Phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học thời kỳ đá mới tại Hà Tĩnh


Thứ 3, 11/11/2014 | 08:52


(ĐSPL) - Tại di chỉ khảo cổ học cồn sò điệp (Hà Tĩnh), phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học thời tiền sử thuộc hậu kỳ đá mới có niên đại cách đây 5.000 - 6.000 năm.

(ĐSPL) - Mới đây, bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với viện Khảo cổ học Việt Nam và trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành đào thám sát di chỉ khảo cổ học cồn sò điệp tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học thời tiền sử thuộc hậu kỳ đá mới có niên đại cách đây 5.000 - 6.000 năm.
Hiện trường - Phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học thời kỳ đá mới tại Hà Tĩnh
Đào thám sát di chỉ khảo cổ học cồn sò điệp tại xã Thạch Đài.
Các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã đào thám sát một hố khai quật có diện tích 4m2, sâu 2,5m, tại vị trí phía Đông Bắc cồn điệp, có tọa độ: 18.18’30” độ vĩ Bắc, 105.51’18” độ kinh Đông.
Qua khảo sát cho thấy, tầng văn hóa nằm ở hai lớp. Lớp thứ nhất ở độ sâu 0,5m, phát hiện nhiều hiện vật là các công cụ đồ đá gốc, chất liệu đá sa thạch, với các loại hình khác nhau như: Bàn dập, bàn mài, bàn nghiền. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy công cụ đá trên bề mặt có 3 dấu hình tròn lõm mang đặc trưng dấu ấn của văn hóa Hòa Bình, có niên đại cách ngày nay 5.000 - 6.000 năm và nhiều mảnh gốm, được chế tác theo phương pháp bàn xoay, gốm thô, trang trí hoa văn thừng...
Phát hiện các loại hình công cụ đá, mảnh gốm và công cụ đá mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình tại di chỉ.
Lớp thứ hai nằm ở độ sâu trên 2m bao gồm vô số vỏ điệp trắng dày chồng lên thành tầng lớp, có lẫn một số than tro, ốc sò, xương cá, xương động vật, một số công cụ đá và các mảnh gốm.
Hiện trường - Phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học thời kỳ đá mới tại Hà Tĩnh (Hình 3).
Vô số các vỏ điệp trắng dày chồng tầng lớp nằm ở độ sâu từ 1 đến trên 2m.
Được biết, đây là di chỉ có niên đại tương đồng với di chỉ Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, nằm trong loại hình các di chỉ cồn sò điệp được phân bố kéo dài dọc ven biển phía Bắc miền Trung như: huyện Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho đến Quảng Bình.
Việc phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học thời tiền sử nói trên giúp các nhà nghiên cứu khảo cổ học khẳng định thêm về địa bàn phân bố các di chỉ khảo cổ học thuộc thời kỳ đá mới trên vùng đất Hà Tĩnh. Đồng thời, góp phần xây dựng quy hoạch bản đồ phân bố khảo cổ học Hà Tĩnh nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và giới thiệu trưng bày của bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-nhieu-hien-vat-khao-co-hoc-thoi-ky-da-moi-tai-ha-tinh-a68524.html