+Aa-
    Zalo

    TP.HCM: Hai trẻ nghi ngộ độc botulinum toxin chưa rõ nguyên nhân

    (ĐS&PL) - Sở Y tế TP.HCM đã nhận được báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 về hai trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc botulinum toxin.

    Báo Tuổi trẻ đưa tin, tối 19/2, Sở Y tế TP.HCM thông tin về hai bệnh nhi nghi ngộ độc botulinum toxin từ báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

    tp hcm hai tre nghi ngo doc botulinum toxin chua ro nguyen nhan 1
    Sức khỏe của hai trẻ nghi ngộ độc botulinum đã cải thiện sau thời gian điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: Tuổi trẻ

    Theo đó, vào ngày 6 và 7/2, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận hai bệnh nhi nhập viện trong tình trạng buồn nôn và nôn ra thức ăn, than đau đầu.

    Sau khi khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn và không loại trừ trẻ bị ngộ độc botulinum toxin.

    Các bác sĩ thống nhất cho hai trẻ sử dụng giải độc tố botulinum.

    Hiện tình trạng hai bệnh nhi đã cải thiện. Một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại khoa tiêu hóa. Một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt.

    Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.

    Sở Y tế TP.HCM ghi nhận những nỗ lực chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời cho hai bệnh nhi nghi ngộ độc botulinum toxin. Cho đến thời điểm hiện tại, sở này chưa ghi nhận thêm trường hợp nào được báo cáo có triệu chứng tương tự.

    Thông tin trên báo Công luận, theo các chuyên gia, trong điều kiện khắc nghiệt, vi khuẩn C.botulinum có thể biến thành dạng nha bào vô cùng chắc chắn, có khả năng tồn tại cao. Do đó, C.botulinum phân bố rất rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất vườn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, bụi bẩn, nước ao, nước sông hồ, ruột gia súc, đặc biệt phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, thịt hộp để lâu ngày...

    Vi khuẩn C.botulinum có đặc điểm kỵ khí, do đó không thể phát triển ở những nơi thông gió tốt, có đủ oxy. Đồng thời, vi khuẩn cũng không phát triển được ở môi trường chua (pH <4.6), mặn (nồng độ muối ăn >5%).

    Khi thực phẩm đóng hộp có lẫn một vài bào tử C.botulinum do quy trình sản xuất không đảm bảo, trong môi trường được đóng kín không có oxy, nếu thực phẩm không có đủ độ mặn và chua thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, tiết ra độc tố botulinum.

    Đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm, trước đây hay gặp ngộ độc thịt hộp, tuy nhiên các thực phẩm khác như rau, củ, quả, thịt, hải sản,... nếu được sản xuất và bảo quản không đúng cách đều có thể gây ngộ độc độc tố clostridium botulinum.

    Tình trạng này thường xảy ra tại các gia đình, sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Ví dụ ở Thái Lan đã xảy ra ngộ độc loại này do lọ măng, ở Trung Quốc do đậu lên men, ở Việt Nam ngộ độc pate chay,...

    Xu hướng ngộ độc đang tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước khi ăn,...

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tp-hcm-hai-tre-nghi-ngo-doc-botulinum-toxin-chua-ro-nguyen-nhan-a611128.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan