Tranh chấp đất đai, anh em "đòi mạng" lẫn nhau


Thứ 2, 12/05/2014 | 12:30


(ĐSPL) - Đứng trước vành móng ngựa trong phiên xử vừa qua tại Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hà Nội, bị cáo Nguyễn Công Bính (SN 1972, trú tại xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) luôn giữ ánh mắt dữ dằn nhìn mọi người.

(ĐSPL) - Đứng trước vành móng ngựa trong phiên xử vừa qua tại Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hà Nội, bị cáo Nguyễn Công Bính (SN 1972, trú tại xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) luôn giữ ánh mắt dữ dằn nhìn mọi người.

Tại tòa Nguyễn Công Bính không ngừng than rằng, mình không chủ ý giết chết anh trai là ông Nguyễn Công Minh (SN 1964, trú tại xã Bắc Sơn, huyện Trưng Ban, tỉnh Đồng Tháp).

“Cũng chỉ vì anh tôi mang theo dao quắm lại xông vào chém tôi chảy máu đầu nên tôi mới ức chế" - Bính quả quyết. Nhưng vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Hà Nội nói, hiện trường vụ án - nơi ban đầu ông Minh lao vào phía bị cáo không có vết máu nên lời Bính không có cơ sở. Nghe vậy, Bính nổi cáu và cố cãi rằng, mình chỉ phòng vệ.

Khi Tòa hỏi: "Tại sao bị cáo lại để dao tông ở phòng ngủ, phải chăng là chuẩn bị hung khí từ trước?", Bính lý giải, trước đó ít ngày, nhà có đám cưới nên đồ đạc để lộn xộn. Lời của Bính khiến vị hội thẩm nhân dân không kiềm chế được sự bất bình.

Vị này cho hay, Bính mất hết tính người khi kéo xác anh trai ra ngoài đường mà không hô hoán hay gọi điện cho 115 để đưa ông Minh đi cấp cứu. "Bị cáo lo sợ nên không tỉnh táo" - Bính nói. Hại chết anh trai, Bính xin tòa giảm án để sớm trở về và chăm lo cho những đứa cháu.

Nhưng sự ăn năn của Bính không làm nguôi ngoai nỗi đau của vợ, các con ông Minh. Chị Nguyễn Thị Hồng, con gái ông Minh, được gia đình ủy quyền làm người đại diện hợp pháp cho bị hại, khước từ thịnh tình của Bính và cả khoản tiền (30 triệu đồng) mà vợ Bính xin gửi trước.

Con gái nạn nhân nghẹn ngào khi trình bày trước tòa. Cháu còn "tố" chú có âm mưu sát hại ông Minh từ trước. Như lời chị Hồng, khi ở Đồng Nai, ông Minh có gọi điện đòi đất và Bính đã đe dọa giết chết.

Tình huống pháp luật - Tranh chấp đất đai, anh em 'đòi mạng' lẫn nhau
Hình minh họa. 

Giãi bày trước tòa, chị cả của Bính tỏ ra muộn phiền. Người phụ nữ này cho hay, bà đã thay mặt các anh chị em lo hậu sự cho ông Minh. Chuyện ra nông nỗi này, bà chỉ mong tòa giảm án cho Bính.

Chị Nguyễn Thị Hoài, vợ Bính, cũng mong tòa cân nhắc vì chị đã tích cực khắc phục hậu quả nhưng không được vợ, con ông Minh chấp nhận. "Tôi vào Đồng Nai xin chị, các cháu tha thứ và gửi trước một ít tiền nhưng bị khước từ" - chị Hoài nói.

Tiếp lời mẹ, cô con gái 16 tuổi (không phải là người tham gia tố tụng) của Bính xin giãi bày trước Hội đồng xét xử. Tòa chiếu cố nên để cháu bé phát biểu: "Bố cháu có tội sẽ phải trả giá, chỉ khổ cho hai chị em cháu và các con bác Minh. Cháu thương bác Minh phần vì bị bố cháu sát hại nhưng trước đó, bác cũng rất khổ tâm vì các con hắt hủi; thậm chí cầm điếu cày đánh, đuổi bác ra khỏi nhà". Trước những lời này, chị em chị Hồng tỏ ra bất bình; cho rằng, mình bị đổ tiếng oan...

Tại tòa, chị Hồng liệt kê các khoản và yêu cầu bị cáo bồi thường hơn 600 triệu đồng. "Bố tôi ngoài tiền trợ cấp thương binh 760 nghìn đồng/tháng, ông còn chạy xe ôm, làm rẫy để nuôi cả gia đình" - chị Hồng dẫn chứng. Trong khi yêu cầu món tiền cụ thể nhưng khi vợ Bính xin gửi trước 30 triệu đồng thì chị Hồng từ chối nhận.

Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt Bính 20 năm tù về tội "Giết người" theo Điểm n Khoản 1 Điều 93 Bộ Luật Hình sự. 

Luật xưa:

Nghiêm cấm anh em kiện cáo nhau:

Điều 115, Bộ luật Hồng Đức, là bộ luật đầu tiên của Việt Nam quy định: "Anh em không được kiện cáo lẫn nhau" (gồm những tội nặng nhất), tội Đồ hoặc Lưu. Nếu đánh bị thương thì bị tội Giảo (thắt cổ). Không được kiện cáo ông bà, cha mẹ, anh em ngay cả khi bề trên có lỗi, nếu vi phạm sẽ bị tội Đồ hoặc Lưu...

Đồ có 3 bậc là: Dịch đinh kèm 80 trượng cho nam và dịch phụ kèm 50 roi cho nữ.

Dịch đinh/dịch phụ có nhiều hạng gồm: Thuộc đinh tức phục dịch ở các viện (dành cho quan chức có tội); Quân đinh để phục dịch ở các sảnh; Khao đinh phục dịch ở trong trại lính; Xã đinh phục dịch ở các xã (dành cho thường dân nam có tội); Thứ phụ phục dịch công việc ở làng (dành cho thường dân nữ có tội); Viên phụ để làm các công việc trong vườn (dành cho vợ các quan chức); Tang thất phụ để phục dịch ở các nơi nuôi tằm, nếu phạm tội nặng; Tượng phường binh (quét dọn chuồng voi kèm 80 trượng và thích 2 chữ vào mặt) cho nam và xuy thất tỳ (nấu cơm nuôi quân kèm 50 roi và thích 2 chữ vào cổ) cho nữ.

Chủng điền binh (lính lao động ở đồn điền của Nhà nước kèm 80 trượng và thích vào cổ 4 chữ, phải đeo xiềng) cho nam và thung thất tỳ (xay thóc giã gạo trong các kho thóc thuế của Nhà nước kèm 50 roi và thích vào cổ 4 chữ) cho nữ.

Nếu áp dụng pháp luật thời xưa thì hành vi của người em xuống tay hạ sát anh sẽ bị xử chém ngay. 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-chap-dat-dai-anh-em-doi-mang-lan-nhau-a29415.html