Trẻ em chưa được cấp thẻ BHYT có được hưởng quyền lợi BHYT?


Thứ 2, 01/08/2022 | 07:45


Cùng sự kiện

Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh.

Khoản 2, Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây gọi là Nghị định 146/2018/NĐ-CP), trong đó quy định về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:

2. Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.

An ninh - Hình sự - Trẻ em chưa được cấp thẻ BHYT có được hưởng quyền lợi BHYT?
Ảnh minh họa

Khoản 1 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh một số trường hợp như sau:

1. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trẻ em dưới 6 tuổi trong trường hợp chưa có thẻ bảo hiểm y tế: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổng hợp danh sách trẻ em dưới 6 tuổi và chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phạm vi được hưởng và mức hưởng gửi cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán theo quy định.

Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ danh sách số trẻ em đã được khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển đến, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ; thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp trẻ em chưa được cấp thẻ thì thực hiện cấp thẻ theo quy định.

Như vậy, khi trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh và sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định trên.

Hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện cả về trí, thể, mỹ. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, tạo điều kiện phát triển cho trẻ em trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận, tuy nhiên trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch, suy giảm kinh tế toàn cầu...

Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành hướng tới mục tiêu vì lợi ích tốt nhất cho sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức của trẻ em.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 có rất ít điều khoản quy định về quyền lợi khám, chữa bệnh của trẻ em nói chung, riêng trẻ em dưới 06 tuổi chỉ được đề cập duy nhất một dòng ở khoản 3, Điều 4, đó là “ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, người khuyết tật nặng, người già 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng”. Nhiều chuyên gia cho rằng như vậy là chưa đủ.

Bởi, Điều 14, Luật Trẻ em 2016 đã nêu rõ, trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Do đó, các chuyên gia đánh giá, ngành y tế và chính quyền các địa phương có trách nhiệm tăng cường, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh, cũng như nâng cao năng lực đội ngũ bác sĩ chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh có chất lượng cho trẻ em.

Hoàng Yên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tre-em-chua-duoc-cap-the-bhyt-co-duoc-huong-quyen-loi-bhyt-a546123.html