Ấm lòng mùa lễ Vu Lan tại chùa Diệu Viên


Thứ 6, 28/08/2015 | 03:03


(ĐSPL) - Mỗi dịp mùa Vu Lan về, nhà dưỡng lão Diệu Viên có rất nhiều người đến thăm. Ngoài con cháu của các cụ, còn có các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện.

(ĐSPL) - Thêm một mùa Vu Lan nữa lại về, khi mà ngoài kia nhiều người con đang trao gửi những tình cảm tốt đẹp nhất đến đấng sinh thành thì vẫn còn đó những “góc khuất” đầy tâm tư của các mệ, các cụ ở nhà dưỡng lão Diệu Viên, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế).

Chùa Diệu Viên là một ngôi chùa sư nữ nổi tiếng vào bậc nhất của đất Thần kinh, nằm trên địa bàn phường Thủy Dương thuộc thị xã Hương Thủy, cách trung tâm TP Huế khoảng 5km. Nhà dưỡng lão Diệu Viên được nhà chùa thành lập cách đây khoảng 15 năm, lúc đầu chỉ nhận chăm sóc các cụ già yếu bị tàn tật, không nơi nương tựa trong tỉnh. Nhưng sau này, được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chùa đã mở rộng, tiếp nhận thêm nhiều cụ từ các tỉnh lân cận xin về chùa để sống những ngày cuối đời.

Chúng tôi về thăm các cụ vào buổi chiều tà của ngày cận kề lễ Vu Lan, bóng chiều đổ xuống khu dưỡng lão thật yên bình, không gian nơi đây lặng yên với chung quanh là những hàng trúc đứng lặng lẽ. Mỗi cụ, mỗi mệ được nuôi dưỡng ở đây là một câu chuyện, một số phận buồn.


Mỗi cụ, mỗi mệ sống ở nhà dưỡng lão là một số phận riêng biệt

Gặp cô Hà Thị Vĩnh (SN 1959), quê ở làng Hương Chữ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) khi cô đang tự tay giặt quần áo ở nhà dưỡng lão. Cô Vĩnh vào ở chùa khi còn trẻ. Trước kia, cô làm người ở cho nhà người ta. “Hồi ấy, tôi làm việc nhà nhiều quá, chạy lên chạy xuống lau nhà cao tầng, rồi bị bệnh thấp khớp, chân tay phù nề, tốn rất nhiều tiền để chữa trị ở bệnh viện. Rồi sư cô trụ trì chùa Diệu Viên bảo vào đây sống cho đỡ vất vả. Nên tôi vào đây, ở cho đến tận bây giờ”, cô Vĩnh tâm sự.

Nói đến ngày Vu Lan, ánh mắt cô lại nhìn xa xăm, vô định. Cô kể, người thân thích trong gia đình cô giờ chẳng còn ai. Hiện tại, những người thân của cô chính là những bạn già sống cùng khu nhà dưỡng lão.

Thương cảm hơn là trường hợp của mệ Trần Thị Nghị. Năm nay mệ đã 88 tuổi. Quê gốc của mệ Nghị ở mãi tận trong Cần Thơ. Khi đất nước còn chia cắt, mệ có đem lòng yêu thương anh lính chế độ cũ người gốc Huế. Rồi người con gái miền Tây ấy, theo người yêu ra Huế sống ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc. Năm 1968, chồng mệ Nghị mất. Mệ ở vậy mãi đến khi chính quyền sắp xếp cho mệ vào ở đây vì hoàn cảnh neo đơn, không con cái, không nơi nương tựa.


Các cụ sống đùm bọc và đồng cảm với nhau

Và có lẽ đáng thương nhất là trường hợp của mệ L.T.Y. (82 tuổi), quê ở thị xã Hương Thủy. Mệ Y. có hai người con, 1 trai, 1 gái. Người con gái lấy chồng sống ở trong Sài Gòn, còn người con trai cũng yên bề gia thất sống ở thị xã Hương Thủy.

Khi tôi hỏi sao mệ không sống ở nhà người con trai, để con cháu quây quần xung quanh, mệ buồn rầu tâm sự: “Mệ không hợp với con dâu. Trước mệ có về nhà con trai ở một thời gian nhưng rồi phải quay lại đây. Già rồi sợ làm phiền chúng nó”.

Mệ khoe, mấy đứa cháu nội của mệ ngoan lắm. Có đứa cũng đang học nghề báo chí, sắp ra làm phóng viên. “Nhiều lúc nhớ các con, thương các cháu nhưng chẳng muốn chúng vào thăm. Mệ cứ sợ chúng nó lại lo lắng thì khổ”, mệ chia sẻ.

Mặc dù mỗi các cụ là một câu chuyện về những mảnh đời tuổi già sống neo đơn làm không ít người chua xót. Nhưng hiện tại, thật ấm áp khi các cụ đang được sống trong sự đùm bọc, chở che của những tấm lòng thơm thảo.

Mỗi mùa Vu Lan có rất nhiều nhà hảo tâm đến thăm các cụ

Hiện tại, nhà dưỡng lão Diệu Viên đang nuôi dưỡng 23 cụ. Cụ cao tuổi nhất năm nay 96 tuổi, các cụ khác khoảng chừng 50 đến 80 tuổi. Hằng ngày, các cụ tĩnh tâm đọc kinh, niệm phật và được các ni cô của chùa chăm sóc, lo từng bữa ăn, giấc ngủ.

Ni sư Thích Nữ Diệu Đàm, Trưởng ban điều hành nhà dưỡng lão Diệu Viên cho biết: Những cụ sống ở đây thường là những cụ có hoàn cảnh nghèo khó, neo đơn, không nơi nương tựa. Có cụ cũng có con, có cháu nhưng gia cảnh các con cháu cũng không mấy khấm khá nên cũng được nhà chùa đưa về đây nuôi dưỡng. Để có nguồn kinh phí chăm sóc các cụ, nhà chùa được sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm và các mạnh thường quân ở khắp nơi.

“Ngoài ra, các cụ ở đây cũng tự trồng rau sạch, trồng nấm để cải thiện bữa ăn chay hàng ngày. Vì cùng hoàn cảnh nên các cụ sống rất hòa đồng và thân thiện với những ai đến thăm”, ni sư Thích Nữ Diệu Đàm chia sẻ thêm. Được biết, hàng tháng, nhà chùa có hợp đồng với bác sĩ về khám sức khỏe định kỳ cho các cụ.

Mỗi dịp mùa Vu Lan về, nhà dưỡng lão có rất nhiều người đến thăm. Ngoài con cháu của các cụ, còn có các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện. Hôm chúng tôi lên thăm nhà dưỡng lão, có gặp nhóm Hạnh Nguyện, một nhóm có nhiều hoạt động từ thiện ở Thừa Thiên - Huế. Những thành viên trong nhóm đã quyên góp được rất nhiều lương thực, thực phẩm. Nhóm còn tiến hành nấu một bữa ăn và tổ chức văn nghệ, ca hát cùng các cụ.


Nhóm Hạnh Nguyện tổ chức nấu ăn cho các cụ vào ngày Vu Lan

Có nhìn thấy những nụ cười sảng khoái của các cụ hay những cái ôm chặt mà các cụ dành tặng cho những thành viên trong nhóm thiện nguyện, mới cảm nhận hết niềm vui của các cụ lớn đến dường nào.

Đoạn tạm biệt các cụ và những thành viên trong nhóm thiện nguyện, tôi lại nhớ đến nghi thức cài hoa hồng trên ngực mỗi dịp Vu Lan về. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương, là để cho mọi người biết ai đang còn cha còn mẹ

Theo đó, người nào còn mẹ cha sẽ cài hoa màu hồng, ai mất mẹ thì cài hoa hồng trắng. Với những nhà hảo tâm hay những thành viên trong các nhóm thiện nguyện về thăm các cụ trong dịp Vu Lan này, những hoạt động ý nghĩa của họ quý giá và đáng trân trọng như ý nghĩa của những bông hồng cài ngực vậy...


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/am-long-mua-le-vu-lan-tai-chua-dieu-vien-a108177.html