+Aa-
    Zalo

    Trại gà bủa vây, dân than trời vì đi ngủ phải đeo khẩu trang

    • DSPL
    ĐS&PL hàng ngày người dân phải sống trong cảnh đóng kín cửa, thậm chí đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang vì mùi hôi thối của hàng chục trang trại gia súc,

    Hàng trăm người dân ở xã nông thôn mới Cư Ê Bur hàng ngày phải sống trong cảnh đóng kín cửa, thậm chí đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang vì mùi hôi thối của hàng chục trang trại gia súc, gia cầm trong khu dân cư.

    Ngột ngạt, khó sống

    Có mặt tại xã Cư Ê Bur, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào thời điểm giữa cái nắng gay gắt khó chịu ngày đầu hạ, khi bắt đầu rẽ vào con đường liên thôn của thôn 3, xã Cư Ê Bur, mùi hôi thối từ trang trại gà tại đây đã xộc thẳng vào mũi khiến chúng tôi cảm thấy ngột ngạt, khó chịu.

    Chỉ cách con đường tránh phía Tây TP.Buôn Ma Thuột vài bước chân là một trang trại gà lớn, số lượng lên đến hàng ngàn con được xây dựng khá quy mô. Đáng nói, trang trại này nằm sát trường mầm non của xã, nơi theo học của hàng trăm trẻ em, nhưng chủ trại vẫn không có biện pháp xử lý chất thải dẫn đến mùi hôi thối bốc ra, gây ô nhiễm môi trường.

    Hàng chục trang trại heo, gà ở thôn 3, xã Cư Ê Bur.

    Theo phản ánh của người dân, vào những ngày nắng, mùi hôi thối từ phân, chất thải của trang trại bốc lên nồng nặc. Trẻ em và các thầy cô trong trường mầm non vừa dạy vừa học trong cảnh khổ sở vì mùi. “Không chỉ mùi hôi thối, mà ruồi muỗi xuất hiện nhiều vô kể do việc vệ sinh chuồng trại không đảm bảo”, một người dân tại đây cho hay.

    Tiếp tục đi dọc theo các trục đường I và đường K của thôn 3, PV báo ĐS&PL bắt gặp hàng chục trang trại heo, gà trong khu vực này. Những trang trại này có quy mô lớn, số lượng lên đến hàng ngàn con. Theo người dân, ban đầu các hộ dân chỉ chăn nuôi ở quy mô nhỏ, nhưng hiện nay hộ đã phát triển lên thành trang trại. Do số lượng tăng nhanh nên việc xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại không đảm bảo. Phân và chất thải của những trang trại này thải trực tiếp ra môi trường, nhưng chủ các trang trại không có biện pháp xử lý, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

    Bệnh tật... “hỏi thăm”

    Ông Phan Trọng Kiên (ngụ thôn 3, xã Cư Ê Bur, TP.Buôn Ma Thuột) cho biết: “Những ngày mưa thì đỡ, còn ngày nóng mùi hôi thối càng bốc lên nồng nặc. Ruồi muỗi xuất hiện rất nhiều khiến chúng tôi không thể nào chịu nổi. Từ lúc có những trang trại, chúng tôi chưa được một bữa cơm ngon miệng, vì cứ bưng chén cơm lên mùi hôi thối cứ bay vào mâm cơm. Đến nỗi buổi tối, chúng tôi cũng phải đeo khẩu trang để ngủ...”.

    Theo người dân địa phương, do thường xuyên sống trong mùi hôi thối, tình trạng ruồi muỗi nhiều, mang theo những mầm bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em. “Những tháng gần đây, cháu tôi mới có 3 tuổi liên tục phải đến bệnh viện để điều trị các bệnh về đường hô hấp. Các bác sĩ cho biết, những bệnh này đều do môi trường sống gây nên. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương sớm có phương án di dời các trang trại trên ra khỏi khu dân cư, trả lại không khí trong lành cho người dân”, một người dân bức xúc nói.

    Trao đổi với PV về vụ việc, bà H'Luanh Ê Ban, Phó chủ tịch UBND xã Cư Ê Bur cho biết, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở địa phương phát triển từ nhiều năm nay. Hiện toàn xã (chủ yếu tại thôn 2 và thôn 3) có 47 trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm gia súc nhưng chỉ có 8 trang trại ngoài khu dân cư. Chính quyền địa phương đã quy hoạch khu chăn nuôi, nhưng chưa đầu tư về cơ sở hạ tầng nên vẫn chưa có biện pháp để di dời các trang trại này. Trong khi đó, đối với nhiều hộ dân, việc chăn nuôi là nguồn thu nhập chính. “Chúng tôi sẽ lập tức cho người kiểm tra và sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm”, bà H'Luanh khẳng định.

    Trước đây, cũng vì trang trại chăn nuôi xả nước thải ra ngoài, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước sinh hoạt, nhiều người dân ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) phải dùng biện pháp đào đất đắp chặn cống thoát nước bên đường. Đã từ lâu, người dân phải sống chung với mùi hôi thối, ngày mưa thì nước thải phát sinh từ trang trại thải ra ngoài môi trường. Điều này càng làm cho những hộ dân sinh sống cận kề khu vực hàng ngày phải trực tiếp hứng chịu, khiến họ vô cùng bức xúc. Ngay sau đó, địa phương cũng đã thành lập tổ công tác đến để làm việc với chủ trang trại và báo cáo lên các phòng chuyên môn để khắc phục ô nhiễm môi trường.

    MAI CƯỜNG
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 87
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trai-ga-bua-vay-dan-than-troi-vi-di-ngu-phai-deo-khau-trang-a277902.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan