Xác định nguyên nhân máy bay rơi lốp ở Buôn Ma Thuột, lập 7 tổ giám sát Vietjet Air


Thứ 6, 28/12/2018 | 00:49


Chỉ trong Quý 4/2018, Vietjet Air đã để xảy ra 7 sự cố khai thác, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật máy bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.

Chỉ trong Quý 4/2018, Vietjet Air đã để xảy ra 7 sự cố khai thác, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật máy bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.

Ngày 27/12, tại cuộc họp về an toàn trong hoạt động hàng không tại Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Đinh Việt Thắng cho biết, tổ điều tra đã có báo cáo sơ bộ về sự cố máy bay Vietjet rơi bánh trước khi hạ cánh ở sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Máy bay Vietjet Air bị rơi bánh hôm 29/11 tại sân bay Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tiền Phong

Ông Đinh Việt Thắng nhận định, tổ lái đã tiếp đất không theo phương thức chuẩn, có thể đã để bánh phía mũi tiếp đất trước, đồng thời tổ bay ngắt chế độ lái tự động hơi sớm.

“Hiện đang chờ thêm kết luận của cơ quan điều tra sự cố hàng không châu Âu. Nhưng cơ bản nhận định phi công tiếp đất có lỗi khi ngắt hệ thống lái tự động hơi sớm. Về quy trình không sai nhưng trong điều kiện kỹ thuật bình thường không nên tắt sớm. Trường hợp này có thể kéo lái, thoát lên để bay lại nhưng tổ bay không xử lý được”, VTC dẫn lời ông Thắng nói.

Được biết, máy bay gặp sự cố trên vẫn lưu tại sân bay Buôn Ma Thuột, dự kiến phương án sẽ sửa chữa máy bay ngay tại sân bay này.

Trước đó, tối 29/11, chuyến bay VJ356 của Vietjet trong quá trình tiếp đất hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột 2 bánh trước rơi khỏi càng, khiến môt số hành khách bị thương. Sau dự cố, chuyên gia của nhà sản xuất máy bay Airbus và cơ quan điều tra sự cố hàng không châu Âu đã sang Việt Nam phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân.

Đối với sự cố máy bay hạ cánh nhầm đường băng chưa đưa vào khai thác ở sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), theo Thanh Niên, ông Thắng cho biết, khi máy bay Vietjet vừa cất cánh thì có cảnh báo sụt giảm áp suất càng trước, tổ lái đã xin hạ cánh.

Trong trường hợp này, phương án tốt nhất là nên bay về Tân Sơn Nhất vì cách nhau không quá xa, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng lại tốt hơn. Khi tổ lái quyết định hạ cánh trở lại sân bay Cam Ranh thì đã bay vòng chờ trên khu vực đài chỉ huy không lưu để đánh giá sự cố. Trong quá trình bay chờ, tổ lái không tham vấn ý kiến dưới mặt đất mà tự đánh giá và quyết định, do đó đã không đánh giá đúng tình huống.

Trong quá trình hạ cánh, cơ trưởng (người Philippines đã có 11.000 giờ bay, công tác tại Vietjet Air 1 năm rưỡi) lại quá chú trọng vào buồng lái mà không quan sát, để tâm vào việc tiếp đất. Thêm vào là yếu tố tác động tâm lý nên có thể đã đáp nhầm đường băng.

Sau hàng loạt những sự cố của hãng hàng không Vietjet Air, Cục Hàng không Việt Nam đã lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với Vietjet Air. Việc kiểm tra được thực hiện từ 28/12/2018 đến ngày 15/1/2019.

Lập 7 tổ giám sát đặc biệt với Vietjet Air. Ảnh: Thanh Niên

Nếu trong thời gian này, Vietjet Air không đáp ứng được thì Cục sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2, trong đó có thể cắt chuyến nếu cần thiết. Nếu Vietjet Air đáp ứng được yêu cầu thì Cục sẽ dỡ bỏ lệnh giám sát này.

Tại cuộc họp, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiêm khắc cảnh cáo Vietjet Air sau khi để xảy ra 7 sự cố khai thác máy bay trong quý 4/2018, trong đó có 2 sự cố nghiêm trọng xảy ra trong tháng 12; yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn, an ninh hàng không trong các hoạt động khai thác máy bay của Vietjet Air, đặc biệt kiểm tra về bằng cấp, chứng chỉ của tổ bay, nhân viên kỹ thuật phục vụ các chuyến bay, thời gian làm việc.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục Hàng không phải kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ phi công của tất cả các hãng hàng không nội địa hiện nay.

Vi An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xac-dinh-nguyen-nhan-may-bay-roi-lop-o-buon-ma-thuot-lap-7-to-giam-sat-vietjet-air-a256909.html