Tục cưới không phong bì của những xóm chài ở xứ Nghệ


Thứ 5, 27/11/2014 | 08:42


(ĐSPL) - Nằm cách thị trấn Diễn Châu chừng chục km, Kim Liên là một trong những xóm chài còn lại của xã Diễn Kim (Nghệ An) vẫn còn lưu giữ tục đám cưới không phong bì.

(ĐSPL) - Nằm cách thị trấn Diễn Châu chừng chục km, Kim Liên là một trong những xóm chài còn lại của xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vẫn còn lưu giữ tục đám cưới không phong bì.
Người dân thôn Kim Liên chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, đàn ông tham gia đánh bắt trên biển, phụ nữ ở nhà trông nom con cái, có chăng chỉ làm thêm trên cánh đồng muối hoặc chăn nuôi. Vấn đề phát triển kinh tế hộ gia đình và nâng cao dân trí đang được địa phương này rất quan tâm. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ Kim Liên vẫn duy trì tục cưới không nhận phong bì với những gia đình có con gái về nhà chồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Ngọc Tuấn, Trưởng thôn Kim Liên cho biết: “Diễn Kim là xã ven biển, có 13 xóm, gần 10.000 nhân khẩu, 2.345 hộ, tỉ lệ hộ nghèo năm 2014 là 12\%. Bà con chủ yếu sống bằng nghề đi biển, làm nông và nghề muối. Mỗi năm, Diễn Kim có khoảng gần 100 đám cưới, trong đó 50\% là gả con gái. Tục ăn cỗ cưới không phong bì đối với gia đình có con gái đi lấy chồng ở địa phương tồn tại từ rất lâu, đến đời ông cha, con cháu chúng tôi vẫn còn theo và lưu giữ. Theo các cụ cao niên trong làng, cưới con gái là “nợ đời”, nhà này đi nhà kia rồi lại quay vòng như thế”.
Hiện trường - Tục cưới không phong bì của những xóm chài ở xứ Nghệ
Bà Trương Thị Xuân (70 tuổi), thôn Kim Tiến, xã Diễn Kim vừa làm vừa kể về chuyện cưới không phong bì.
Về nguồn gốc của tập tục này, ông Cao Xuân Long, Bí thư chi bộ thôn Kim Liên nói: “Tập tục này có từ thời cha ông để lại, lâu dần thành nếp ứng xử lưu truyền qua nhiều thế hệ và đến nay vẫn lưu giữ. Thường thì đám cưới con gái không tổ chức quá linh đình mà chỉ làm mâm cỗ mời làng xóm, anh em thân cận nên sẽ không nhận quà mừng của bất cứ ai”.
Bà Trương Thị Xuân (70 tuổi), một cao niên trông thôn chia sẽ: “Đám cưới con gái ở thôn từ trước đến nay không nhận tiền mừng, đây được coi là lệ làng. Thời tôi lấy chồng, cha mẹ có thể giết lợn làm mâm cỗ để thiết đãi làng xóm nhưng bây giờ đâu chỉ con lợn mà được các chị, toàn phải đi vay lãi về tổ chức cho con thôi. Xóm làng ai có con gái cũng vậy đâu riêng nhà mình”.
Xuất phát từ suy nghĩ trên, nhiều gia đình tại thôn Kim Liên mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố vay mượn để tổ chức cỗ bàn tươm tất ngày con gái về nhà chồng. Đặc biệt, trong thôn có gia đình ông Thông bà Long có đến tận 9 người con gái, mỗi lần ra cửa nhà cho con, ông bà lại tất tả vay mượn để lo cỗ bàn, vì vậy kinh tế càng thêm khó khăn.
Theo bà Cao Thị Phượng (65 tuổi): “Trước cha ông có nói, gia đình có con gái đi lấy chồng phải làm cỗ mời cả làng đến liên hoan mà không được lấy tiền mừng, vì con gái khi đi lấy chồng là mất con, mất họ, còn con trai lấy vợ là được thêm người, thêm của, do vậy nhà có con trai thì được phép lấy tiền mừng của mọi người”.
Trước việc vẫn tồn tại tục lệ trên, ông Tuấn cho biết: "Bắt đầu từ năm 2012, trong các cuộc họp dân, các cán bộ xóm có tuyên truyền tuy nhiên, suy nghĩ của người dân vẫn không thay đổi. Người dân vùng quê này cho rằng, không nhận tiền mừng là tôn trọng tình cảm quê hương".
Cách Diễn Kim không xa, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu cũng là một trong những xã còn lưu truyền phong tục tương tự. Đặc biệt hơn, ở Diễn Vạn, đám cưới con gái sẽ không mời ai mà người thân quen tự chủ động đến ăn cỗ và chúc mừng. Hiện, Diễn Vạn có 1.559 hộ, trong đó có 411 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 26.45 \%. Mặc dù đời sống khó khăn, hầu hết người dân sống phụ thuộc vào nghề làm muối và thủ công nghiệp, thu nhập không cao nhưng khi tổ chức ngày cưới cho con gái dù nhiều hay ít cũng không được nhận tiền mừng.
Ông Hoàng Ngọc Sơn, cán bộ Văn hoá xã Diễn Vạn chia sẻ: "Đây là phong tục có từ lâu đời, duy trì và đi vào tiềm thức của người dân nơi đây rồi nên khó có thể thay đổi. Hiện nay, đã có một số gia đình có nhận quà mừng ngày cưới con gái tuy nhiên, chỉ chiếm tỉ lệ rất ít và khi nhận quà mừng họ cảm thấy “khó coi” vì làm khác lệ làng".
Thiết nghĩ, tục lệ này sẽ gây áp lực về tâm lý và kinh tế đối với các gia đình hoàn cảnh khó khăn, đông con gái. Do đó, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần có những biện pháp tuyên truyền vận động để người dân thay đổi. Các gia đình có con em trong độ tuổi kết hôn nên tổ chức các lễ cưới gọn nhẹ, an toàn, tiết kiệm và không phong bì là trên hết.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuc-cuoi-khong-phong-bi-cua-nhung-xom-chai-o-xu-nghe-a71244.html