Thêm một tư liệu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam


Thứ 5, 05/06/2014 | 02:47


Cuốn sách sẽ là căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.

Cuốn sách sẽ là căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.

Từ trước đến nay, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã có nhiều đề tài, công trình của các học giả nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam tại biển Đông. Mỗi công trình, đề tài tiếp cận từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau đều khẳng định hai quần đảo này thuộc vùng biển của Việt Nam ở biển Đông, do Nhà nước Việt Nam quản lý và khai thác từ nhiều thế kỷ trong lịch sử.

Hiện tại, Thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam  là một trong những nơi lưu giữ nhiều tài liệu, tư liệu cổ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở biển Đông.

Sáng 3/6, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chính thức giới thiệu tập sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông”.

 

Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định: “Việc xác lập biên giới, chủ quyền quốc gia là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhất là trong tình hình hiện nay. Tập sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” là một tư liệu rất có giá trị khoa học, trong đó có nhiều tài liệu gốc lần đầu tiên được công bố sẽ là căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông”.

Theo Phó giáo sư - Tiến sỹ Trịnh Khắc Mạnh (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), cuốn sách giới thiệu 46 đơn vị tư liệu Hán Nôm (là các bộ sử, tập bản đồ, địa chí, hội điển, văn bản hành chính…) khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đó là các tập bản đồ: “Nam Việt bản đồ,” “Địa đồ” (bản đồ vẽ thời Minh Mạng), “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (bản đồ do Đỗ Bá soạn vẽ)…

Bên cạnh đó, tập sách còn giới thiệu các tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được ghi chép trong các bộ sử như “Đại Việt sử ký tục biên” (do chúa Trịnh Sâm sai biên soạn vào năm 1775), “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn)…

Đối với mỗi đơn vị tư liệu, ban biên tập trích tuyển tư liệu gồm: nguyên văn chữ Hán, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa tiếng Việt.

PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu những tư liệu được tập hợp trong cuốn sách

“Chúng tôi dự kiến sẽ dịch và xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh trong thời gian tới, để đưa tới cho bạn bè quốc tế những tư liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, PGS - TS Trịnh Khắc Mạnh cho biết.

Được biết, tập sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” nằm trong chương trình nghiên cứu chung về Biển Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trong nhiều năm qua.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/them-mot-tu-lieu-khang-dinh-hoang-sa-truong-sa-la-cua-viet-nam-a35630.html