+Aa-
    Zalo

    Tổ ấm của người đàn bà “thuê” chú rể trong ngày cưới

    • DSPL
    ĐS&PL Ngày cưới, bà con xa gần ai cũng mừng vì chị lấy được người chồng khỏe mạnh, cao ráo, nho nhã. Ấy vậy, ngày lại mặt họ hàng được một phen “hú hồn”...

    Ngày cưới, bà con xa gần ai cũng mừng vì chị lấy được người chồng khỏe mạnh, cao ráo, nho nhã. Ấy vậy, ngày lại mặt họ hàng được một phen “hú hồn”...

    Bởi chàng rể hoàn hảo được thay thế bằng một người hoàn toàn khác, bại liệt hai chân, lọ mọ, nói không tròn vành rõ tiếng.

    Chồng là nội trợ

    Người phụ nữ “thuê” chồng trong ngày cưới đó là chị Kiều Thị Thu, sinh năm 1979 (Quốc Oai, Hà Nội). Chồng chị là anh Nguyễn Văn Trào, sinh năm 1978 (Bình Giang, Hà Đông, Hà Nội). Theo cơ duyên trời định, chị Thu, một người phụ nữ lành lặn nên duyên vợ chồng với người chồng có khiếm khuyết về cơ thể.

    Đám cưới, người phụ nữ nào cũng mong muốn sánh bước cùng người mình yêu để ra mắt họ hàng. Có thể đó là điều hiển nhiên với các cặp vợ chồng khác nhưng đó lại là xa xỉ với anh Trào, chị Thu. Khi nói về người phụ nữ đi “thuê” chồng trong ngày cưới có thể nhiều người không tin nhưng đó là sự thật. Họ chứng minh được rằng, mọi thứ vật chất, hình thức đều trở thành hư vô khi trái tim cả hai cùng nhịp đập, quan trọng nhất là cả hai hạnh phúc, hài lòng với gì mình có.

    Không khó để tìm đến căn nhà nhỏ của vợ chồng đặc biệt, gặp anh Trào ở nhà, đang tỉ mẩn với công việc đóng gói giấy ướt. Tâm sự chân thành, anh bảo: “Vợ làm ở công ty chuyên sản xuất giấy ăn gần nhà, tôi thì không đi lại được nên chỉ lo cơm nước và phụ vợ bán tạp hóa thôi. Giờ nhiều cửa hàng nên cũng chẳng ăn thua nữa. Để giảm bớt gánh nặng với vợ con nên tôi bảo vợ nhận việc về nhà làm, tôi phụ, kiếm được đồng nào đỡ đồng đó”.

    Bữa cơm trưa sum họp của gia đình anh Trào, chị Thu. Ảnh: Ngọc Thi

    Anh Trào là con thứ 3 trong gia đình thuần nông có 4 anh em. Hồi nhỏ, bố mẹ bận công việc đồng áng nên công việc chăm bẵm anh do các anh, chị lớn đảm nhiệm. Trong một lần sốt cao, anh lên những cơn co giật không rõ nguyên nhân. Lúc đó, bố mẹ chỉ tìm thầy lang, đun thuốc làng cho anh uống. Gia đình hoàn toàn không khám bác sỹ, không chữa bệnh theo cơ sở khoa học nào.

    Hơn một tuổi, anh không biết đi, cũng không bập bẹ nói. Cậu bé trắng nõn, kháu khỉnh ngày nào giờ đây ngơ ngác. Duy nhất chỉ có đầu óc anh hoàn toàn tỉnh táo, phát triển như những cậu bé khỏe mạnh.

    Thuở nhỏ anh vô tư và hồn nhiên đúng như cái tuổi của mình vậy, bạn bè nô đùa chạy nhảy, thì anh cũng lê lết khắp nơi bằng tay. Dần dần anh cũng nhận ra sự thiệt thòi của bản thân, khi mỗi ngày ngồi bên cửa sổ nhìn bạn bè được cắp sách tới trường.

    Mang trong mình những khiếm khuyết về cơ thể, kinh tế gia đình khó khăn nên Trào không được đến trường. Giờ đây, một chữ bổ đôi anh cũng không biết. Nhưng người đàn ông này ăn nói nhã nhặn, hiểu biết qua cách giao tiếp, nói chuyện nụ cười dường như không bao giờ ngớt trên đôi môi.

    Hằng ngày chị Thu đi làm công ty, anh Trào chuẩn bị cơm nước. Ảnh: Ngọc Thi

    Theo thời gian, căn bệnh teo cơ tàn phá nét các bộ phận trên khuôn mặt anh. Ảnh hưởng trầm trọng nhất phải kể đến khẩu hình miệng. Miệng méo nên anh Trào không thể phát âm như người bình thường. Chỉ người nhà, bà con hàng xóm tiếp xúc với anh từ bé mới hiểu hết anh nói gì, còn người lạ câu nghe hiểu, câu không.

    Mọi đi lại của anh đều giờ đến chiếc xe lăn trợ giúp. Chân, tay bị teo, ngồi nói chuyện bình thường chúng cũng run nhẹ. Nhìn anh cố gắng miết miếng nhãn mắc dính lên túi khăn ướt vất vả lắm. Nhưng, mọi sinh hoạt cá nhân anh đều lo liệu hết, hằng ngày vợ đi làm, con đi học về cơm nước đã xong xuôi.

    Đám cưới trong nước mắt, tủi hờn

    Sức khỏe không tốt, chả bao giờ anh Trào mơ tưởng đến việc có một gia đình như bao người bình thường. Chàng trai tội nghiệp nghĩ cả đời này chỉ quanh quẩn xó nhà, xó bếp giúp thầy u các công việc lặt vặt. Hơn ai hết, anh hiểu, căn bệnh teo cơ có thể lấy đi mạng sống của anh bất cứ lúc nào bởi việc không thể vận động nó ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều.

    Cơ duyên trời định, tình cờ chị Thu đến nhà chơi theo lời rủ của bác dâu nên gặp anh. Lúc đó, tận mắt chứng kiến chàng trai tội nghiệp chị thương xót và đồng cảm tận đáy lòng. Nhưng cảm giác yêu đương là điều cả hai không bao giờ nghĩ tới.

    Những lần đến nhà tiếp theo chị nói chuyện với anh nhiều hơn, tiếp xúc chị nhận thấy anh tật nguyền nhưng tâm hồn, ứng xử của anh thì không tật nguyền chút nào. Không biết từ lúc nào, bản thân chị có cảm giác tin tưởng người đàn ông đó.

    Nhận ra bản thân có tình cảm với anh, chị lo lắng hơn bao giờ hết. Bởi chị nghĩ việc đến với nhau là vô cùng khó khăn. Ngày chị bộc bạch lòng mình, anh Trào không dám tin đó là sự thật. Một người tàn tật, khó khăn trong từng bước đi có được tình yêu chân thành của một cô gái chưa một lần đò, lành lặn ngay trong giấc mơ anh cũng không dám nghĩ tới.


    Thuận theo tự nhiên, trái tim của họ có những nhịp đập liên hồi không hề toan tính. Cả hai đều biết, yêu nhau đã khó, đến với nhau còn khó gấp trăm lần. Thủ tục cưới xin đương nhiên không thể bỏ qua. Ngày chị thưa chuyện với ba mẹ, gia đình trên dưới đều buồn. Nhưng biết chị đã quyết, họ cũng ngậm ngùi, chấp thuận nguyện vọng của con

    Chú rể bại liệt hai chân, việc đón dâu là không thể. Lúc đó, nhà trai, nhà gái bàn nhau “thuê” chú rể để làm nghi thức đón cô dâu. Chú rể là em họ anh Trào. Ngày cưới, anh Trào ở nhà, chờ em trai đón vợ mình về. Đám cưới được tiến hành, những người biết hoàn cảnh của họ không tràn ngập trong niềm hạnh phúc, mà trong nước mắt, tủi hờn. Ý tưởng “thuê” chú rể do chính cô dâu đề cập.

    Ngày lại mặt, mọi thứ nhẹ nhàng hơn, thời gian cũng không gấp gáp nên anh Trào được về nhà gái. Nhiều người biết chuyện thì thông cảm nhưng miệng lưỡi thế gian, không tránh khỏi những lời dị nghị về cặp vợ chồng đặc biệt.

    Ngoài việc bếp núc, anh Trào phụ vợ đóng gói giấy ướt để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Ngọc Thi

    Nhớ lại khoảng thời gian đó, chị Thu kể: “Ban đầu không thương lắm đâu nhưng tình cảm nó cứ lớn dần, bản thân không điều khiển được ấy chứ. Nhiều người bảo tôi dũng cảm khi lấy một người như anh nhưng tôi lại không cho là vậy. Mặc dù kinh tế do tôi gánh vác, anh chỉ làm nội trợ nhưng chồng luôn là niềm động lực vô cùng lớn. Với tôi, thế là đủ”.

    Gần 11 năm chung sống, hạnh phúc của anh chị gần như viên mãn khi đón chào hai cậu con trai kháu khỉnh, thông minh. Cậu con trai thứ nhất đang học lớp 5, bé thứ hai năm nay chuẩn bị vào lớp 1. Kinh tế khó khăn, chồng dường như không có thu nhập ngoài khoản trợ cấp cho người khuyết tật nhưng tình yêu của họ dành cho nhau luôn ấm lòng và cảm động.

    NGỌC THI

    Nguồn: Gia đình & Xã hội

    Xem thêm video:

    [mecloud]KTdC8eiszy[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/to-am-cua-nguoi-dan-ba-thue-chu-re-trong-ngay-cuoi-a139203.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan