+Aa-
    Zalo

    Triệt phá hàng loạt “tập đoàn” thực phẩm chức năng rởm

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Lực lượng chức năng vừa triệt phá vụ làm giả hàng chục tấn thực phẩm chức năng (TPCN) với những mặt hàng “siêu hót” như sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen...

    (ĐSPL) - Lực lượng chức năng vừa triệt phá vụ làm giả hàng chục tấn thực phẩm chức năng (TPCN) với những mặt hàng “siêu hót” như sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen...

    Đây đều là những sản phẩm nguồn gốc từ Trung Quốc, được “phù phép” thành hàng nhập khẩu gắn mác Mỹ, châu Âu, sau đó len lỏi vào các chợ và một số cửa hàng thuốc có tiếng trên địa bàn Thủ đô.

    Cơ quan chức năng vừa triệt xóa “tập đoàn” sản xuất hàng chục tấn TPCN rởm.

    Vụ việc một lần nữa phản ánh bức tranh hoạt động bát nháo, thật - giả lẫn lộn của TPCN hiện nay. Điều đáng lo ngại, việc cấp phép, quản lý mặt hàng này vẫn đang bộc lộ quá nhiều kẽ hở.

    Chợ thuốc, nhà thuốc tiếp tay cho TPCN rởm?

    Có lẽ chưa khi nào cái tên TPCN lại xuất hiện ồ ạt và bát nháo như hiện nay. Không chỉ được quảng cáo trên mạng lưới bán hàng đa cấp; rao bán nhan nhản trên internet, truyền hình; TPCN thậm chí còn len lỏi cả vào các tiệm thuốc tây, hệ thống siêu thị, cửa hàng... Dù chưa có một cơ quan chức năng nào khẳng định công dụng thực sự của TPCN, thế nhưng, nó đã và đang được truyền tai nhau như một loại “thần dược” diệu kỳ, thậm chí là cứu cánh cho mỗi người. Thế nhưng, việc hàng giả, hàng kém chất lượng đang tràn ngập thị trường đã biến TPCN thành “con dao hai lưỡi” với những hiểm họa khôn lường.

    Sự vụ vừa được cơ quan hữu trách Thủ đô Hà Nội khám phá sáng 24/1 là minh chứng rõ nét nhất. Tác nghiệp tại hiện trường, PV báo Đời sống và Pháp luật ghi nhận, tổng trọng lượng TPCN giả bị thu giữ lên đến 10 tấn. Đây cũng là một trong những đường dây làm giả TPCN quy mô cực lớn được triệt phá trong thời điểm cận Tết Nguyên đán. Thế nhưng, điều khiến dư luận rùng mình không chỉ ở quy mô của đường dây mà chính ở thủ đoạn tinh vi và tầm len lỏi của những loại TPCN này. Một lượng không nhỏ TPCN được “phù phép” đã đến tay người mua.

    Theo khai nhận của các đối tượng, hàng loạt viên nang TPCN không có nguồn gốc cùng với các bao bì in giả nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ, Nhật, Australia, Đức... được nhập từ Trung Quốc về. Để hợp thức hóa, các đối tượng sử dụng một số ki-ốt đặt tại chợ đầu mối Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), tiến hành đóng gói, dán nhãn mác giả và đưa đi các tỉnh tiêu thụ với giá từ vài trăm cho đến cả triệu đồng một sản phẩm. Tinh vi hơn, các đối tượng đã không tuồn trực tiếp TPCN giả vào các cửa hàng thuốc hay chợ bán thuốc, mà chọn cách giao nhận hàng dọc đường... để những lô TPCN trên được tiêu thụ một cách trót lọt.

    Về vụ bắt 10 tấn TPCN không rõ nguồn gốc vừa qua, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, đại diện lãnh đạo phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP. Hà Nội) cho biết: Có trên 30 nhãn hiệu TPCN bị làm giả và được đường dây này tiêu thụ trong hơn một năm nay. Không chỉ tại chợ thuốc, nhiều cửa hàng thuốc lớn tại Hà Nội và các tỉnh cũng tiếp tay cho hoạt động này. Theo thông tin mới nhất mà PV cập nhật được, chiều ngày 26/1, cơ quan CSĐT (Công an TP.Hà Nội) đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với 3 đối tượng chính trong đường dây trên để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Danh tính các đối tượng được xác định là Nguyễn Tuấn Linh (31 tuổi, trú tại TP.Vinh, Nghệ An), Nguyễn Thị Hồng Liên (33 tuổi, ở Nghệ An) và Nguyễn Công Việt (29 tuổi, ở tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

    Trước đó ít lâu, vào trung tuần tháng 1/2015, lực lượng chức năng cũng triệt phá một vụ việc tương tự. Lần này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an) phối hợp với Công an quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) tiến hành triệt xóa 3 cơ sở sản xuất nhiều loại TPCN giả với những nhãn hiệu nổi tiếng của cả Việt Nam và nước ngoài. Gần 600 kiện TPCN giả có tổng trọng lượng lên đến 12 tấn đã bị phát hiện và thu giữ tại hiện trường. Trong đó, chủ yếu là sữa ong chúa, các sản phẩm nhau thai cừu, collagen, green coffee... Trong vụ này, thủ đoạn của các đối tượng là nhập lậu sản phẩm từ Trung Quốc không rõ nhà sản xuất về Việt Nam, sau đó, chúng tổ chức đóng gói, dán nhãn giả hàng có xuất xứ từ Mỹ và giả nhãn hiệu của nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam.

    Cũng liên quan đến hoạt động ồ ạt và bát nháo của TPCN, trước đó, hồi đầu tháng 7/2014, theo nguồn tin mà PV báo Đời sống và Pháp luật tiếp nhận được, lực lượng chức năng đã “trảm” hàng loạt cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Theo ông Trần Quang Trung – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong đợt kiểm tra này có 14 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 105 sản phẩm bị đình chỉ lưu hành. Đại diện Cục này cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2014 cũng đã xử phạt 35 cơ sở vi phạm với số tiền gần 700 triệu đồng, trong đó chủ yếu là nhóm hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm, tiếp theo là ghi nhãn, công bố chất lượng.

    Những góc khuất thị trường TPCN

    Khi được PV báo Đời sống và Pháp luật tham vấn về hoạt động ồ ạt, bát nháo của TPCN, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn cho rằng, chính việc cấp phép tràn lan, “thả rông” kiểm soát đã dẫn đến hệ lụy trên.

    Quả thực, trong quá trình thâm nhập thực tế, tìm hiểu tư liệu triển khai bài viết này, PV báoĐời sống và Pháp luật cũng đã khám phá ra nhiều lỗ hổng “chết người”. Tại hệ thống nhà thuốc trên phố Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), đại diện các cơ sở này cho biết, hầu hết các cửa hàng thuốc đều có bán TPCN và được đặt ở một khu riêng. Tuy nhiên, số TPCN này đều được cấp phép. Khi được hỏi về TPCN sữa ong chúa của Đức, dược sỹ Nguyễn Thị P. khẳng định: “Hiệu thuốc ở đây không nhập, không bán loại thực phẩm này, bởi chúng bị làm giả nhiều. Còn về công dụng, bản thân chúng tôi cũng không nắm rõ được tác dụng thực sự của nó”. 

    Tại cửa hàng thuốc khác nằm cách đó không xa, một dược sỹ tên N. tỏ ra vô cùng bức xúc khi PV đề cập đến những loại thực phẩm này. Dược sỹ này cho biết, đa số các TPCN đều bị làm giả do lợi nhuận thu lại khá lớn, trong khi công tác kiểm soát, quản lý còn nhiều “lỗ hổng”. Bản thân bà này cũng thừa nhận, khó có thể kiểm soát được loại mặt hàng này khi thủ tục cấp phép của cơ quan chức năng vẫn còn “quá thoáng”, nhóm lợi ích quá lớn(?!). Trong khi, nhiều ý kiến cho rằng, bộ phận quản lý, kiểm duyệt vừa yếu, vừa thiếu.

    “Thực tế cũng có nhiều người tìm đến hiệu thuốc hỏi mua sản phẩm theo quảng cáo, theo tình trạng bệnh tật. Nhưng thực sự, những sản phẩm đó có tác dụng tích cực hay không thì tôi cũng không dám chắc. Cửa hàng tôi không kinh doanh mấy mặt hàng trên, bởi chúng bị làm giả quá nhiều. Tôi cũng chứng kiến một vài trường hợp dùng TPCN bị phản ứng phụ và ảnh hưởng xấu thêm so với tình trạng bệnh tật của mình”, dược sỹ N. chia sẻ.

    Trong một diễn biến khác, tiến hành khảo sát tại một số hiệu thuốc nằm quanh khu vực bệnh viện K – cơ sở Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội), PV báo Đời sống và Pháp luật lại phát hiện ra một thực tế bất ngờ khác. Theo quan sát, tại các hiệu thuốc, chủ cửa hàng bày  poster quảng cáo đủ các loại TPCN như: Procell, Agel Umi, Noni, Sun Ginseng... mà loại nào cũng được cho là có hiệu quả cực tốt với các bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Theo quảng cáo của người bán, tất cả những loại TPCN này đều là hàng nhập từ Mỹ, Hàn Quốc...

    Tại một quầy thuốc gần bệnh viện K, nhân viên tên L. không ngừng tư vấn về loại TPCN có tên Procell, xuất xứ từ Đức. Theo nhân viên này, đây là sản phẩm rất tốt với người ung thư vú. L. nói: “Procell có giá 850.000 đồng/lọ/100 viên, mỗi ngày chỉ cần uống một viên là có thể cải thiện tình hình bệnh rõ rệt”. Cũng theo tư vấn của L., hiện có hai dòng TPCN hỗ trợ điều trị ung thư. Một là những sản phẩm được sản xuất trong nước, hai là hàng nhập ngoại. TPCN Sun Ginseng/180 viên/hộp nhập khẩu từ Hàn Quốc, có thể chữa được ung thư vòm họng, giá dao động từ 4-5 triệu đồng/hộp, dùng trong khoảng một tháng. “Khác với thuốc tây, người mắc bệnh ung thư có thể uống Sun Ginseng thoải mái, không sợ bị... tác dụng phụ. Bệnh nhân được khuyến cáo, cứ uống cho đến khi nào... hết bệnh thì thôi!”, L. quả quyết.

    Ghi nhận tại bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh nhân Nguyễn Thị U. (73 tuổi) cho biết, bà nhập viện từ hôm 19/1 với lý do huyết áp cao và suy nhược cơ thể. “Bản thân cậu con trai cũng đã mua cho tôi 2 lọ TPCN dạng nước (nhãn mác ngoài ghi sản xuất tại Mỹ) để bổ trợ dinh dưỡng. Khi nhận được thông tin cơ quan chức năng phát hiện nhiều TPCN không rõ nguồn gốc có bán trên thị trường và ngay cả các hiệu thuốc, tôi thực sự hoang mang. Không biết loại thực phẩm mà con trai tôi mua có công dụng như quảng cáo hay không”, bà U. chia sẻ.

    Quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo đối với TPCN

    Trước thực trạng thị trường TPCN “thật giả lẫn lộn”, tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo đối với TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, tập trung kiểm soát chặt chẽ việc xác nhận nội dung quảng cáo; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thực hiện quảng cáo quá mức, sai sự thật và quảng cáo không theo nội dung đã được xác nhận.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/triet-pha-hang-loat-tap-doan-thuc-pham-chuc-nang-rom-a82113.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan