+Aa-
    Zalo

    Tỏi đen "cô đơn" vì sao có giá tiền triệu?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Tỏi đen "cô đơn" với giá bán trong nước hơn một triệu đồng mỗi kg, còn xuất khẩu lên tới 3 triệu đồng, đang thu hút khá nhiều hộ kinh doanh...

    (ĐSPL) - Tỏi đen "cô đơn" với giá bán trong nước hơn một triệu đồng mỗi kg, còn xuất khẩu lên tới 3 triệu đồng, đang thu hút khá nhiều hộ kinh doanh, công ty và các trung tâm nghiên cứu nhảy vào sản xuất.

    Tin tức tức báo VnExpress, anh Cao Quốc Vinh, chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng tỏi đen đầu tiên ở Việt Nam cho biết, sau khi đầu tư 80.000 USD để mua công nghệ chuyên sản xuất tỏi đen nhiều tép vào năm 2009 và khá thành công, nhưng dần dà về sau khách hàng ít ưa chuộng loại này nên anh quyết định chuyển hẳn sang sản xuất tỏi đen cô đơn (tỏi một tép). Anh lựa chọn và ký hợp đồng thu mua ở một số tỉnh miền Trung và phía Bắc có nguồn tỏi ổn định, chất lượng.

    Nhờ sản phẩm làm ra chất lượng, anh Vinh xuất được sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Mỹ với giá trên 3 triệu đồng một kg. 8 tháng đầu năm nay anh đã xuất sang 3 thị trường này 1,5 tấn. Hiện, một đối tác nước ngoài đang có ý định đặt hàng 4 tấn cho cuối năm.

    Nguyễn Văn Định, người gắn liền với việc xây dựng thương hiệu tỏi Lý Sơn cũng vừa cùng đối tác nhập công nghệ về chế biến cả sản phẩm tỏi đen Lý Sơn nhiều nhánh lẫn một nhánh. Hiện sản phẩm tỏi đen nhiều nhánh của anh Định được một siêu thị nước ngoài tại TP HCM đặt hàng với giá bán ra là 950.500 đồng một kg, còn tỏi đen cô đơn có giá 1,9 triệu.

    "Sở dĩ tỏi đen một tép Lý Sơn có giá bán cao là do nguồn tỏi tự nhiên hiếm, quy trình chế biến cũng phức tạp và khó khăn hơn tỏi nhiều tép", anh Định nói và cho biết hiện mỗi tháng làm ra 250kg tỏi đen.

    Không chỉ các cá nhân chen chân vào làm tỏi đen cô đơn mà ngay cả trường đại học, các trung tâm nghiên cứu về dinh dưỡng cũng tranh thủ nghiên cứu sản xuất và thương mại hóa sản phẩm này ra thị trường.

    Tại cơ sở Linh Chi Nông Lâm, thành viên Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Đại học Nông Lâm TP HCM) cũng đã nghiên cứu và sản xuất ra tỏi đen cô đơn mang thương hiệu Nông Lâm, bán với giá 2,3 triệu đồng một kg.

    Theo đơn vị này, sản phẩm được lên men từ tỏi cô đơn Lý Sơn trong thời gian 45 ngày, có màu đen, vị ngọt, không còn mùi cay hăng của tỏi thường và có tác dụng gấp nhiều lần tỏi thường.

    Trao đổi với PV, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học Đại học Nông Lâm Trần Đình Đôn cho biết, việc nghiên cứu sản phẩm tỏi đen, bao gồm cả tỏi đen cô đơn được khá nhiều sinh viên trong trường chọn làm đề tài ngay từ khi còn là sinh viên năm ba. Hiện, sản phẩm tỏi đen Nông Lâm được một thành viên của Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ kết hợp với Khoa Khoa học của trường phát triển. Tuy nhiên, khi thương mại hóa sản phẩm này, sức tiêu thụ còn khá chậm.

    Ngoài Đại học Nông Lâm, Trung tâm Nghiên cứu thực phẩm và dinh dưỡng tại TP HCM cũng đang phân phối sản phẩm này ở khá nhiều tỉnh thành trong nước với giá dao động 1 - 1,7 triệu đồng một kg (tùy loại). Đồng thời, xuất khẩu sang các thị trường khó tính với giá cao gấp đôi thị trường nội địa.

    Bên cạnh các cá nhân, trung tâm trường học sản xuất tỏi đen thì hiện nay có khá nhiều hộ gia đình tự chế biến tỏi đen bằng nồi cơm điện. Thời gian lên men chỉ sau 25-30 ngày là dùng được thay vì đúng quy trình là từ 60 đến 65 ngày. Để rút ngắn thời gian, nhiều người chọn dùng tỏi nhiều tép thay vì tỏi cô đơn để rút ngắn thời gian lên men.

    Đánh giá về trào lưu trên, một nhà nghiên cứu và sản xuất tỏi đen tại TP HCM cho hay, không phải sản phẩm tỏi đen nào bán ra thị trường cũng đạt chất lượng. Nhiều sản phẩm làm không đúng quy trình, nhiệt độ và độ ẩm cũng vẫn khiến tỏi chuyển sang màu đen, tuy nhiên hàm lượng dưỡng chất tốt cho sức khỏe chứa trong sản phẩm mới là điều quan trọng.

    “Nếu mua sản phẩm để về chữa bệnh, người dùng cần hỏi người bán về hàm lượng chất S-ally cysteine chứa trong tỏi. Một sản phẩm tối ưu nhất là có chứa 850miligram S-ally cysteine trên 100gram tỏi”, ông cho hay.

    Tỏi đen "cô đơn" với giá bán trong nước hơn một triệu đồng mỗi kg, còn xuất khẩu lên tới 3 triệu đồng.

    Vì sao tỏi "cô đơn" đắt đỏ

    Tỏi “cô đơn”, tỏi một tép, hay tỏi “mồ côi” ở đảo Lý Sơn được trồng theo cách rất đặc biệt. Hỗn hợp đất nông dân Lý Sơn dùng trồng tỏi gồm đất tạo thành từ núi lửa trên đảo, trộn với cát biển, bao bọc xung quanh hòn đảo này. Tuy nhiên, tỷ lệ pha trộn đất và cát thế nào, trình tự trải lớp đất rồi đến lớp cát ra sao thì chỉ nông dân trồng tỏi Lý Sơn mới biết.

    Theo nông dân Lý Sơn, việc làm đất trồng tỏi "cô đơn" vô cùng kì công, mỗi lần làm đất xong chỉ trồng được không quá hai vụ là phải làm đất mới.

    Đất núi lửa vốn có màu đỏ, cát biển thì màu trắng, bởi thế nhìn từ xa, ruộng tỏi trên đảo Lý Sơn rất đẹp. Cũng chính thứ đất và cát không nơi nào trên cả nước có được đã tạo nên loại tỏi duy nhất “không đụng hàng” về chất lượng.

    Tỏi “cô đơn” ở Lý Sơn được hình thành từ sự khuyết tật trong quá trình sinh trưởng. Thay vì “đẻ” ra nhiều tép tỏi để tạo thành loại tỏi bình thường, cây tỏi này “không đẻ” mà chỉ phát triển đúng một tép tỏi duy nhất.

    Thông thường, một sào đất trồng tỏi ở Lý Sơn có diện tích 500m2. Mùa vụ bình thường tốt đẹp, nông dân Lý Sơn thu hoạch 300-400 kg tỏi tươi.

    Tuy nhiên, nông dân Lý Sơn cho hay, trên một sào trồng tỏi, chỉ thu hoạch được tối đa vài ba ký tỏi “cô đơn”, nếu có. Và khi có tỏi “cô đơn” thì sản lượng tỏi bình thường sụt giảm thê thảm. Chính vì lẽ đó, số lượng tỏi “cô đơn” càng nhiều trên một sào tỏi là người nông dân càng rầu rĩ bởi điều này đồng nghĩa với mất mùa, hay thất mùa.

    Mỗi cân tỏi cô đơn hiện có giá khoảng 2 triệu đồng. Dù vậy, với giá đó cũng không đủ bù đắp cho sản lượng tỏi bình thường mất đi vì sự xuất hiện của tỏi cô đơn trên mỗi sào ruộng.

    Tỏi "cô đơn" chỉ có hình thành một tép duy nhất cỡ đầu ngón tay cái, bởi vậy, nó thơm ngon hơn tỏi bình thường.

    Hiện nay, tỏi "dởm" gắn mác tỏi “cô đơn” xuất hiện khá nhiều trên thị trường, tuy nhiên để mua được tỏi “cô đơn” xịn thì cần tinh ý. Tỏi cô đơn ở đảo Lý Sơn có vị thơm, cay nồng hơn các loại khác. Tỏi có màu trắng, kích thước nhỏ hơn đầu ngón tay út, hình bầu dục, chứa nhiều tinh dầu nên ăn vào có vị cay thơm mà không gây hôi miệng như tỏi ở nhiều vùng miền khác.

    Từ lâu người dân huyện đảo Lý Sơn ví tỏi cô đơn như dược liệu qúy bảo vệ sức khỏe cho con người nơi đây. Nhiều ý kiến cho rằng chúng có thể chữa nhiều bệnh cảm cúm, dạ dày, tim mạch, bổ thận…

    Theo các chuyên gia y tế, tỏi đen có hiệu lực mạnh kháng lại các tế bào khối u, giúp máu lưu thông, thúc đẩy tuần hoàn máu, oxy và dưỡng chất được cung cấp đến khắp cơ thể, giảm cảm giác ê ẩm, cơn đau. Các hoạt chất trong tỏi đen có tác dụng chống đông máu, ngăn không cho các tiểu cầu đóng thành cục, giảm chứng cao huyết áp, thiếu máu não và tim mạch.

    Ngoài ra, tỏi đen còn giúp phụ nữ cải thiện làn da, bảo vệ gan, chống các bệnh đường hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch...

    Ngọc Anh(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/toi-den-co-don-vi-sao-co-gia-tien-trieu-a111985.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.