Trang phục trong phim cổ trang: Có sai thì mới có sửa


Thứ 3, 21/06/2016 | 07:16


(ĐSPL) - Dường như, vấn đề trang phục cho diễn viên, nhất là những bộ phim cổ trang Việt, vẫn còn nhiều điều cần phải bàn.

(ĐSPL) - Mới đây, bộ phim "Tấm Cám chuyện chưa kể" tung ra trailer (đoạn phim quảng cáo) và ngay lập tức xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh trang phục của các diễn viên. Dường như, vấn đề trang phục cho diễn viên, nhất là những bộ phim cổ trang Việt, vẫn còn nhiều điều cần phải bàn.

Ngô Thanh Vân vào vai dì ghẻ trong "Tấm Cám chuyện chưa kể".

Theo chia sẻ của Ngô Thanh Vân, bộ phim Tấm Cám chuyện chưa kể của cô được đầu tư số tiền khá khủng, lên đến 20 tỉ đồng. Trong đó, phần trang phục chiếm 1/10 chi phí đầu tư. Ngoài ra, đoàn làm phim cho biết họ mất hơn 3 tháng để nghiên cứu trang phục của các triều đại xưa qua tài liệu lịch sử cộng thêm cố vấn của các chuyên gia. Vẽ hơn 100 phác thảo thiết kế và chọn vải phù hợp cho tất cả các nhân vật từ vai chính cho đến quân lính, quần chúng.

Rõ ràng, với phần trang phục được đầu tư như thế, người xem háo hức chờ đợi để được ngắm nhìn trang phục của các diễn viên trong phim như thế nào. Tuy nhiên, khi trailer đầu tiên được ra mắt, nhiều ý kiến nhận định trang phục bộ phim không phù hợp.

Các ý kiến cho rằng, trang phục của phim không đúng với thời đại... Phim lấy bối cảnh tại Việt Nam cổ xưa, nhưng phong cách thiết kế lại quá hiện đại, cách tân. Các chi tiết nhỏ như lớp áo khoác của Cám mặc khá mỏng manh, gây “nhức mắt” người nhìn. Có lẽ, bộ trang phục của Cám chỉ để mặc trên phim thôi, còn các cô gái truyền thống ngày xưa không ai dám khoác lên mình chiếc áo mỏng đến thế để đi khắp nơi.

Bên cạnh đó, chiếc mấn đội đầu nhiều chi tiết trang trí hơn mấn thực tế, khiến người xem có cảm giác bộ phim thiếu tính chân thực. “Nhìn lại các bộ phim đã chiếu, những chiếc mấn của các nhân vật không quá cầu kỳ, không quá phô trương. Còn với sự cách tân quá đà, khiến cho chiếc mấn của các diễn viên trong phim Tấm Cám chuyện chưa kể như một chiếc vương miện đội đầu một cách nặng nhọc”, một số ý kiến của cư dân mạng bày tỏ.

Bên cạnh đó, có bình luận cho rằng, trang phục của các diễn viên trong phim quá nhiều màu sắc. Điều này là chưa đúng với thực tế. Bởi khi nhắc đến các phim lịch sử lấy bối cảnh xa xưa, màu sắc trang phục của người dân vốn đơn giản với màu nâu, hay đen truyền thống... Trong khi, phục trang trong phim của Ngô Thanh Vân lại lộng lẫy quá...

Có thể nói, việc làm phim cổ trang tại nước ta vốn không nhiều. Các bộ phim dù được đầu tư kinh phí “khủng”, song khi trang phục được ra mắt khán giả vẫn vấp phải một số hạt sạn đáng tiếc. Có thể kể đến bộ phim Mỹ nhân kế, gây phản cảm khi lấy bối cảnh là triều đại lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XVII, nhưng nhân vật Châu Thế Tâm lại mặc chiếc áo in hình Lion King (Vua sư tử) của hãng hoạt hình nổi tiếng Walt Disney.

Trong khi đó, bộ phim Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, lại khiến người xem hoang mang vì phục trang của các diễn viên trong phim lại quá lạ, không rõ ở triều đại nào của lịch sử Việt Nam. Theo đạo diễn Cao Nguyên, phim cổ trang Việt Nam là sự lựa chọn của rất ít nhà sản xuất, trong đó, vấn đề trang phục của phim luôn là sự trăn trở.

Chia sẻ về điều này anh thổ lộ: "Hiện nay, hiếm có bộ phim lịch sử nào mà phục trang đúng 100\% so với thực tế. Trong khi đó, các bộ phim lại phải hướng đến thẩm mỹ, cái đẹp để thu hút khán giả đến xem. Nếu nhìn vào phim mà trang phục của diễn viên quá tệ, không bắt mắt, người xem cũng không thỏa mãn. Vì thế, nhu cầu đẹp, phù hợp và cách tân không quá phản cảm được các nhà sản xuất phim hướng đến. Chính vì thế, khó có bộ phim nào đúng với thực tế, mà hầu như đều thêm thắt, cách tân".

Chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Lê Thanh Phú nhận xét: "Một số bộ phim cổ trang Việt như vừa qua có trang phục quá cẩu thả, sáng tạo quá đà không thể hiểu nổi". Dẫu vậy, đạo diễn Lê Thanh Phú cũng nhấn mạnh, việc phục trang của phim còn nhiều vấn đề phải bàn, tuy nhiên, cũng cần được quan tâm hơn.
"Có thể, phim cổ trang Việt còn mắc phải một vài thiếu sót, hoặc chưa phù hợp, nhưng chúng ta cần động viên để các nhà sản xuất bắt tay vào làm. Có sai thì mới có sửa. Bởi, nếu không ai làm dòng phim này thì còn tệ hơn", đạo diễn Lê Thanh Phú nói.

“100\% dự án phim cổ trang có thể sẽ chết ngay sau khi công chiếu”

Theo đạo diễn Lê Thanh Phú, hiện nay, các phim lịch sử, cổ trang hiếm được các nhà sản xuất quan tâm. Bởi lẽ, đây là dòng phim khá mạo hiểm với nhà sản xuất. Vị đạo diễn này bày tỏ: "100\% dự án phim cổ trang có thể sẽ chết ngay sau khi công chiếu. Các hãng phim tư nhân khá e dè trong đề tài này”.

HỢP PHỐ

Mời độc giả xem thêm video Giải trí:

[mecloud]KP3GlgF9OE[/mecloud]


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trang-phuc-trong-phim-co-trang-co-sai-thi-moi-co-sua-a136161.html