Thanh Hóa: Phát hiện cuốn sách khẳng định chủ quyền biển đảo


Thứ 6, 30/05/2014 | 07:11


(ĐSPL) - Điều đáng ghi nhận trong cuốn sách “Khải đồng thuyết ước” chính là tấm bản đồ với tên gọi “Bản quốc địa đồ” ghi rõ chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

(ĐSPL) - Điều đáng ghi nhận và quan tâm nhất trong cuốn sách “Khải đồng thuyết ước” chính là tấm bản đồ nằm ở trang 15, 16 với tên gọi “Bản quốc địa đồ” ghi rõ chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Theo đó, gia đình anh Văn Như Mạnh, trú tại phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) vừa công bố cuốn sách “Khải đồng thuyết ước”- cuốn sách giáo khoa có từ thời vua Tự Đức bằng chữa Hán, có trang bản đồ vẽ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Theo anh Mạnh, ông cố nội anh (cách đây 4 đời) là thầy dạy trong nội cung của triều Nguyễn, do vậy trong nhà còn lưu giữ nhiều sách chữ Hán. Sau nhiều năm bị lãng quên, đến năm 2011 trong lần lấy tập sách bị ẩm mốc của gia đình đem ra phơi và phát hiện cuốn sách khi tình cờ đọc được dòng chữ “Bản đồ địa quốc” (viết bằng chữ Hán).

Thanh Hóa: Phát hiện cuốn sách khẳng định chủ quyền biển đảo

Anh Mạnh đang giới thiệu về cuốn sách với PV.

Từ nguồn thông tin trên, nhiều đoàn thẩm định như Đài Tiếng nói Việt Nam, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM… đã đến nhà tiếp cận và khẳng định tính chấy pháp lý của cuốn sách này.

Theo đoàn thẩm định, “Khải đồng thuyết ước” là tập sách giáo khoa viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, ghi chép về thiên văn, địa lý, điền thổ, nhân đinh, tên các xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh, thành, những nhân vật lịch sử, quốc hiệu, hình thế núi sông và bản đồ toàn quốc của nước Việt Nam. Sách do Kim Giang Phạm Phục Trai - thi ân khoa năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) biên soạn. Tiến sỹ Ngô Thế Vinh người Bái Dương huyện Nam Chân nhận sét. “Khải đồng thuyết ước” được biên soạn xong vào cuối mùa xuân năm Quý Sửu (1853) và được in lần đầu tiên vào mùa hạ năm Tân Tỵ (1881)”.

Điều đáng ghi nhận và quan tâm nhất trong tập sách này là tấm bản đồ với tên gọi “Bản quốc địa đồ”. Tên gọi của bản đồ và vị trí các tỉnh thể hiện trên bản đồ trong tập sách ở Thanh Hóa cũng giống như trong các bản sách “Khải đồng thuyết ước” đang lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Bản đồ đã ghi lại vị trí tất cả các tỉnh thuộc Việt Nam lúc bấy giờ, từ Nam Quan đến Hà Tiên. Đặc biệt, Hoàng Sa và Trường Sa cũng được ghi trên tấm bản đồ này một cách rất rõ ràng ở các trang 15, 16 của cuốn sách.

Thanh Hóa: Phát hiện cuốn sách khẳng định chủ quyền biển đảo

Anh Mạnh đang giới thiệu về cuốn sách với các vị quan khách.

Theo PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh, Viện nghiên cứu Hán Nôm, đây là một tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Sách “Khải đồng thuyết ước” là sách giáo khoa in dưới triều Tự Đức, dùng để dạy cho trẻ em, trong đó có in hình bản đồ Đại Nam, và trên đó ghi rõ địa danh Hoàng Sa chữ (bãi Hoàng Sa) và Trường Sa chữ (bãi Trường Sa). Điều này chứng tỏ triều Nguyễn đã ý thức rất rõ về chủ quyền biển, đảo của tổ quốc, và đưa vấn đề này vào sách giáo khoa để giáo dục cho con em từ thời đó. PGS.TS. Phạm Thị Thùy Vinh khẳng định: “Chúng tôi cho rằng bản sao sách “Khải đồng thuyết ước” tại Thanh Hóa được sao từ văn bản sớm nhất, gần với văn bản gốc nhất, nên trên bản đồ thể hiện đầy đủ hơn. Điều này cho thấy ngay từ đầu thời Tự Đức chủ quyền về biển, đảo của Việt Nam đã được thể hiện rất rõ trên bản đồ đó là chủ quyền của nước Việt Nam từ xa xưa”.

Thanh Hóa: Phát hiện cuốn sách khẳng định chủ quyền biển đảo

Cuốn sách “Khải đồng thuyết ước” bằng chữ Hán khẳng định Hoàng sa và Trường sa là của nước Việt Nam.

Cũng theo bà Vinh, đây là bản đồ trong sách giáo khoa dùng để dạy cho học sinh cấp tiểu học do những nhà khoa bảng của Việt Nam biên soạn, được sao chép và in lại nhiều lần trong khoảng thời gian gần 100 năm nay. Có lẽ, đó là điều tâm đắc nhất mà Phạm Phục Trai và Ngô Thế Vinh muốn gửi lại cho các thế hệ tiếp nối và các nhà biên soạn sách giáo khoa về lịch sử để dạy cho trẻ nhỏ biết về lịch sử, cương thổ đất nước ngay từ khi còn là học sinh tiểu học, truyền vào tâm hồn thế hệ trẻ tình yêu và sự gắn bó với quê hương, đất nước.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-hoa-phat-hien-cuon-sach-khang-dinh-chu-quyen-bien-dao-a34814.html