+Aa-
    Zalo

    Tổng thanh tra Chính phủ: "Tôi vừa nhận nhiệm vụ, tin nhắn tố cáo đã liên tục đổ về điện thoại"

    • DSPL
    ĐS&PL Tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng thanh tra Chính phủ, tin nhắn tố cáo đã liên tục đổ về điện thoại", Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói.

    "Tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng thanh tra Chính phủ, tin nhắn tố cáo đã liên tục đổ về điện thoại", Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói.

    Sáng 8/11, Quốc hội có phiên thảo luận tại tổ về dự luật Tố cáo (sửa đổi)

    Bên cạnh hai hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp, dự Luật này bổ sung quy định về việc tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra.

    Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại nếu được thực hiện với trách nhiệm cao thì khuyến khích. Tuy nhiên, với thực trạng nguồn nhân lực hiện nay, áp dụng hình thức này có thể dẫn đến xử lý không kịp, không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

    "Sau khi tiếp nhận đơn thư tố cáo thì phải xác minh, nhưng điện thoại đâu có chữ ký. Tôi lo sau này thụ lý, giải quyết bằng hình thức này sẽ khó cho các cơ quan có thẩm quyền. Tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng thanh tra Chính phủ, tin nhắn tố cáo đã liên tục đổ về điện thoại", ông Khái nói.

    Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trao đổi thêm với đại biểu bên lề phiên thảo luận - Ảnh: Dân trí

    Cũng đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Chúng ta đang ở thời đại công nghệ 4.0 mà sao luật ra lại đặt cái đó ra bên ngoài?”.

    Chủ tịch Quốc hội cho biết, thi thoảng bà cũng nhận được tin nhắn tố cáo và đã chuyển cho cơ quan chức năng. “Ngay chiều qua tôi nhận được một tin nhắn nói rõ họ ở địa chỉ này, tên tuổi thế này, họ đã 3 lần gửi đơn tố cáo về việc thu hồi đất và tài sản của họ chưa đúng nhưng đến nay chủ tịch tỉnh đó chưa giải quyết, đề nghị Chủ tịch QH chỉ đạo giải quyết sớm, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tôi đã chuyển ngay tin nhắn đó cho chủ tịch địa phương”, bà kể.

    Theo Chủ tịch QH, đó cũng là một cách giao dịch trên phương tiện mà không mất công sức, chỉ bấm nút chuyển tiếp là đến đúng địa chỉ. Bà cho rằng, nếu làm tốt thì tình hình tố cáo sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều.

    “Mình phải có trách nhiệm với dân”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

    Tuy nhiên, bà cũng nói đến mặt trái của công nghệ khi rất nhiều tin xấu, tin vu khống tràn lan trên mạng xã hội, nhiều ĐBQH cũng rất ngại nếu chấp nhận hình thức tố cáo này sẽ dẫn đến tràn lan, lợi dụng, nên luật cần quy địnhh chặt chẽ.

    Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh nêu quan điểm, chỉ nên chấp nhận 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn thư và tới trực tiếp cơ quan chức năng tố cáo chứ không nên nhận tố cáo qua thư điện tử hay fax vì rất khó xử lý.

    “Tổng Thanh tra vừa cho tôi xem tin nhắn đó, đúng là tố cáo đấy nhưng nhắn tin như thế này thì rất khó. Chúng ta vẫn có thể tìm được người sử dụng số điện thoại này nhưng lại phải dùng đến các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt và có khi lần ra tới nơi thì người ta lại dùng một số thuê bao khác rồi” – ông Bí thư Hà Giang phát biểu.

    Ông Vinh cũng chia sẻ, ngày càng nhận được nhiều thông tin khiếu nại, tố cáo kiểu này. “Thực tế ngồi đây họp nhưng cứ ra khỏi hội trường là tin nhắn đến ào ào, mình lại phải giao anh em xem xét mà có những việc đã giải quyết xong lâu rồi vẫn không thể nào dứt được. Đã đưa vào luật thì phải quản lý được xã hội chứ không phải để làm rối loạn thêm tình hình” - ông Vinh kêu gọi thống nhất quan điểm về vấn đề này.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tong-thanh-tra-chinh-phu-toi-vua-nhan-nhiem-vu-tin-nhan-to-cao-da-lien-tuc-do-ve-dien-thoai-a208615.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan