Chuyên gia lí giải hiện tượng bùng phát rắn lục đuôi đỏ


Thứ 3, 02/12/2014 | 02:39


Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở các khu dân cư có thể do nhiều nguyên nhân. Theo GS Đặng Huy Huỳnh, rắn là loài biến nhiệt, nhiệt độ tăng có thể làm tăng số lượng rắn.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cùng các chuyên gia sinh thái khác lí giải nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ bùng phát cắn người bất thường và đưa ra các gợi ý kiềm chế.
GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho hay, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về rắn lục đuôi đỏ. Theo nhiều tài liệu, rắn lục đuôi đỏ (hay còn gọi là rắn lục mép trắng, rắn lục tre) có vùng phân bố khá rộng, xuất hiện ở hầu hết các vùng rừng trong cả nước. Loài này sống chủ yếu trên cây, hoạt động vào ban đêm, ăn chuột, thằn lằn, ếch, nhái…
Hiện trường - Chuyên gia lí giải hiện tượng bùng phát rắn lục đuôi đỏ
Người dân phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) rải ớt, tỏi, sả và giăng lưới phòng rắn lục đuôi đỏ vào nhà (ảnh lớn); rắn lục đuôi đỏ có chiều dài tối đa khoảng 60cm, nặng khoảng 300gram (ảnh nhỏ). Ảnh: N.T
Không phải mùa sinh sản
Rắn lục đuôi đỏ vốn sống chủ yếu trong rừng nay xuất hiện nhiều ở các khu dân cư có thể do nhiều nguyên nhân. Theo GS Đặng Huy Huỳnh, rắn là loài biến nhiệt, nhiệt độ tăng có thể làm tăng số lượng rắn. Điều này phù hợp với việc loài rắn đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, vùng rừng vốn là nơi sống của rắn lục đuôi đỏ, nay bị chặt phá, rắn mất môi trường sống nên di chuyển về hang hốc, bụi cây gần khu dân cư. Tuy nhiên, các điều kiện trên đều khiến gia tăng số lượng các loài rắn khác, tại sao chỉ có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều? Theo GS Huỳnh, loài này sinh sản khá nhiều, chúng đẻ con chứ không đẻ trứng như nhiều loài rắn khác, mỗi lần đẻ 4 - 14 con. Các loài thiên địch của chúng trong môi trường như cầy, cáo, mèo giảm đi khá nhiều do nạn săn bắt cũng làm gia tăng số lượng rắn. Tuy nhiên, rắn lục đuôi đỏ thường sinh con vào tháng 6 - 7, chứ không phải mùa này. Ngoài ra, rắn lục đuôi đỏ không phải là loài có giá trị kinh tế như nhiều loài khác. Thịt rắn hôi nên không được sử dụng làm thức ăn, ngâm rượu thuốc, nên chúng càng có cơ hội phát triển.
Theo TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, muốn biết vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, phải có các nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, có thể giả thuyết, nguồn thức ăn dồi dào hơn và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng. Theo GS Huỳnh, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ số rắn lục đuôi đỏ tăng bao nhiêu, vì sao lại tăng, biện pháp phòng chống hiệu quả nhất… “Phải làm nhanh để người dân đỡ hoang mang, ảnh hưởng đến tinh thần, sản xuất”, ông Huỳnh nói.
Rắn chết vẫn có thể cắn và phóng nọc
Theo GS Huỳnh, rắn lục đuôi đỏ không độc như hổ mang hay cạp nong, cạp nia, nhưng rất khó phát hiện loài rắn này, vì chúng thường sống trong bụi cây, hang hốc và có màu xanh. Người dân nên phát quang bụi rậm quanh nhà. Rắn hoạt động chủ yếu vào ban đêm, nên khi đi ra ngoài vào ban đêm, người dân nên dùng đèn pin, đi ủng.
Ngoài ra, có thể trồng sả hoặc nuôi chó, mèo để hạn chế rắn xuất hiện.
Theo TS Nguyễn Quảng Trường, nọc độc của rắn lục không tác động lên hệ thần kinh, mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử. Điều đáng ngại là một con rắn chết, thậm chí đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ cho đến 90 phút sau khi nó chết. Khi bị rắn cắn, cần hạn chế vận động để tránh làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể, không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp. Không nên ga - rô bằng dây cao su, vì dễ gây hoại tử do thiếu máu cung cấp đến phần cơ thể phía dưới ga - rô. Cũng không nên đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ tác dụng vì có thể gây nhiễm trùng. Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Nếu có thể, bắt con rắn cắn người đến bệnh viện để bác sĩ xác định đúng chủng loại huyết thanh cần sử dụng.

Nhiều người Thừa Thiên - Huế bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Ngày 1/12, tin từ khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, kể từ tháng 10, cơ sở y tế này điều trị 16 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó 9 người bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, chủ yếu ở thị xã Hương Thủy. Họ bị rắn cắn khi đang phát quang bụi rậm, chăm sóc vườn cây. Bệnh nhân N.V.Đ (trú phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) nói rằng, đây là lần đầu tiên ông thấy rắn lục đuôi đỏ tại địa bàn và cắn người. Trước đây, loài rắn cắn người thường là rắn lục toàn thân xanh. Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ tháng 10 trở về trước khoảng 5 năm, cơ sở y tế này không điều trị ca nào do rắn lục đuôi đỏ cắn. Việc tiếp nhận nhiều ca bệnh như vậy trong gần 2 tháng qua là điều lạ thường.

Tập huấn điều trị rắn độc cắn

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nhiều loại rắn độc cắn người có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu đúng và kịp thời. Do đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc tập trung cấp cứu, hồi sức, điều trị cho người bệnh bị rắn độc cắn không để xảy ra tử vong. Trường hợp cần tư vấn về cấp cứu, điều trị cho người bệnh nặng do rắn độc cắn có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) theo đường dây nóng của bệnh viện. Tổ chức tập huấn, đào tạo lại về việc sơ cứu, cấp cứu, hồi sức, chống độc, chăm sóc người bị rắn độc cắn cho bác sĩ, điều dưỡng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Viện Vắc - xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang đã sản xuất được huyết thanh kháng độc nọc rắn lục đuôi đỏ.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-li-giai-hien-tuong-bung-phat-ran-luc-duoi-do-a71914.html