“Xin - cho từ đất đai, tài nguyên cho đến chức tước”


Thứ 5, 29/09/2016 | 00:42


“Cơ chế xin - cho là cái máy sinh ra tiêu cực, là môi trường “lành mạnh” để phát sinh tham nhũng".

“Cơ chế xin - cho là cái máy sinh ra tiêu cực, là môi trường “lành mạnh” để phát sinh tham nhũng".

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ quan điểm trên khi thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 thẩm tra dự án luật của Ủy ban Tư pháp diễn ra ngày 28/9.

“Xin – cho từ đất đai, tài nguyên cho đến chức tước”

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng việc sửa đổi chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là thực trạng cơ chế xin – cho và chủ nghĩa thân hữu.

“Cơ chế xin - cho là cái máy sinh ra tiêu cực, là môi trường “lành mạnh” để phát sinh tham nhũng “ – đại biểu Thúy nói và nhấn mạnh làm thế nào bớt việc để “xin” sẽ không có lý do gì để hối lộ, tham nhũng. Bởi xin là cho mà cho cũng là xin.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy

Theo bà Thúy, tỷ lệ % từ các dự án, hợp đồng, các nguồn tín dụng đang chạy vào túi cả người cho và người xin. Vấn đề đặt ra là xin gì và cho gì? Xin- cho rất nhiều thứ, từ ngân sách, tín dụng, đất đai, các nguồn tài nguyên, chức tước…. Hai thứ quan trọng nhất là tiền và quyền và “xin- cho” liên quan đến quyền thì đa dạng, phức tạp hơn nhiều.

Ví dụ như quyền tiếp cận tín dụng, các dịch vụ xã hội, tiếp cận thị trường, tiếp cận các nguồn tài nguyên trong đó có đất đai mà rủi ro lớn nhất là các tiêu chí để xác định ai được, ai không được tiếp cận không rõ ràng nên tiêu cực xảy ra.

Về chủ nghĩa thân hữu, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, lâu nay chúng ta cứ nói các DNNN gắn với các cơ quan nhà nước có cơ hội lớn tác động đến các quyết sách của cơ quan công quyền nên sự gắn bó này tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tham nhũng. Tuy nhiên, sự gắn bó của các DN tư nhân đối với các quan chức nhà nước lại tiềm ẩn rủi ro lớn hơn rất nhiều.

Sự gắn bó đó dựa trên quan hệ thân quen, quan hệ người nhà - chủ nghĩa thân hữu. Đó là kiểu “đỡ đầu” của các công ty người nhà, vừa là phương tiện để hợp thức hóa các tài sản ăn cắp của Nhà nước do được quan chức đỡ đầu nên các công ty thân hữu có thể giành hết các hợp đồng béo bở của các DNNN.

“Nó giống như việc bác sỹ có phòng khám tư nhân tìm cách chuyển sang phòng khám của mình những bệnh nhân giàu có từ các bệnh viện công. Chủ nghĩa thân hữu đã làm méo mó các quan hệ thị trường, nghiêm trọng hơn làm tha hóa, biến chất hệ thống công quyền” – bà Nguyễn Thị Kim Thúy so sánh.

Công khai về công tác cán bộ phải rõ hơn

Ông Nguyễn Văn Kim - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, để tránh trùng lặp với quy định về nội dung công khai, minh bạch trong các luật chuyên ngành, dự thảo tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc công khai, nội dung công khai, hình thức công khai.

“Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm công khai thuộc về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, chế độ họp báo, phát ngôn, quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và gắn với việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi có yêu cầu”, ông Kim cho biết.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, mới đọc qua thì thấy bổ sung nhiều giải pháp như họp báo, trách nhiệm công khai minh bạch của người đứng đầu …, tuy nhiên, qua nghiên cứu và đối chiếu với luật hiện hành thì quy định mới đó chưa khắc phục được tình hình thực tế hiện nay.

Theo bà Thúy, dự thảo có nhiều điểm không rõ ràng. Nội dung công khai về tổ chức biên chế, công tác cán bộ và những việc thực hiện chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động phải cụ thể, chi tiết hơn, nhất là việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển và cả việc chi cho cán bộ quản lý. Hiện nay, tham nhũng trong công tác cán bộ, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cử tri và toàn xã hội.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy lấy ví dụ điều 18 quy định trách nhiệm giải trình nhưng nếu chỉ giải trình khi có yêu cầu thì chưa ổn. Tức là người có yêu cầu nếu họ không yêu cầu thì không phải giải trình. Do đó, cần bổ sung việc tự giải trình nhằm tạo sự đồng thuận cao, “tránh cái sảy nảy cái ung”.

Cho rằng Dự thảo bổ sung quy định xử lý vi phạm trong việc thực hiện công khai minh bạch nhưng rất chung chung, không đủ nghiêm minh để xử lý người vi phạm, nữ đại biểu đề nghị bổ sung các chế tài cụ thể tương ứng với mỗi hành vi vi phạm về công khai minh bạch.

Liên quan đến quy định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng các phương án còn rất hình thức, vì chỉ có công khai trong hội nghị, trong cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, như vậy người dân không biết, các phương tiện thông tin đại chúng không biết.

“Thực tế cho thấy chúng ta không kiểm soát được thu nhập của người dân nói chung và của các đối tượng phải kê khai tài sản nói riêng. Đề nghị có phương án kiểm soát tài sản của toàn xã hội, trong đó tài sản của công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn” – đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ý kiến./.

Ngọc Thành
Nguồn: VOV

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xin---cho-tu-dat-dai-tai-nguyen-cho-den-chuc-tuoc-a163684.html