Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên cho biến thể mới phát hiện, phân loại "đáng lo ngại"


Thứ 7, 27/11/2021 | 07:07


Cùng sự kiện

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhanh chóng phân loại biến thể B.1.1.529 của SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi vào nhóm biến thế đáng lo ngại.

Ngày 26/11 (theo giờ địa phương), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại cho biến thể SARS-CoV-2 mới được phát hiện ở Nam Phi vào loại "đáng lo ngại", đồng thời đặt tên cho biến thể này là Omicron. Ít lâu sau khi biến thể Omicron được phát hiện, các chuyên gia trên toàn thế giới đã đưa ra cảnh báo và bày tỏ sự lo ngại đối với biến thể này.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 26/11, WHO cho biết đã có bằng chứng sơ bộ cho thấy "nguy cơ tái nhiễm đối với biến thể Omicron". WHO cũng đã phải  triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong cùng ngày để đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến thể mới được phát hiện mang một số lượng lớn các đột biến.

Tin thế giới - Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên cho biến thể mới phát hiện, phân loại 'đáng lo ngại'
Biến thể Omicron mới phát hiện ở Nam Phi đã được WHO phân loại "biến thể đáng lo ngại". Ảnh: NBC 

Trong đó, WHO nói rằng số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng ở hầu hết các tỉnh tại Nam Phi và biến thể Omicron được phát hiện "với tỷ lệ cao hơn so với những biến thể trước đó, cho thấy biến thể Omicron có lợi thế trong sự nhân lên". 

Ngay sau khi biến thể mới được xác định, Bỉ, Hồng Kông (Trung Quốc) và Israel đã lần lượt xác định các trường hợp đầu tiên mắc biến thể này. Trong đó, trường hợp tại Israel là một du khách trở về nước từ Malawi, trong khi hai trường hợp tại Bỉ và Hồng Kông có thể bị lây nhiễm trong khu cách ly.

Khi cảnh báo về biến thể Omicron được đưa, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, đã đồng loạt áp đặt lại một số biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể này. 

Trao đổi với hãng tin NBC News trong cuộc phỏng vấn ngày 26/11, Tiến sĩ Michael Osterholm, một nhà dịch tễ học tại Đại học Minnesota, cảnh báo rằng biến thể này dường như đã bắt đầu lây lan. Ông Osterholm nhận định: "Hiện nay, bạn có thể thấy Bỉ và Hồng Kông đều đã có trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới. Nếu chúng tôi phát hiện những trường hợp đó với số lượng trình tự virus hạn chế chúng tôi đang có, điều này đồng nghĩa với việc biến thể đã lây lan ra nhiều nơi trên thế giới".

Ông nói thêm: "Vậy nên, hiện nay, chúng ta có thể làm chậm sự lây lan của virus trên toàn thế giới nhưng nỗ lực ngăn chặn biến thể virus này (ở Nam Phi) giống như cố chắn gió thôi".

Mặc dù các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về biến thể Omicron nhưng ông Osterholm cho rằng vẫn còn quá sớm để biết hết những tác động mà biến thể này gây ra. 

Tiến sĩ Deepti Gurdasani, một nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Queen Mary của London ở Anh, cũng đồng ý với quan điểm trên của Tiến sĩ Michael Osterholm. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh khi vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về biến thể mới, bà vẫn rất lo lắng khi thấy nó đã lây lan nhanh như thế nào ở miền Nam châu Phi trong 2 tuần qua.

Ngay sau khi WHO thông báo họ đã phân loại Omicron vào loại biến thể đáng lo ngại, Mỹ cho biết họ sẽ hạn chế khách du lịch từ Nam Phi và 7 quốc gia khác bắt đầu từ 29/11. 

Các quan chức chính quyền cấp cao nói rằng họ đang đưa ra quyết định "hết sức thận trọng" khi nhận được lời khuyên từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Joe Biden.

Trong khi đó, vào ngày 25/11, chính phủ Anh đã thêm 6 quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini và Namibia vào "danh sách đỏ" của mình, điều này sẽ yêu cầu những người đến từ các quốc gia đó phải cách ly trong 10 ngày tại khách sạn được sự chấp thuận của chính phủ.

Trong khi đó, Israel, Nhật Bản, Singapore và một số quốc gia châu Âu cũng công bố các hạn chế đi lại mới, ban điều hành Liên minh châu Âu (EU) cũng khuyến nghị đình chỉ việc di chuyển bằng đường hàng không từ các quốc gia bị ảnh hưởng.

Tại Vương quốc Anh, bà Gurdasani nói rằng cá nhân bà ủng hộ việc kiểm soát dịch bệnh đối vớitất cả những người từ nước khác nhập cảnh, bất kể họ đến từ đâu và tiến hành kiểm soát dịch bệnh ở khu vực biên giới "cho đến khi chúng ta biết" thêm về biến thể mới.

Bà nhận định: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã mắc rất nhiều sai lầm trước đây. Với  biến thể Delta, tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia đã chậm chạp trong hành động".

Minh Hạnh (Theo NBC)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/to-chuc-y-te-the-gioi-dat-ten-cho-bien-the-moi-dang-lo-ngai-la-omicron-a520485.html