+Aa-
    Zalo

    Vụ tai nạn làm 13 người chết ở Lai Châu: Ai phải chịu trách nhiệm khi lái xe đã chết?

    ĐS&PL Liên quan đến vụ tai nạn làm 16 người thương vong ở Lai Châu, chuyên gia pháp lý đã chỉ ra cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan.

    Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc làm 16 người thương vong xảy ra vào sáng ngày 15/9, tại huyện Tam Đường (Lai Châu), chuyên gia pháp lý đã chỉ ra cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan đến vụ tại nạn (nếu có) để bồi thường một phần mất mát cho gia đình các nạn nhân xấu số.

    Trách nhiệm pháp lý

    Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc làm 13 người chết, 3 người bị thương xảy ra vào sáng ngày 15/9, tại huyện Tam Đường (Lai Châu), Ths. Ls Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định đây là một vụ tai nạn thảm khốc, đau thương bao trùm lên nhiều gia đình, làng xóm, hậu quả không biết bao giờ mới khắc phục được.

    Theo thông tin ban đầu, do xe bồn chạy quá tốc độ quy định (thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục đường bộ thông báo tốc độ xe bồn lúc 9h10 ngày 15/9 là 109km/h) đã đâm vào xe khách di chuyển phía trước, khiến hai xe lao xuống suối sâu có nhiều đá tảng.

    Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp.

    Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho biết, theo quy định của Luật giao thông đường bộ hiện hành thì tốc độ cho phép ô tô chạy tối đa trong khu dân cư không có giải phân cách cứng là 50km/h. Như vậy, với quy định trên thì người lái xe bồn đã chạy quá tốc độ cho phép. “Với một xe bồn chở đầy vật liệu xây dựng mà chạy với tốc độ như vậy thì hệ thống phanh gần như không phát huy tác dụng. Vì chạy quá tốc độ, không làm chủ được tốc độ nên chiếc xe này đã đâm vào xe khách gây tai nạn thảm khốc. Vì vậy lỗi hoàn toàn thuộc về người lái xe bồn”, luật sư Cường nêu quan điểm.

    Trong vụ việc này, cơ quan Công an có thể khởi tố vụ án hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 260, BLHS năm 2015, để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.

    Trong trường hợp người lái xe bồn bị xác định là có lỗi và vẫn còn sống sau vụ tai nạn thì người này phải đối mặt với hình phạt quy định tại khoản 3, điều 260 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù.

    Trường hợp người lái xe gây tai nạn có lỗi nhưng đã chết thì không khởi tố bị can về tội danh này, mà chỉ xem xét đến những người khác còn sống về các trách nhiệm pháp lý có liên quan.

    Luật sư Cường cũng nói thêm, trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ điều kiện tham gia giao thông của chiếc xe bồn, làm rõ danh tính, điều kiện, tiêu chuẩn của người lái xe bồn, việc giao xe và hoạt động điều hành quản lý của doanh nghiệp này. Nếu lãnh đạo của doanh nghiệp hoặc những người khác có liên quan có lỗi, là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra vụ tai nạn thì tùy vào hành vi cụ thể, những người này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.

    Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng khác có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường đó. Để xảy ra tình trạng chiếc xe bồn chở đầy vật liệu chạy với tốc độ “hủy diệt” (105km/giờ) trong khu dân cư (tốc độ quy định không quá 50km/giờ) mà không bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý trước khi gây tai nạn.

    “Cũng như làm rõ có việc bảo kê, bao che cho doanh nghiệp này hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật hay không? Từ đó, xác định trách nhiệm của các bên có liên quan, xử lý theo quy định pháp luật”, luật sư Cường nói thêm.

    Qua vụ việc này, tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh báo tới mọi người nghiêm túc chấp hành luật giao thông khi tham gia lưu thông trên đường. Chính quyền địa phương sẽ phải làm quyết liệt để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra, giảm bớt số người thương vong do tai nạn giao thông cũng như tránh việc để người dân phải chết oan vì những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, quản lý phương tiện giao thông đường bộ.

    Bài toán bồi thường

    Về trách nhiệm dân sự, mà cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông: Luật sư Cường cho biết, trước tiên thuộc về người gây ra tai nạn. Nếu người gây ra tai nạn là người của pháp nhân, người làm công học nghề thì pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân. Vì vậy trong vụ việc này cần xem lại quan hệ pháp luật giữa người lái chiếc xe bồn đó với đơn vị vận tải.

    Hiện trường vụ tai nạn.

    Theo thông tin mới đây thì vụ tai nạn đã khiến 13 người chết tại chỗ, 3 nạn nhân bị thương nặng và hiện đang được chuyển đi cấp cứu tại BV tỉnh Lai Châu. Cả lái xe bồn và xe khách đều tử vong trong vụ tai nạn. Vì vậy câu chuyện trách nhiệm hình sự với hai người lái xe này sẽ không được đặt ra, mà chỉ xem xét tới trách nhiệm hình sự đối với những người khác, về những tội danh khác có liên quan (nếu có),

    Còn trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về chủ doanh nghiệp có chiếc xe bồn đó (trong trường hợp người lái xe là người làm công, học nghề của doanh nghiệp này).

    Luật sư Cường nói thêm, khi chưa xác định được chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự thì các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có thể quên góp, ủng hộ gia đình nạn nhân một khoản kinh phí để gia đình lo mai táng, chữa trị, khắc phục kịp thời những khó khăn trước mắt và sớm ổn định đời sống.

    Trong vụ việc này, ngoài thiệt hại về tính mạng, sức khỏe còn có thiệt hại nghiêm trọng về tài sản đó là giá trị của hai chiếc xe ô tô và hành lý của những hành khách mang theo. Trong trường hợp xác định được chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường dân sự thì chủ thể này phải bồi thường cả những thiệt hại thực tế về tài sản đối với những người khác đã bị thiệt hại trong vụ việc này theo quy định pháp luật.

    Luật sư Cường cũng nhấn mạnh thêm: Liên quan đến vụ việc này, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cần phải đặc biệt lưu ý về: Tốc độ của chiếc xe bồn, làm rõ nguyên nhân tại sao người lái xe buồn đang chở rất nặng mà lại phải di chuyển với tốc độ cao trong khu đông dân cư như vậy? Công trình mà chiếc xe bồn này chở vật đều xây dựng tới là của ai, mức độ quan trọng như thế nào? Có phải việc chạy xe với tốc độ hủy diệt là thái độ coi thường, bất chấp pháp luật của một người lái xe không đủ phẩm chất, không đủ tiêu chuẩn hay có sự bảo kê, dung túng của người có thẩm quyền như những vụ việc “xe vua” vừa bị phanh phui thời gian qua?

    Với trọng trách là người bảo vệ công lý, luật sư Cường mong muốn các cơ quan chức năng cần phải điều tra xử lý nghiêm túc, triệt để để tránh những trường hợp, hậu quả tương tự.

    Tư Viễn

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-tai-nan-lam-13-nguoi-chet-o-lai-chau-ai-phai-chiu-trach-nhiem-khi-lai-xe-da-chet-a244223.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan