+Aa-
    Zalo

    Dân buôn hàng xách tay “lao đao” trước Nghị định mới

    • DSPL
    ĐS&PL Buôn bán hàng xách tay là một mảnh đất màu mỡ, đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sau khi Nghị định mới của Chính phủ chính thức có hiệu lực...

    Buôn bán hàng xách tay là một mảnh đất màu mỡ, đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sau khi Nghị định mới của Chính phủ chính thức có hiệu lực, đây liệu còn là lĩnh vực kinh doanh tiềm năng hay không?

    Trong thời điểm hiện tại, buôn hàng xách tay là hình thức kinh doanh khá phổ biến. Nếu như trước kia buôn bán hàng xách tay chỉ là công việc tay trái của các tiếp viên hàng không, phi công thì giờ đây các dân buôn cũng nhảy vào sân chơi này. Bởi việc bay ra nước ngoài mua hàng là điều vô cùng đơn giản.

    Chị L.G– một người chuyên cung cấp hàng xách tay của các nước cho biết: “Các chuyến bay sang nước ngoài như Nhật, Pháp, Úc,... trước khi dịch Covid-19 bùng phát khá dễ dàng. Dân buôn như chị chỉ cần biết một chút tiếng anh là có thể lấy hàng được”.

    Tuy nhiên, do dịch bùng phát nên chị không sang lấy hàng nữa mà nhờ người quen tại các nước lấy hàng và gửi chuyển phát về Việt Nam. Việc vận chuyển hiện nay diễn ra khá dễ dàng vì trên các website, diễn đàn có rất nhiều người cung cấp dịch vụ vấn chuyển theo hình thức xách tay. Phí xách tay sẽ dao động trong khoảng từ 150.000 – 1 triệu đồng tuỳ thuộc vào loại hàng và mức độ cồng kềnh. Song, vì vận chuyển theo đường này sẽ mất chi phí cao hơn, do vậy lợi nhuận sẽ không được cao” – chị G chia sẻ thêm.

    Hàng xách tay các nước đang bị kiểm soát chặt chẽ.

    Khó khăn chưa qua đi, dân buôn lại tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới khi Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Chính phủ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/10/2020.

    Cụ thể, điều 15 nghị định này quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt tiền tương ứng với giá trị hàng hóa nhập lậu.

    Đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.

    Mức phạt tiền gấp đôi nếu hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Tương tự là hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; thuốc phòng bệnh và nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản...

    Đáng chú ý, mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).

    Kể từ khi nghe tin Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/10/2020, chị G. nói riêng và dân buôn hàng xách tay nói chung đều cảm thấy vô cùng hoang mang, lo lắng. Bởi theo như chị G. chia sẻ, mỗi chuyến hàng có giá trị lên tới hàng tỷ đồng, trong khi tiền lãi chỉ khoảng 100 triệu đồng. Nếu áp mức phạt như vậy thì coi như chuyến đó đi làm không công.

    Bên cạnh đó chị G còn tâm sự: “Nếu thời gian tới, lĩnh vực kinh doanh này căng thẳng quá, chị buộc phải chuyển đổi sang một hình thức kinh doanh mới hoặc tạm thời đóng cửa cho đến khi tìm được phương án khắc phục tốt hơn”.

    Hàng lậu núp bóng hàng xách tay có thể bị phạt lên đến 200 triệu đồng.

    Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Hằng – luật sự tại công ty luật TNHH Huyền My cho biết: “Xử phạt hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu đã có từ lâu và Nghị định 98/2020/NĐ-CP chỉ là nghị định thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Theo đó, những quy định về xử phạt đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu đã có từ trước, không phải là quy định mới hoàn toàn. Tuy nhiên, mức phạt đối với những hành vi này trong Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã được nâng lên theo hướng tăng nặng. Cụ thể, mức phạt thấp nhất trong Nghị định 185/2013/NĐ-CP là 200.000 đồng được tăng lên thành 500.000 đồng trong Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Cũng theo Nghị định mới, mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Cùng với đó, hàng hóa trong trường hợp xác định là vi phạm được coi là tang vật cũng sẽ bị tịch thu”.

    Trong khi đó, khi được hỏi về việc sắp tới hàng xách tay sẽ bị xử phạt nặng và bị xem là hàng lậu nếu không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, một người chuyên bán mỹ phẩm xách tay không tỏ ra quá lo lắng mà còn cho rằng trước giờ ai kinh doanh hàng xách tay đều nghiễm nhiên là trốn thuế. Vì thế, khi cơ quan chức năng kiểm tra mà không có hóa đơn, chứng từ chắc chắn người buôn sẽ bị xử lý theo quy định.

    Tuy nhiên, theo anh L.Q.V – một người chuyên bán hàng điện tử xách tay cho biết: “Nếu tình hình buôn bán sắp tới gặp nhiều khó khăn, có lẽ thời gian tới, anh sẽ đăng ký hộ kinh doanh sửa chữa máy móc, thiết bị hoặc các hoạt động tư vấn để có thể bán được hàng mà không bị áp thuế quá cao. Song, giá cả của sản phẩm sẽ phải điều chỉnh lại để đảm bảo nguồn thu”.

    Trần Yến

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-buon-hang-xach-tay-lao-dao-truoc-nghi-dinh-moi-a341547.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan