+Aa-
    Zalo

    Tranh cãi gay gắt việc thu phí tác quyền âm nhạc trên tivi

    • DSPL
    ĐS&PL Từ tháng 10/2017, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thu tác quyền trên ti vi ở các khách sạn.

    Từ tháng 10/2017, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thu tác quyền trên ti vi ở các khách sạn.

    Báo Tri thức trực tuyến dẫn lời nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC), sau một thời gian tạm dừng thu, VCPMC tiếp tục triển khai thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được truyền dẫn qua tivi tại phòng lưu trú khách sạn, và các lĩnh vực kinh doanh có sử dụng âm nhạc với mức phí 25.000 đồng/tivi/năm.

    Trước thông tin VCPMC sẽ tiếp tục triển khai phí tác quyền âm nhạc trên tivi, nhiều chủ khách sạn đã phản ứng gay gắt - Ảnh: báo Infonet

    Theo báo Tiền phong, trước thắc mắc về mức thu 25 nghìn đồng/tivi/năm dựa trên căn cứ nào, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Bản quyền tác giả nhấn mạnh, đây là thoả thuận dân sự, chỉ khi hai bên khúc mắc, cần tới cơ quan quản lý nhà nước Cục mới vào cuộc.

    Ông Hùng cho biết, thực tế một số nước thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi ở khách sạn theo nhiều hình thức:

    - Hàn Quốc thu 20.000 won/tháng đối với cơ sở dưới 50 phòng; trên 500 phòng là 350 nghìn won/tháng.

    - Nhật Bản tính theo doanh thu tương đương 1% doanh thu hoặc 100 yên/tháng/tivi.

    - Tây Ban Nha áp dụng theo hạng sao, Anh thu trọn gói.

    Báo Infonet cho biết thêm, trước thông tin VCPMC sẽ tiếp tục triển khai phí tác quyền âm nhạc trên tivi, nhiều chủ khách sạn đã phản ứng gay gắt.

    Ông Trần Văn P, quản lý khách sạn trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM cho rằng, VCPMC thu khoản phí tác quyền âm nhạc trên tivi trong khách sạn là không hợp lý, bởi lẽ các khách sạn hằng tháng đã phải tốn một khoản phí cho truyền hình.

    Chủ khách sạn khác tại quận Bình Thạnh cũng cho rằng, việc thu phí này là vô lý và không công bằng. Theo vị này, ai sẽ kiểm tra tivi nào mở hay không mở ca nhạc. Chưa kể, VCPMC thu được thì sau này sẽ có những trung tâm tác quyền về chương trình khác ca nhạc cũng thu được, vậy khách sạn nào chi trả nổi.

    Luật sư Nguyễn Thị Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, VCPMC căn cứ theo khoản 3 điều 20 và điều 33 Luật sở hữu trí tuệ, điều 35 nghị định 100/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật dân sự và Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan để tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc trên ti vi đặt tại phòng ngủ các khách sạn song chưa rõ ràng.

    Chủ khách sạn chỉ bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí bản quyền âm nhạc cho VCPMC trong trường hợp họ mua các chương trình phát sóng âm nhạc, hay mua các băng ghi hình chương trình âm nhạc để phát trên tivi trong khách sạn của họ.

    Mặt khác, mức phí đưa ra là 25.000đ/tivi/năm chỉ là do phía VCPMC áp đặt mà không được tính toán trên cơ sở thỏa thuận hay có công thức tính cụ thể. Đây là vấn đề dân sự liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nên cần sự thỏa thuận giữa các bên chứ không phải là sự áp đặt từ một phía.

    Luật sư Nguyễn Thị Thiên Thanh cho rằng việc thu phí này sẽ vấp phải sự phản ứng của các đơn vị kinh doanh khách sạn cũng như khó triển khai trên thực tế (Theo Infonet).

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-cai-gay-gat-viec-thu-phi-tac-quyen-am-nhac-tren-tivi-a201745.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan