+Aa-
    Zalo

    Tranh chấp vị trí đặt đồng hồ nước, em dâu bị thương kiện anh đi tù

    • DSPL
    ĐS&PL Mâu thuẫn trong việc đặt vị trí đồng hồ nước, một cuộc xô xát xảy ra giữa anh chồng, em dâu. Hậu quả người thương tích, người vướng vòng lao lý.

    Mâu thuẫn trong việc đặt vị trí đồng hồ nước, một cuộc xô xát xảy ra giữa anh chồng, em dâu. Hậu quả người thương tích, người vướng vòng lao lý.

    Bị cáo Phạm Văn Sơn tại phiên tòa phúc thẩm.

    Em dâu kiện anh đi tù

    Theo tiến trình tố tụng, ngày 17/11, vụ án anh chồng gây thương tích cho em dâu được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.

    Phiên tòa được mở do có kháng cáo của người em dâu tên Nguyễn Thị L. (SN 1971, ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) đề nghị tòa phúc thẩm tuyên bị cáo Phạm Văn Sơn (SN 1961, cùng thôn với bị hại) hình phạt tù thay cho án treo như tòa sơ thẩm tuyên phạt.

    Trước đó, TAND huyện Mê Linh (Hà Nội) tuyên phạt Phạm Văn Sơn 30 tháng tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo về tội Cố ý gây thương tích.

    Quá trình mở tòa mới hay, nguồn cơn dẫn tới vụ án “nồi da nấu thịt” xuất phát từ việc Sơn và em dâu mâu thuẫn trong việc đặt đồng hồ nước.

    Cụ thể, chiều ngày 25/6/2019, anh Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên công ty nước sạch Bắc Thăng Long đến nhà Phạm Văn Sơn ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội để xem xét và giải quyết kiến nghị của chị Nguyễn Thị L. ở gần nhà Sơn (em dâu Sơn) về việc công ty nước sạch đã đặt vị trí đồng hồ nước của gia đình Sơn sang phần đất của nhà mình.

    Khi đến khu vực cổng nhà Sơn, nhân viên công ty nước sạch có nhờ người gọi chị L. ra để chỉ mốc giới giữa hai gia đình. Trong lúc trao đổi với anh Tuấn, chị L. yêu cầu công ty nước sạch phải tháo, chuyển vị trí đồng hồ nước của nhà Sơn sang vị trí khác.

    Lúc này, Sơn đang nằm trong nhà nghe thấy tiếng chị L. nói to ngoài cổng, Sơn đi ra xem thì thấy người em dâu đang nhổ, bẻ gãy cây đu đủ của nhà mình nên tức tối chạy ra đấm một cú trời giáng vào mặt em dâu, làm người này ngã ngửa về phía sau, đầu đập xuống đường.

    Thấy vậy, chồng chị L. từ trong nhà lao ra can ngăn, không cho Sơn tiếp tục cầm gạch định đánh vợ mình.

    Chị L. được người thân đưa đi cấp cứu, điều trị đến ngày 02/7/2019 thì ra viện. Tỉ lệ tổn hại sức khỏe của chị L. là 43%. Trong thời gian nằm viện, chị L. đã có đơn gửi đến cơ quan CSĐT – Công an huyện Mê Linh yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Sơn về tội Cố ý gây thương tích.

    Không chấp nhận kháng cáo của bị hại

    Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, Phạm Văn Sơn đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu ở trên. Bị cáo thừa nhận thương tích của chị L. là do mình gây ra, nhưng do bị cáo quá bức xúc vì bị em dâu chửi là tham lam. “Hơn nữa, lúc bị cáo nhìn thấy chị L. đang nhổ cây đu đủ nhà bị cáo, bị cáo chạy đến gần gạt tay chị L. ra, chị L. giơ tay lên định tát bị cáo nên bị cáo gạt tay ra và dùng tay phải đẩy mạnh thẳng về phía chị L., làm chị L. bị ngã xuống đường”, bị cáo Sơn khai nhận.

    Để đối chất với lời khai của bị cáo, tại các biên bản lấy lời khai và tại tòa, người làm chứng, anh Nguyễn Văn Tuấn - nhân viên công ty nước sạch Bắc Thăng Long khẳng định Sơn là người dùng tay đấm vào mặt chị L., khiến chị L, chảy máu miệng và ngã vật xuống đường... Sau đó, Sơn vào cổng cầm 2 viên gạch định đánh chị L..

    Như vậy, xét lời khai của bị cáo thành khẩn và thừa nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản án sơ thẩm quy kết. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người làm chứng, phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, nên tòa phúc thẩm có đủ cơ sở xác định:

    Xuất phát từ việc mâu thuẫn tranh chấp mốc giới giữa Phạm Văn Sơn và chị Nguyễn Thị L., nên khoảng 16h30 ngày 25/6/2019, tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội, Phạm Văn Sơn đã có hành vi dùng tay đấm vào mặt chị L., làm chị L. ngã đập đầu xuống đường bê tông gây thương tích với tỉ lệ tổn thương cơ thể được xác định là 43%. Như vậy, có đủ cơ sở xác định tòa sơ thẩm quy kết bị cáo Phạm Văn Sơn phạm tội Cố ý gây thương tích, theo điểm a khoản 2 Điều 134 BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

    Quá trình lượng hình, tòa cấp sơ thẩm đã cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho bị hại và ra một phán quyết đúng người, đúng tội; do đó, Tòa phúc thẩm xét thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt và áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo Sơn.

    Vì các lẽ trên, TAND TP.Hà Nội tuyên bố bác kháng cáo của bị hại, giữ nguyên án sơ thẩm. Theo đó, bị cáo Phạm Văn Sơn vẫn phải chấp hành hình phạt 30 tháng tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo về tội Cố ý gây thương tích.

    Tư Viễn

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (47)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tranh-chap-vi-tri-dat-dong-ho-nuoc-em-dau-bi-thuong-kien-anh-di-tu-a346849.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan