Vì sao nguyên Tổng GĐ VN Pharma bị bắt ngay tại tòa?


Thứ 3, 24/10/2017 | 03:54


Cùng sự kiện

Nguyên tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và bị cáo Võ Mạnh Cường đã bị bắt tạm giam ngay tại phiên tòa chiều 23/10. Sự việc trên khiến bị cáo, luật sư và cả những

Nguyên tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và bị cáo Võ Mạnh Cường đã bị bắt tạm giam ngay tại phiên tòa chiều 23/10. Sự việc trên khiến bị cáo, luật sư và cả những người đến dự phiên xử không khỏi bất ngờ.

Vào chiều 23/10, trước khi tiếp tục phiên xử vụ án ở công ty VN Pharma, TAND Cấp cao tại TP HCM đọc lệnh bắt tạm giam Nguyễn Minh Hùng (nguyên tổng giám đốc VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (người môi giới cho VN Pharma mua lô thuốc H-Capita) ngay trong phòng lưu phạm.

Hai bị cáo bị bắt giam trong thời hạn 90 ngày để "phục vụ công tác điều tra, xét xử". Khi nghe đọc lệnh bắt, Hùng ngất xỉu. Lực lượng chức năng đã phải gọi lực lượng y tế đến hỗ trợ cho bị cáo này.

Theo thông báo của HĐXX, do tính chất vụ án và đảm bảo cho việc xét xử phúc thẩm, Chánh án TAND Cấp cao đã có quyết định tạm giam hai bị cáo kể trên.

Chia sẻ về vấn đề này, trao đổi trên báo Tri thức trực tuyến, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: “Đây là điều hết sức bình thường, thuộc phạm vi quyền hạn của Tòa án cấp phúc thẩm. Thậm chí, Tòa còn có thể ra lệnh khởi tố bị cáo tại phiên tòa nếu cảm thấy cần thiết. Điều này để đảm bảo cho việc điều tra, xét xử và thi hành án. Việc ra lệnh bắt tạm giam có khi là cần thiết vì nếu có hủy án để điều tra lại thì việc tại ngoại của các bị cáo có thể dẫn đến sự thông cung hoặc tác động đến nhân chứng, ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án”.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày 23/10 - Ảnh: Văn Minh/ Tiền Phong

Khoản 1 Điều 243 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 về việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn quy định:

“Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó chánh toà Toà phúc thẩm, Toà án nhân dân tối cao (hiện nay theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 là Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân cấp cao) quyết định. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 242 của BLTTHS”.

Theo Điều 242 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, thời hạn xét xử phúc thẩm là trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

Xét về quy trình, căn cứ theo quy định tại các Điều 79, 80 và 88 và các quy định khác của Bộ luật Tố tụng Hình sự về tạm giam, khi xét thấy để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, thì Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định (lệnh) tạm giam hoặc ra quyết định (lệnh) bắt bị can, bị cáo để tạm giam.

Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 80 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, về bắt bị can, bị cáo để tạm giam quy định:

"Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến.

"Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.”

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên báo Giao thông, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc bắt các bị cáo ngay trong quá trình diễn biến phiên tòa là chưa từng có tiền lệ.

Theo ông Tú, thường thì việc thay đổi biện pháp ngăn chặn được thực hiện khi kết thúc phiên tòa, bị cáo được đưa đi thi hành án hoặc tòa tuyên trả hồ sơ điều tra lại thì thay đổi biện pháp ngăn chặn để phục vụ công tác điều tra. Hoặc trong trường hợp tòa triệu tập nhưng bị cáo chống đối, bỏ trốn.

"Trong vụ án này, việc bắt hai bị cáo khi phiên tòa đang diễn ra là tình huống rất lạ. Vì tòa thông báo 14h làm việc nhưng 15h20 phút phiên tòa vẫn chưa thể diễn ra vì bị cáo sốc khi nghe công bố lệnh bắt tạm giam. Việc này ảnh hưởng đến quá trình xét xử", Luật sư Trương Anh Tú cho biết.

Luật sư Tú cho rằng việc bắt hai bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường là không sai về luật nhưng là việc làm không nên.

"Đến 17h chiều khi tan phiên tòa, HĐXX công bố lệnh bắt cũng chưa muộn, tránh làm ảnh hưởng đến phiên tòa", Luật sư Tú cho biết.

Trong khi đó, trao đổi trên báo Tuổi trẻ, luật sư Nguyễn Đình Hưng - người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng nói sẽ khiếu nại quyết định bắt giam hai bị cáo của Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM trong phần tranh luận.

"Tòa có lý do gì để bắt hai bị cáo? Nếu bắt để đảm bảo việc xét xử phúc thẩm thì các bị cáo đã đến rồi. Nếu bắt để phục vụ việc điều tra lại vụ án như kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM thì còn tòa chưa tuyên án", ông Hưng nói.

Theo luật sư Hưng, việc bắt hai bị cáo là vi phạm việc xét xử liên tục, khi đang xét xử thì dừng lại để thực hiện biện pháp ngăn chặn khác.

Quyết định bắt còn ảnh hưởng đến tâm lý khai báo của các bị cáo. Trong khi các bị cáo kháng cáo xin giảm án chứ không chối tội.

Cự Giải (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-nguyen-tong-gd-vn-pharma-bi-bat-ngay-tai-toa-a206402.html