Trí tuệ Hội Luật gia đóng góp vào công tác lập pháp, lập quy Nhà nước


Thứ 3, 03/03/2015 | 12:00


(ĐSPL) - 60 năm trưởng thành và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động lập pháp và hoạt động lập quy của cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến

(ĐSPL) - 60 năm trưởng thành và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động lập pháp và hoạt động lập quy của cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, phát huy trí tuệ luật gia đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược lập pháp của Nhà nước cũng như Chiến lược Cải cách tư pháp...

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với Hội Luật gia Việt Nam về dự án luật Trưng cầu ý dân (ngày 9/1/2015).

Được Quốc hội giao chủ trì xây dựng Luật Trọng tài thương mại, Trung ương Hội đã huy động được các luật gia có trình độ cao, có kinh nghiệm và nhiệt tình tham gia vào quá trình xây dựng Dự án luật. Sau gần 2 năm soạn thảo, ngày 17/6/2010, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII Luật Trọng tài Thương mại đã được thông qua. Việc hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn nhiệm vụ được giao đã cho thấy Hội Luật gia Việt Nam có khả năng tổ chức, huy động lực lượng triển khai và hoàn thành tốt việc soạn thảo các dự án luật khi được Quốc hội giao.

Thực hiện Nghị quyết số 70/2014/QH13 ngày 30/5/2014 của Quốc hội điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2014 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Nghị quyết số 780/NQ-UBTVQH13 ngày 25/6/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai Nghị quyết số 70/2011/QH13, Hội Luật gia Việt Nam được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Trung ương Hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động để xây dựng dự án luật, bảo đảm đúng quy trình, tiến độ và chất lượng để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, tháng 10/2015.

Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội đã tổ chức 5 cuộc hội thảo khoa học chuyên sâu để lấy ý kiến Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội, các luật gia, các chuyên gia, các nhà khoa học và có Báo cáo góp ý của Hội Luật gia Việt Nam gửi tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Văn phòng Chính phủ, bộ Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và các cơ quan hữu quan theo đúng tiến độ và được đánh giá cao.

Với vị trí và vai trò của mình, Hội Luật gia Việt Nam đã cử đại diện tham gia Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ban soạn thảo và tổ biên tập 16 dự án luật, trong đó có các dự án luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Luật sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở...

Nhiều chi Hội Luật gia ở các bộ, ngành và các cấp Hội Luật gia ở địa phương đã phát huy tốt vai trò, trực tiếp tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong các ban soạn thảo, tổ biên tập của nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và địa phương.

Ở địa phương, các cấp Hội Luật gia đã tích cực tham gia các hoạt động theo các chương trình, kế hoạch của Trung ương Hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; đồng thời đã chủ động tổ chức góp ý kiến cho nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của các cấp chính quyền.

Trong giai đoạn 2009-2014, các cấp hội địa phương đã tham gia xây dựng 43.722 văn bản quy phạm pháp luật và hàng nghìn quy chế dân chủ cơ sở, quy ước, hương ước; tổ chức rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để phát hiện những bất cập và kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tri-tue-hoi-luat-gia-dong-gop-vao-cong-tac-lap-phap-lap-quy-nha-nuoc-a85791.html