+Aa-
    Zalo

    Trạm y tế xã phát huy được vai trò quan trọng giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng

    • DSPL
    ĐS&PL Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định khi dịch bệnh xảy ra thì trạm y tế mới phát huy được hiệu quả bởi bác sĩ gia đình chỉ là một phòng khám rất nhỏ, không đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ.

    GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng bộ Y tế cho biết, cuộc chiến phòng chống dịch ở nước ta, chủ trương ngay từ đầu đã coi xã, phường là “pháo đài phòng chống dịch” tại cuộc họp trực tuyến bàn các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó có thiết lập mô hình triển khai trạm y tế lưu động với TP. HCM và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương. 

    Trước diễn biến dịch bệnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách, cách ly, song song với công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, yếu tố quan trọng là chăm sóc, điều trị F0 dựa vào cộng đồng. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế không bị đứt quãng.

    Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bộ Y tế phối hợp với TP. HCM và một số địa phương thiết lập mô hình triển khai trạm y tế lưu động tuyến xã, phường với phương châm “bám dân, gần dân và phục vụ người dân”.

    bo y te khang dinh tram y te xa phat huy duoc vai tro khi dich benh xay ra2
    Khám sức khỏe cho người dân tại Trạm y tế lưu động xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội).

    Trước đó, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Quyết định 4042/QĐ BYT ngày 21/8, ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19.

    Theo hướng dẫn, trạm y tế xã, phường, thị trấn lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.

    Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại cộng đồng; xét nghiệm COVID-19, bao gồm tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh, tổ chức lấy mẫu và gửi các phòng xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR, tổ chức cách ly F0 tại nhà hoặc nơi cách ly tập trung, hướng dẫn xét nghiệm bằng test nhanh.

    Trạm y tế lưu động tổ chức tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19, bao gồm quản lý danh sách người cần tiêm chủng trên địa bàn, thực hiện công tác tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm, sơ cấp cứu và chuyển tuyến các trường hợp có phản ứng muộn sau tiêm; tư vấn chuyển tuyến các trường hợp cần tiêm tại cơ sở y tế; Truyền thông về COVID-19; Khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác.

    Tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động. Một trạm y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các tổ dân phố của các phường khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính.

    Thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử bộ Y tế cho biết, tại phiên thảo luận ở tổ về Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nói về mô hình bác sĩ gia đình.

    bo y te khang dinh tram y te xa phat huy duoc vai tro khi dich benh xay ra1
    Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, mô hình bác sĩ gia đình ở các nước châu Âu rất chú trọng và phát triển. Lý giải cho sự phát triển mô hình này ở các nước thế giới, Bộ trưởng cho biết, các nước không có trạm y tế mà chỉ có bác sĩ gia đình. Trong khi đó, nước ta có hệ thống y tế từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, huyện và xã.

    Bộ trưởng cũng thông tin thêm, vừa qua đã thí điểm mô hình bác sĩ gia đình ở một số địa phương, trong đó có TP. HHCM nhưng khi dịch bệnh xảy ra thì trạm y tế mới phát huy được hiệu quả bởi bác sĩ gia đình chỉ là một phòng khám rất nhỏ, không đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ từ tiêm chủng, xét nghiệm…

    Bộ trưởng cho rằng, sau này chuyển đổi thành nguyên lý y học gia đình, tức coi trạm y tế là một bác sĩ gia đình chung cho cả khu vực người dân sinh sống. Từ đó làm sao để người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe, khi ốm đau được tiếp cận với các dịch vụ y tế.

    "Chúng tôi đang tiến tới tích cực đào tạo về nguyên lý y học gia đình cho y tế cơ sở để đảm bảo người dân được quản lý, chăm sóc về sức khỏe, ốm đau được y tế chăm sóc", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

    Bích Thảo (T/h) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tram-y-te-xa-phat-huy-duoc-vai-tro-quan-trong-giua-luc-dich-benh-cang-thang-a523182.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan