+Aa-
    Zalo

    Tranh “Chân dung Madam Phương” giá 72 tỷ: “Sao lại kêu đắt?”

    • DSPL
    ĐS&PL Mới đây, bức tranh Chân dung Madam Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ được định giá 3,1 triệu USD khiến giới nghệ thuật Việt Nam xôn xao...

    Mới đây, bức tranh Chân dung Madam Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ được định giá 3,1 triệu USD khiến giới nghệ thuật Việt Nam xôn xao...

    Tác phẩm Chân dung Madam Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ.

    Mới đây, Portrait de Mademoiselle Phuong - Chân dung Madam Phương, một họa phẩm của họa sĩ Việt Nam đã được rao bán đấu giá tại Hồng Kông bởi nhà đấu giá Sotheby.

    Mức giá sau cùng được trả cho tác phẩm là 24.375.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 72,5 tỷ đồng). Đây hiện được xem là mức giá cao kỷ lục trả cho một tác phẩm được thực hiện bởi một họa sĩ người Việt.

    Bức tranh Chân dung Madam Phương là tác phẩm sơn dầu trên vải, kích thước 135,5 x 80cm, góc dưới bên phải có chữ ký tác giả và ghi năm 1930. Bức tranh được mang ra đấu giá từ bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil.

    Bức tranh được bán khởi điểm với giá 500 nghìn USD, sau đó nâng dần lên 1,9 triệu USD, 2 triệu USD, 2,1 triệu USD, 2,5 triệu USD và dừng ở mức 2,573 triệu USD. Sau khi tính thuế phí, bức tranh đạt 3,1 triệu USD, trở thành bức tranh Việt có mức giá ước chừng cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, kỷ lục này thuộc về tác phẩm Khỏa thân của họa sĩ Lê Phổ (1,4 triệu USD).

    Chân dung Madam Phương là tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980), một trong bốn danh hoạ Việt Nam xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương và thành danh ở Pháp. Tên tuổi ông trong hội họa gắn liền với những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc văn hóa Á Đông những năm đầu thế kỷ 20.

    Chân dung Madam Phương cũng từng xuất hiện trong một số phân cảnh của bộ phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng, phim từng được đề cử tại giải Oscar. Bức tranh được Sotheby's miêu tả "là một tác phẩm hoành tráng, nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Bức tranh lôi cuốn này còn thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc của Mai Thứ đối với người mẫu, một quý cô được đồn đại là người yêu của nghệ sĩ".

    Họa sĩ Đặng Phương Việt.

    Bức tranh này được trưng bày lần đầu tại trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930. Sau đó, tác phẩm được tuyển chọn để tham dự triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris. Sau này, Chân dung Madam Phương lọt “mắt xanh” của các nhà sưu tầm và nằm trong bộ sưu tập tranh của người phụ nữ gốc Việt có tên Dothi Dumonteil.

    Chia sẻ với PV Đời sống và Pháp luật về mức giá "khủng" của bức tranh, họa sĩ Đặng Phương Việt, cho hay: "Bức tranh Chân dung Madam Phương rất đẹp, nó khẳng định lại giá trị thật của nghệ thuật Việt Nam. Bức tranh không đắt, đừng nhìn giá rồi kêu sao đắt thế? Mặt bằng tranh của họa sĩ Việt Nam nếu không bị ăn cắp và sao chép, thì giá nó sẽ lên cao hơn rất nhiều.

    Tôi cho rằng, giá của bức tranh không phải là việc "lừa giá" như người ta vẫn tưởng, mà đấy là giá thật của sáng tạo, là bức tranh được đánh giá đúng. Khi Việt Nam có những cuộc ăn chơi đến cả triệu đô từ lâu rồi, thì cái này có là gì đâu? Ngoài đời sống, chúng ta vẫn thấy người này mua xe sang đến tỷ đô, mua một chiếc đồng hồ kia bằng tiền cả một căn hộ hạng sang mà có ai bảo đắt đâu? Vì vậy đừng vì lạ lẫm giá cả mà kêu đắt, các hoạ sĩ đau lòng lắm".

    Cũng theo nhận định của hoạ sĩ Phương Việt: "Bức tranh này nổi tiếng lâu rồi, đáng lẽ ra nó phải 10 triệu USD mới đúng tầm. Tuy nhiên, với giá gần 72 tỷ đồng Việt Nam một bức tranh, thì nó cũng đạt đến mức giả kỷ lục của nền mỹ thuật Việt Nam. Tranh mỹ thuật ở khu vực và trên thế giới cũng có giá rất cao. Tuy nhiên, không phải nhà sưu tập nào cũng "chịu chơi" để mang về. Các nhà sưu tập khi mua tranh cũng phải định giá xem, tương lai bức tranh như nào, có lên nữa không? Điều này cũng là một cái duyên và may mắn. Tuy nhiên, nhìn vào tranh Chân dung Madam Phương tôi kỳ vọng vào chất lượng tranh và sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam".

    Hoạ sĩ Trung Hà (đại học Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: "Đúng là mức giá đấu giá tranh Chân dung Madam Phương khiến cho nhiều hoạ sĩ đương đại Việt Nam ao ước. Ông cha ta giỏi quá, sáng tạo quá. Nhìn qua bức tranh đã thấy "rất Việt Nam" rồi và các nhà sưu tập rất trân trọng văn hoá Việt nên mới có mức giá cao thế. Nhưng, so với thế giới, thì mức giá này cũng không mức "ngất ngưởng", vì những bức tranh của Picasso, Matisse... cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, đây là tín hiệu vui để giá trị của mỹ thuật được đặt vào đúng vị trí của nó. Các hoạ sĩ lại có động lực để miệt mài sáng tác".

    Mai Trung Thứ (1906-1980) là họa sĩ nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông được xếp vào nhóm bộ tứ danh họa Việt trên đất Pháp (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Lựu). Tên tuổi của ông gắn liền những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc văn hóa Á Đông.

    Lạc Thành

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống& Pháp luật số thứ Tư (68)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-chan-dung-madam-phuong-gia-72-ty-sao-lai-keu-dat-a364210.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan