+Aa-
    Zalo

    TP.HCM tiếp tục kiến nghị vay 400 triệu USD để chống ngập

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước, TP HCM không ngừng phát triển toàn diện. Tuy nhiên, vấn đề thoát nước của TP này vẫn là một “bài toán” hóc búa.

    (ĐSPL) - Là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh không ngừng phát triển toàn diện. Tuy nhiên, vấn đề thoát nước của TP này vẫn là một “bài toán” hóc búa.

    Tin tức từ báo Kinh tế & Đô thị điện tử, hiện nay, TP Hồ Chí Minh vẫn sử dụng nguyên trạng hệ thống thoát nước được xây dựng thời Pháp đã gần một thế kỷ. Theo thiết kế, hệ thống thoát nước này đáp ứng cho TP có 2 triệu dân. Thế nhưng, hiện dân số của TP Hồ Chí Minh đã trên 10 triệu người.

    Ngoài ra, hệ thống thoát nước của TP chủ yếu thông qua hệ thống sông, kênh, rạch với 3.020 tuyến, tổng chiều dài là 5.075 km. Tuy nhiên, dù thời gian qua hệ thống kênh, rạch này đã được nạo vét nhưng vẫn chưa hiệu quả.

    Cùng với đó là hệ thống cống thoát nước vốn có tiết diện nhỏ (khoảng 600 – 800mm), qua thời gian dài sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa có điều kiện thay thế. Không những vậy, với ý thức của người dân còn hạn chế và quản lý còn lỏng lẻo nên nhiều nơi bị lấn chiếm, san lấp trái phép gây tắc nghẽn dòng chảy, hệ thống cống, miệng cửa xả, không xây dựng hồ điều tiết bù lại diện tích đã san lấp theo quy định, khiến các khu vực nước tự nhiên bị thu hẹp.

    Ngoài ra, một số tuyến đường chính được nâng cao theo quy hoạch (+2.0m) nhưng đa số nhà dân không có đủ điều kiện để nâng cao cốt nền nhà cho đồng bộ với việc nâng cấp đường, dẫn đến nền nhà luôn thấp hơn mặt đường.

    Công tác dự báo của TP hiện cũng chưa lường hết được các tác động phức tạp của biến đổi khí hậu. Cụ thể, nếu trước đây thông số đầu vào để lập quy hoạch là vũ lượng mưa tối đa trong 3 giờ nhưng do biến đổi khí hậu thì các trận mưa dù chỉ kéo dài 60 phút nhưng vũ lượng mưa đã cao hơn rất nhiều.

    Dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM bao gồm 7 dự án thành phần, nhằm thực hiện tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm.

    Để thực hiện các dự án chống ngập trọng yếu cấp bách trong giai đoạn 2016 – 2020, UBND TP Hồ Chí Minh dự trù tổng kinh phí vào khoảng 66.820 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng được 7.500 tỉ đồng.

    Do đó, sáng nay 22/10, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm việc với Ngân hàng Thế giới để xem xét cho dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM được vay nguồn vốn ưu đãi (IDA) từ Ngân hàng Thế giới, báo Thanh Niên đưa tin.

    Dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM bao gồm 7 dự án thành phần, nhằm thực hiện tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

    Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 437 triệu USD (tương đương 9.658 tỉ đồng), trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới - nguồn IBRD là 400 triệu USD và vốn đối ứng 37 triệu USD, chủ yếu dùng cho việc giải phóng mặt bằng và chi phí quản lý dự án.

    Đây là dự án phúc lợi xã hội, phục vụ dân sinh cho khu vực 14.900 ha đi qua 9 quận, huyện của thành phố với dân số được hưởng lợi ước tính 2 triệu người (năm 2020). Bản chất dự án này không có nguồn thu, chi phí xây dựng hoàn toàn do ngân sách chi trả.

    Do đó, nếu phải vay lại và chi trả hoàn toàn cho các khoản vay của dự án với phương thức vay IBRD (Bộ Tài chính đề nghị áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với nguồn vay 400 triệu USD từ WB là Ngân sách TP.HCM vay lại 100\% từ Ngân sách Trung ương) sẽ vượt quá khả năng cân đối vốn hàng năm của ngân sách thành phố.

    Theo UBND TP.HCM, tình hình cân đối ngân sách hiện nay của thành phố đang gặp khó khăn, do đó trình Thủ tướng cho phép thành phố được áp dụng cơ chế tài chính cấp phát đối với dự án (Trung ương vay Ngân hàng Thế giới và cấp phát lại 100\% cho thành phố để thực hiện dự án).

    Đề cập tới vấn đề ngân sách chống ngập, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết hiện nay hàng năm ngân sách TP.HCM đang phải thanh toán các khoản chi phí liên quan đến xây dựng cơ bản rất lớn, bao gồm cả việc phải thanh toán các khoản vay ODA cho các dự án đã và đang triển khai theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM được phê duyệt tại Quyết định số 752/QĐ-TTg năm 2001 và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM được phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg năm 2008 của Chính phủ.

    Chỉ tính trong 10 năm vừa qua, TP.HCM đã bỏ ra gần 24.300 tỉ đồng để thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch, xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước (trong đó ngân sách thành phố khoảng 9.000 tỉ đồng và vốn ODA khoảng 15.300 tỉ đồng) nhưng cũng chỉ đủ để thực hiện được một khối lượng công việc rất hạn chế.

    Đặc biệt trong 24.300 tỉ đồng có khoảng 18.700 tỉ đồng (tương đương 870 triệu USD) để thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch (trong đó ngân sách thành phố khoảng 3.400 tỉ đồng và vốn ODA khoảng 15.300 tỉ đồng) nhưng mới chỉ cải tạo được khoảng 1,2\% khối lượng công việc theo quy hoạch.

    Nguyên nhân chính là do nguồn lực thành phố có hạn, tình hình kinh tế khó khăn nên nguồn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng. Đến thời điểm cuối 2014, tổng dư nợ vay của thành phố là 25.115 tỉ đồng (bao gồm dư nợ trong nước là 14.669 tỉ đồng và dư nợ vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 10.446 tỉ đồng).

    Dự kiến trong 5 năm tới (2016 - 2020), bình quân mỗi năm thành phố phải bố trí khoảng 4.250 tỉ đồng/năm để chi trả nợ gốc và lãi đến hạn (tăng gần 49\% so với giai đoạn 2011 - 2014). Do đó, nguồn cân đối cho chi đầu tư phát triển ngày càng khó khăn hơn.

    Đức An(Tổng hợp)

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]PY3bxFAcOZ[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tphcm-tiep-tuc-kien-nghi-vay-400-trieu-usd-de-chong-ngap-a116061.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.