Tranh cãi gay gắt việc đặt tên không quá 25 chữ cái


Thứ 5, 16/07/2015 | 11:41


(ĐSPL) – Có hai luồng ý kiến trái chiều về việc đặt tên không quá 25 chữ cái theo quy định của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

(ĐSPL) – Có hai luồng ý kiến trái chiều về việc đặt tên không quá 25 chữ cái theo quy định của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Tại phiên họp, đa số ý kiến tập trung vào quy định đặt họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái theo Điều 26 trong dự thảo.

Ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng bộ, người phát ngôn Bộ Tư pháp chủ trì buổi họp báo Công tác Tư pháp quý II năm 2015

Liên quan tới vấn đề này, tại buổi họp báo Công tác Tư pháp quý II năm 2015, đại diện Vụ Pháp luật dân sự Kinh tế cho biết:
“Trong bộ luật dân sự (sửa đổi) có một quy định liên quan tới vấn đề đặt tên, đó là việc đặt tên không quá dài (không quá 25 ký tự). Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân có nhiều ý kiến về vấn đề này, tuy nhiên, tựu trung lại có hai luồng ý kiến:
Ý kiến thứ nhất là ủng hộ quan điểm của cơ quan soạn thảo và của Chính phủ đã trình Quốc hội. Đó là việc đặt tên là quyền của người dân, nhưng để đảm bảo trật tự, phù hợp với truyền thống, văn hóa dân tộc… thì không nên đặt tên quá dài (không quá 25 ký tự).
Luống ý kiến thứ hai thì cho rằng đó là quyền của người dân, đặt tên dài bao nhiêu cũng không nên can thiệp.
Chúng tôi đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của nhân dân về vấn đề này và trình Quốc hội tại kỳ họp vừa qua. Quốc hội đã chỉ đạo Ủy Ban Pháp luật Quốc hội, Ủy Ban thường vụ Quốc hội trực tiếp chỉ đạo để tiếp thu chỉnh lý toàn bộ ý kiến đóng góp của nhân dân và các đại biểu Quốc hội.
Đến giai đoạn chỉnh lý này thì Quốc hội, các cơ quan Quốc hội trực tiếp chỉnh lý Bộ luật Dân sự. Bộ Tư Pháp đã cử các chuyên gia đầu ngành để tham gia vào công tác chỉnh lý.
Việc có bỏ quy định không khống chế độ dài của tên người hay tiếp tục giữ quy định này sẽ được thông tin khi có kết quả cuối cùng.” - đại diện Vụ Pháp luật dân sự Kinh tế cho biết.
Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết: “Theo quy trình, khi có quan điểm về việc đặt tên không quá dài, Bộ Tư pháp đã trình lên Quốc hội, còn việc tiếp thu ý kiến của người dân và chỉnh lý thế nào thì đợi Quốc hội cho ý kiến”.
XUÂN TÙNG

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-cai-gay-gat-viec-dat-ten-khong-qua-25-chu-cai-a102335.html