Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 3/9: Máy bay trinh sát Mỹ gặp nạn bí ẩn ngoài khơi Crimea


Thứ 5, 03/09/2020 | 02:15


Cùng sự kiện

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 3/9: Máy bay trinh sát của Mỹ gặp nạn bí ẩn ngoài khơi Crimea; Chiến đấu cơ Nga – Syria tăng cường trinh sát ở Idlib;...

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 3/9: Máy bay trinh sát của Mỹ gặp nạn bí ẩn ngoài khơi Crimea; Chiến đấu cơ Nga – Syria tăng cường trinh sát ở Idlib;...

Máy bay trinh sát của Mỹ gặp nạn bí ẩn ngoài khơi Crimea

Video: Máy bay trinh sát của Mỹ gặp nạn bí ẩn ngoài khơi Crimea. Nguồn Youtube

Một đoạn video đăng tải trên youtube đã ghi lại hình ảnh một chiếc máy bay trinh sát của không quân Mỹ mang nhãn hiệu E-2C Hawkeye, từng làm nhiệm vụ trinh sát vùng biển ngoài khơi bán đảo Crimea, đã gặp nạn, rơi xuống đất và phát nổ.

Vẫn chưa có thông tin thương vong hoặc tổn thất tại địa điểm máy bay lao xuống. Nguyên nhân rơi máy bay đang được điều tra. Theo những thông tin ban đầu, nguyên nhân chính liên quan đến những trục trặc kỹ thuật trong quá trình vận hành máy bay, tuy nhiên cũng rất có thể có yếu tố con người trong tai nạn trên, khi "hành động sai sót của đội bay" là hoàn toàn có thể xảy ra. Bốn thành viên của tổ bay đã nhảy khỏi máy bay trước khi nó lao xuống khu vực thuộc hạt Accomack, bang Virginia, vào chiều 31/8.

Được biết, phi hành đoàn đã cố gắng hạ cánh xuống mặt đất, nhưng đã không thể thực hiện được. Sau khi chạm đất, máy bay trinh sát đã bốc cháy và sau đó bị lửa thiêu rụi hoàn toàn. Hình ảnh trên video cho thấy cột khói đen bốc cao sau tiếng va đập mạnh của máy bay khi lao xuống mặt đất.

Phi hành đoàn đều mang dù vào thời điểm lên máy bay theo như quy định về an toàn, trước khi chiếc E-2C Hawkeye cất cánh khỏi căn cứ hải quân Norfolk.

Các nguồn tin quân sự cho biết, trước khi bị rơi, chiếc máy bay trinh sát E-2C Hawkeye này của không quân Mỹ đã làm nhiệm vụ theo dõi trên không vùng biển ngoài khơi bán đảo Crimea, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu hoạt động của hệ thống phòng không Nga, đồng thời làm nhiệm vụ gây nhiễu.

Một số thông tin không chính thống thì lại cho rằng chính chiếc máy bay trinh sát này đã làm nhiệm vụ do thám khi bay gần căn cứ không quân quân sự "Khmeimim" của Nga ở Syria.

Chiến đấu cơ Nga – Syria tăng cường trinh sát ở Idlib

Chiến đấu cơ Nga tăng cường trinh sát ở Idlib. Ảnh minh họa

Trong những ngày gần đây, không quân Nga và Syria đã cho tăng cường sứ mệnh trinh sát ở tỉnh Idlib để thu thập hình ảnh và thông tin tình báo về những vị trí quan trọng và phòng thủ của lực lượng phiến quân trong khu vực.

Nguồn tin từ tỉnh Hama cho hay, hoạt động tăng cường trinh sát của các máy bay thuộc không quân Nga – Syria diễn ra trong bối cảnh, nhiều báo cáo cho biết quân chính phủ Syria đang chuẩn bị cho đợt tấn công mới ở tỉnh Idlib.

Hồi tháng Bảy, quân đội Syria đã cho tăng cường số lượng lớn quân tăng viện tới tỉnh Idlib khiến quân đội Thổ Nhĩ kỳ cùng lực lượng phiến quân đồng minh nhanh chóng đưa quân tới các chiến tuyến ở vùng Jabal Al-Zawiya. Tuy nhiên, chiến dịch tấn công của quân đội Syria đã phải tạm hoãn.

Nhưng nay, quân đội Syria một lần nữa di chuyển và đưa quân trở lại phía nam tỉnh Idlib. Nguyên nhân là do quân chính phủ Syria đang chờ được bật đèn xanh để tấn công các vị trí của phe phiến quân ở mặt trận phía đông và phía nam tỉnh Idlib.

Để chuẩn bị cho trận đánh lớn, quân đội Syria sẽ chủ yếu tập trung ở các khu vực dọc tuyến đường cao tốc M-4 hay còn gọi là cao tốc Aleppo – Latakia và nhất là ở thị trấn chiến lược Ariha và Jabal Al-Zawiya.

Trong khi đó, từ đầu tuần này, số lượng lớn binh sĩ Nga đã di chuyển từ tỉnh Latakia tới Al-Raqqa nhằm tăng cường sự hiện diện ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn tin từ tỉnh Aleppo cho biết, quân đội Nga cử quân tăng viện tới thị trấn ‘Ayn ‘Issa và khu vực xung quanh từ ngày 31/8. Theo đó, quân đội Nga đưa thêm quân cùng thiết bị quân sự tới các chốt kiểm soát và căn cứ hoạt động ở tỉnh Al-Raqqa.

Trong những tháng gần đây, quân đội Nga liên tiếp cho củng cố sức mạnh quân sự tại tỉnh Al-Raqqa bằng việc điều thêm quân và xe bọc thép nhằm ngăn chặn các tay súng nổi dậy Syria được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng tấn công và xâm nhập vào thị trấn Ayn Issa.

Bốn hệ thống phòng không Syria bị hủy vì đòn của Israel

Liên tiếp những cuộc không kích được Không quân Israel thực hiện tối 31/8. Ảnh minh họa

Liên tiếp những cuộc không kích được Không quân Israel thực hiện tối 31/8 và rạng sáng 1/9 vào thủ đô Damascus của Syria và tỉnh miền Nam Daraa đã phá hủy một số hệ thống phòng không của Quân đội Ả Rập Syria (SAA).

Cuộc không kích của Israel mang mật danh Cuộc diễn tập áp chế phòng không đối phương (SEAD) với kết quả thu được là 4 hệ thống phòng không tối tân của SAA bị phá hủy cùng nhiều mục tiêu khác bị tấn công gây thiệt hại nặng.

Cũng trong đợt không kích này, có 2 binh sĩ SAA thiệt mạng cùng 7 người khác bị thương. Hiện không rõ những hệ thống phòng không nào của Syria đã bị phá hủy nhưng theo nguồn tin quân sự Israel, vũ khí Tel Aviv sử dụng để tiêu diệt phòng không Syria thời gian qua chủ yếu là tên lửa thông minh và máy bay không người lái cảm tử Harop.

Vũ khí có thể hoạt động như một tên lửa chống radar nhờ cảm biến thu sóng thụ động, ngoài ra Harop còn đảm nhiệm cả vai trò trinh sát chiến trường.

Đặc điểm nổi trội của UAV Harop đó là nó có khả năng quần vòng rất lâu, đủ thời gian để xác định những mối nguy cơ thực sự và nhận lệnh tiêu diệt chính xác, nếu nhiệm vụ bị hủy thì nó lại kéo cao và trở về hạ cánh như máy bay thông thường.

Cùng với Harop, trong kho vũ khí của Không quân Israel được thống kê vẫn còn số lượng rất lớn tên lửa chống radar AGM-78 Standard và cả loại AGM-88 HARM tối tân hơn, với tầm bắn từ 90 đến trên 150 km, ARM của Israel sẽ gây ra mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đối với phòng không Syria.

Ưu điểm lớn nhất của tên lửa chống radar đó là nó có vận tốc rất lớn, ví dụ như AGM-88 HARM đạt tới con số gần 700 m/s chắc chắn vượt ngoài khả năng đánh chặn của Pantsir-S1 khi gần đây tổ hợp phòng không này còn bắn trượt chiếc Harop có vận tốc chỉ 50 m/s sau khi đã phóng 2 tên lửa 57E6.

Hiện chưa rõ thông tin Israel đã sử dụng Harop, tên lửa thông minh hay vũ khí chống radar chuyên dụng trong cuộc không kích SEAD vào Syria vừa qua nhưng nguồn tin từ Tel Aviv khẳng định, việc một số hệ thống phòng không Syria bị phá hủy là khá rõ ràng.

Về lý thuyết SAA hiện chưa cho thấy họ có đủ khả năng chống lại chiến thuật SEAD của Không quân Israel dù trong kho có cả S-300. Nếu tên lửa chống radar đích thực được Tel Aviv đưa vào trận đánh thì có thể coi đó là tin rất xấu đối với SAA.

Hoa Vũ (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-chien-su-syria-moi-nhat-ngay-39-may-bay-trinh-sat-my-gap-nan-bi-an-ngoai-khoi-crimea-a337453.html