+Aa-
    Zalo

    TP.HCM đề xuất mở cửa trường học tại những nơi đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19

    • DSPL
    ĐS&PL Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có đề xuất gửi Thường trực UBND TP.HCM về phương án mở cửa trở lại trường học tại một số địa phương đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 trên địa bàn.

    Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 9/9, sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND thành phố về phương án mở cửa trường học, cho học sinh trở lại trường tại các địa phương được xác định đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. 

    Trong đó, khi các quận, huyện và TP.Thủ Đức được xác định đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch COVID-19 theo các tiêu chí chung của thành phố, UBND cấp quận xây dựng kế hoạch mở cửa trường học theo một vài yêu cầu cơ bản gồm:

    - Địa phương phải xác định là an toàn trong phòng, chống COVID-19.

    - Cơ sở giáo dục được đánh giá an toàn theo Bộ Tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học.

    - Đội ngũ giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần.

    - Chỉ tổ chức học trực tiếp cho những học sinh trong địa phương và trên tinh thần tự nguyện.

    - Vẫn tiếp tục tổ chức tốt dạy – học trên môi trường internet, qua truyền hình… để đáp ứng yêu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp cũng như bổ trợ, song hành cùng học trực tiếp trên lớp.

    Trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, Sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị các địa phương rà soát tình hình cơ sở vật chất, kể cả ngoài công lập theo Bộ Tiêu chí an toàn phòng, chống COVID-19 trong trường học. 

    de xuat mo cua truong hoc1
    Sở GD&ĐT TP.HCM đã đề xuất phương án mở cửa trường học, đưa học sinh trở lại trường tại những địa phương đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19. Ảnh: Báo Người lao động

    Sài Gòn Giải Phóng cho biết, trong tờ trình đồng thời cũng nêu rõ, mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch, tiến độ bàn giao các cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 kèm thực trạng và kế hoạch sửa chữa cụ thể. Trong đó, ưu tiên các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học được bàn giao, sửa chữa trước, đảm bảo kinh phí hoạt động của các trường công lập do những phát sinh từ công tác phòng, chống dịch, tổ chức giãn lớp, hợp đồng giáo viên...

    Về đội ngũ, các địa phương cần rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục, có phương án bổ sung, ký hợp đồng tạm thời nhằm đảm bảo đủ nhân lực để hoạt động trở lại, nhất là đối với cơ sở giáo dục mầm non.

    Cần đảm bảo công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục. Những giáo viên đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine trước 2 tuần mới được tới trường làm việc. Đồng thời, các địa phương cũng cần tạo điều kiện cho các giáo viên  di chuyển từ nhà đến trường làm việc, nhất là với những giáo viên ngoài địa phương. Những giáo viên chưa đủ điều kiện an toàn có thể được bố trí hỗ trợ hoạt động dạy và học qua internet.

    Đối với giáo dục mầm non, tham mưu UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 cho địa phương và thực hiện mở cửa đồng loạt trên địa bàn. Trong đó, các trường học ưu tiên chỗ học cho trẻ mẫu giáo và chỉ nhận giữ trẻ trong địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập hoạt động đúng quy định, đảm bảo an toàn.

    Thời gian đầu, các trường mầm non không tổ chức ăn sáng; bố trí thời gian đưa, đón trẻ lệch giờ. Sau mỗi tuần, Phòng GD&ĐT cần đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND quận, huyện điều chỉnh phương án theo hướng mở dần đối với những trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ (có thể tổ chức cho trẻ ăn sáng theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh).

    Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, các địa phương sẽ tận dụng tối đa khoảng "thời gian vàng", ưu tiên các lớp nhỏ như lớp 1, lớp 2, lớp đầu cấp và cuối cấp. Từng trường sẽ xây dựng phương án đi học lại căn cứ vào điều kiện cụ thể (như tiến độ sửa chữa cơ sở vật chất, nhân sự…). 

    Đồng thời, các trường cần tiếp tục duy trì tốt việc dạy và học trên môi trường internet, qua truyền hình… để đáp ứng nhu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp (ngoài địa phương) cũng như bổ trợ, song hành cùng học sinh học trực tiếp trên lớp.

    Thời gian đầu, các trường học sẽ chia nhỏ lớp, chỉ bố trí học 1 buổi, ưu tiên các lớp 1, 2, 9, 12 đi học trước, sau đó đến các lớp đầu cấp và cuối cấp 5, 6 và 10. Sau mỗi tuần, nhà trường đánh giá độ an toàn và các điều kiện để trình cơ quan quản lý (phòng GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT) điều chỉnh phương án theo hướng mở dần.

    Đề xuất nêu rõ phương án tổ chức cho học sinh trở lại trường học ưu tiên khối ngoài công lập vì khối này không vướng việc tham gia phòng, chống dịch. Những cơ sở giáo dục ngoài công lập đảm bảo được các điều kiện an toàn có thể bố trí nội trú cho giáo viên và học sinh ngoài địa phương theo phương án "3 tại chỗ" để tổ chức dạy và học trực tiếp.

    Riêng các cơ sở giáo dục ngoại ngữ - tin học, tư vấn du học, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài nhà trường… sẽ được mở cửa sau khi các địa bàn lân cận cũng đã an toàn.

    Tuy nhiên, căn cứ theo phương án nói trên, sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị Ban quản lý xây dựng các công trình địa phương chủ trì thực hiện và có cơ chế phê duyệt, cấp kinh phí nhanh. Ngoài ra, Sở cũng đề xuất có phương án cấp bổ sung kinh phí hoạt động cho các trường để triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, bổ sung giáo viên, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị…

    Minh Hạnh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tphcm-de-xuat-mo-cua-truong-hoc-tai-nhung-noi-dam-bao-an-toan-phong-dich-covid-19-a512752.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan