+Aa-
    Zalo

    Trách nhiệm tiết giảm ngân sách từ những gói thầu của công ty HBT Toàn Cầu

    • DSPL
    ĐS&PL Mặc dù công ty TNHH HBT Toàn Cầu trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn, nhưng tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước lại rất thấp, ở mức dưới 1%. Theo chuyên gia, số tiền tiết kiệm càng cao sẽ càng có lợi cho ngân sách.

    Nhiều gói thầu tiết kiệm dưới 1%

    Công ty TNHH HBT Toàn Cầu (sau đây viết tắt là công ty HBT Toàn Cầu) được thành lập năm 2011 với mã số thuế 0105608684, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp công trình dân dụng.

    Trụ sở công ty đặt tại số 61 ngõ 59 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Người đại diện là ông Nguyễn Hòa Bình – Giám đốc công ty.

    Theo dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, HBT Toàn Cầu đã tham gia 270 gói thầu, trong đó trúng 75 gói, trượt 145 gói, 37 gói chưa có kết quả, 13 gói đã bị hủy. 

    image11

    Dữ liệu về HBT Toàn Cầu trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc Gia.

    Công ty có quan hệ với 101 bên mời thầu tại nhiều tỉnh thành trên cả nước với tổng giá trị trúng thầu hơn 1.023 tỷ đồng. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán đạt 92,88%, tức tỷ lệ tiết kiệm trung bình là 7,12%.

    Khảo sát ngẫu nhiên 10 gói thầu mà HBT toàn cầu đã trúng từ năm 2021 trở về trước, tổng giá trị trúng thầu 323,5 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước chỉ hơn 600 triệu đồng, tỉ lệ tiết kiệm 0,21%.

    image3
    Khảo sát ngẫu nhiên 10 gói thầu mà HBT toàn cầu đã trúng từ năm 2021 trở về trước, tỷ lệ tiết kiệm trung bình chỉ 0,21%.

    Đáng chú ý, có những gói thầu giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng số tiền tiết kiệm chỉ “vỏn vẹn” vài triệu đồng. Ví dụ, vào năm 2021, HBT Toàn Cầu cùng các thành viên khác trong liên danh đã trúng 2 gói thầu xây dựng và cải tạo tại tỉnh Nghệ An do bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV tổng công ty Điện lực miền Bắc phê duyệt với tổng giá trị gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm cho ngân sách của 2 gói này lần lượt là 5,05 triệu đồng và 9,6 triệu đồng, tương đương tỷ lệ 0,02% và 0,04%.

    Hay như gói thầu xây lắp năm 2019 tại ban QLDA Phát triển Điện lực Hà Nội, HBT Toàn Cầu cùng công ty cổ phần Xây lắp Điện I đã trúng thầu với giá 30,1 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm 42,5 triệu đồng, tương ứng 0,14%.

    Tình trạng này cũng xảy ra tại một số đơn vị khác như: gói thầu xây lắp số 07 tại ban QLDA Phát triển Điện lực năm 2019 có giá trúng thầu 21,2 tỷ đồng, tiết kiệm 5,7 triệu đồng (tương ứng tỷ lệ 0,03%); gói thầu số 07 tại tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội năm 2021 có giá 31,6 tỷ đồng, tiết kiệm 109,6 triệu đồng (0,35%);…

    Theo các chuyên gia kinh tế, trong công tác đấu thầu, tỷ lệ tiết kiệm là một thước đo đánh giá hiệu quả kinh tế, chi tiêu ngân sách ở mỗi địa phương, đơn vị. Dù không có quy định mức tiết kiệm sau đấu thầu bao nhiêu là đúng và đủ, nhưng tỷ lệ này càng cao thì sẽ càng có lợi cho ngân sách Nhà nước.

    Doanh thu trăm tỷ, lợi nhuận vài triệu đồng

    Ở lĩnh vực tài chính, việc liên tiếp trúng các gói thầu lớn cùng hoạt động kinh doanh khác đã đem về cho doanh nghiệp này cả trăm tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

    image21

    Kết quả kinh doanh của HBT Toàn Cầu trong 4 năm 2018-2021.

    Tình trạng “doanh thu cao – lãi thấp” phần nào do công ty luôn kinh doanh với giá vốn suýt soát doanh thu. Theo báo cáo tài chính trong giai đoạn từ 2018 đến 2021, chỉ số doanh thu thuần và giá vốn hàng bán có sự tăng trưởng qua từng năm. Năm 2018, HBT Toàn Cầu ghi nhận doanh thu thuần 108,2 tỷ đồng, tăng lên mức 134,4 tỷ đồng (2019), 145 tỷ đồng (2020) và tiếp tục tăng lên 171,7 tỷ đồng (2021).

    Tuy doanh thu mỗi năm của HBT Toàn Cầu khá lớn nhưng lợi nhuận sau thuế lại chưa tương xứng. Cụ thể, năm 2018, công ty ghi nhận lãi ròng 69,8 triệu đồng – mức lợi nhuận cao nhất trong giai đoạn này. Sang năm 2019, lãi sau thuế của công ty chỉ 6,1 triệu đồng, tương đương 8,7% cùng kỳ.

    Năm 2020, lợi nhuận ròng “nhích” nhẹ lên 13,6 triệu đồng, trước khi giảm xuống mức 8,3 triệu đồng vào năm 2021. 

    Theo một số chuyên gia kinh tế, những doanh nghiệp có doanh thu cao nhưng lợi nhuận thấp như trên hầu hết do “gánh” nhiều chi phí tài chính, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Cũng nhiều khả năng họ đã chủ động trong việc quản lý các chi phí này nhằm giảm bớt gánh nặng thuế thu nhập.

    Thế chấp hợp đồng để huy động vốn 

    HBT Toàn Cầu cũng nhiều lần dùng những hợp đồng, quyền đòi nợ, hàng hóa, máy móc thiết bị… để làm tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng. Đơn cử, tháng 7/2021, công ty đã sử dụng quyền đòi nợ/khoản phải thu phát sinh từ Hợp đồng số 66/2021/HĐXL-PCNA-BDA, ký ngày 15/07/2021 giữa công ty Điện lực Nghệ An- Chi nhánh tổng công ty Điện lực Miền Bắc và HBT Toàn Cầu để làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng MB chi nhánh Đống Đa, theo hợp đồng số 1423354737.

    Cũng trong năm 2021, HBT Toàn Cầu đã sử dụng quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng số 104/2021/HĐXL-PCNA-BDA ngày 17/11/2021 giữa công ty Điện lực Nghệ An - Chi nhánh tổng công ty Điện lực miền Bắc và liên danh HBT Toàn Cầu - công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Bình Minh để làm tài sản thế chấp cũng tại ngân hàng MB chi nhánh Đống Đa, theo hợp đồng số 1433900746.

     

    Ngọc Bảo - Hoàng Giang

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trach-nhiem-tiet-giam-ngan-sach-tu-nhung-goi-thau-cua-cong-ty-hbt-toan-cau-a576296.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.