông Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, bộ Luật Hàng hải (sửa đổi) lần này cần quan tâm hơn về vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng cho cảng biển và vấn đề nhân sự.Theo đó, bến cảng phải có quy hoạch hệ thống bến cảng biển tương xứng với quốc gia có bờ biển dài, đồng thời có chiến lược phát triển kinh tế biển để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực.

Việt Nam quan tâm đến việc phát triển giao thông, nhưng cần phải kết hợp với các hình thức giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và giao thông thủy. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng cho giao thông thủy đầu tư chưa được nhiều, chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, phải có hướng về chính s ách để đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông đường biển mà trước hết là hệ thống cảng biển.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo thẳng thắn chia sẻ, lực lượng nhân sự cũng là điều rất đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế. Nếu không có lực lượng về thuyền viên, nhân viên làm việc chuyên nghiệp trên các con tàu Việt Nam sẽ bị thua thiệt, không cạnh tranh nổi với các nước trong khu vực. Khi đó, tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam cũng như xuất khẩu có thị phần rất lớn sẽ rơi vào tay đối tác nước ngoài.

Vì vậy, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa và tuyển chọn, lựa chọn được người tham gia vào lực lượng lao động trong lĩnh vực này. Muốn đạt được điều này cần có chính sách cụ thể và chính sách ưu đãi đặc thù bởi trong Luật Hàng hải hiện hành và trong dự thảo bộ Luật Hàng hải về vấn đề này chưa thật rõ ràng. Lĩnh vực vận tải biển Việt Nam cũng cần quan tâm hơn để đảm bảo phát triển bền vững.

Về quy định tàu biển khi đóng mới, hoán cải, đại biểu Đinh Xuân Thảo khẳng định phải được thực hiện tại các cơ sở có đủ điều kiện theo quy định, phải đạt chất lượng bởi việc này liên quan đến vấn đề an toàn, tàu thuyền. Cụ thể như con tàu đi giữa đại dương bị gẫy hoặc bị hỏng nên cơ sở đóng sửa, cải hoán phải đủ điều kiện, muốn vậy chúng ta phải đầu tư tốt cho lực lượng đăng kiểm viên tàu biển.

Ông Nguyễn Viết Nhiên, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhìn nhận dự thảo luật quy định về quyền vận tải nội địa theo hướng bảo hộ toàn diện quyền vận tải nội địa của doanh nghiệp trong nước, đồng thời góp phần quan trọng để phát triển đội tàu biển Việt Nam là phù hợp, nhưng dự thảo luật cần quy định chi tiết hơn nội dung này để có cơ sở pháp lý phù hợp và biện pháp quản lý nhà nước chặt chẽ hoạt động vận tải biển nội địa.

Đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước với hoạt động vận tải biển nội địa để tránh dẫn đến tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ vận chuyển nội địa bằng đường biển.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên cũng đề nghị cần phải cụ thể hơn các tiêu chí trong tàu biển để cơ sở đóng mới tàu phải đảm bảo theo tiêu chí đó. Mặt khác, việc phá vỡ tàu biển nhiều nước trên thế giới đã làm, nhưng cần quy định cụ thể tiêu chuẩn phá dỡ, yêu cầu về đảm bảo môi trường và đảm bảo về môi trường như thế nào để được cấp phép.

Nếu dự thảo luật chỉ nói “được phá dỡ” sẽ dẫn đến nhiều trường hợp lách luật để thực hiện chủ trương này. Do đó, hai vấn đề đóng mới và phá dỡ tàu biển cần phải được quy định rất chặt chẽ mới quản lý được và mới đảm bảo vấn đề an sinh, chất lượng, môi trường và cũng đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp.

Theo TTXVN

Xem thêm video:

[mecloud]JKUf3vSIpL[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xay-dung-chien-luoc-kinh-te-bien-a105599.html