TPHCM: Công bố giá đất cao nhất 162 triệu đồng/m2


Thứ 3, 13/01/2015 | 03:39


(ĐSPL) - UBND TP.HCM ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng cho năm 2015. Theo đó, 3 tuyến đường có mức giá đất cao nhất là 162 triệu đồng/m2.

(ĐSPL) - UBND TP.HCM ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng cho năm 2015. Theo đó, 3 tuyến đường có mức giá đất cao nhất là 162 triệu đồng/m2.

Tin tức trên Người Lao Động, ngày 12/1, UBND TP.HCM vừa có quyết định ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ nay cho đến hết 31/12/2019.

Theo bảng giá đất năm 2015, 19 quận áp dụng khung giá của đô thị đặc biệt, từ 1,5 triệu đồng/m2 đến 162 triệu đồng/m2. Mức giá chung của tất cả 3.833 tuyến đường trên toàn địa bàn TP chỉ bằng khoảng 30\% mức giá thị trường nhưng mức tăng cao nhất không quá 2 lần; cao nhất là ở đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ: 162 triệu đồng/m2.

3 tuyến đường có giá đất cao nhất là 162 triệu đồng/m2. (Ảnh Người Lao Động)

Có 5 thị trấn của 5 huyện áp dụng theo khung giá từ 120.000 đồng/m2- 15 triệu đồng/m2. Nhóm đất nông nghiệp được giữ nguyên như năm 2014. Tính chung mức bình quân điều chỉnh đã tăng 1,6 lần so với bảng giá đất năm 2014.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, bảng giá đất đảm bảo nằm trong khung giá đất Chính phủ quy định và Luật Đất đai năm 2013, có tính kế thừa bảng giá đất năm 2014 để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đời sống của người dân. Việc điều chỉnh bảng giá đất chỉ được thực hiện trong hai trường hợp: khi giá đất thị trường tăng - giảm 20\% hoặc khi chính phủ điều chỉnh khung giá.

Trước đó, theo tin tức trên báo Xây Dựng, TP. HCM đã xây dựng bảng giá đất bằng khung của Chính phủ (năm 2008) với mức giá đất bằng khoảng 22\% so với giá thị trường. Tuyến đường có mức giá cao nhất là Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ có giá 81 triệu đồng/m2 .

Trong suốt thời điểm đó, mặt bằng giá vẫn được giữ nguyên và hàng năm chỉ điều chỉnh mang tính cục bộ, mặt bằng giá ban hành không đồng đều ở các địa bàn, có nơi chỉ 10\%, nơi bằng 30\% so với mức giá thị trường hiện hành. Kết quả khảo sát cho thấy, mặt bằng giá này thấp hơn nhiều so với giá giao dịch của thị trường, nên việc huy động đóng góp vào ngân sách chưa hài hòa và chưa tạo ra động lực phát triển cho Thành phố.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, bảng giá đất mới ban hành cần được Thành phố xem xét cẩn trọng và chỉ những vị trí nào có sự gia tăng về mặt hạ tầng, mức độ thuận lợi do có hệ thống hạ tầng phát triển mới điều chỉnh bảng giá đất tăng theo, nhằm hạn chế những tác động không cần thiết gây thêm áp lực “gánh nặng” cho người dân và những doanh nghiệp BĐS.

Ngoài ra, nếu bảng giá đất không tăng đồng loạt 2 lần thì những nơi giá đất tăng nhẹ hoặc không tăng sẽ tạo ra hướng có lợi cho các hộ gia đình, cá nhân. Đây là điều hợp lý để tạo sự cân bằng trong quá trình phát triển, thúc đẩy đầu tư.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tphcm-cong-bo-gia-dat-cao-nhat-162-trieu-dongm2-a78984.html