+Aa-
    Zalo

    Trợ giá xe buýt TP.HCM: Lời hứa thay đổi vẫn còn nằm trên giấy

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các doanh nghiệp (DN) vận tải xe buýt trên địa bàn TP.HCM lại gửi “tâm thư” đến các cấp quản lý mong muốn thay đổi chính sách trợ giá.

    Các doanh nghiệp (DN) vận tải xe buýt trên địa bàn TP.HCM lại gửi “tâm thư” đến các cấp quản lý mong muốn thay đổi chính sách trợ giá. Điều nghịch lý là lời hứa thay đổi này vẫn còn nằm trên giấy khiến hoạt động vận tải xe buýt lao đao.

    Điệp khúc kêu cứu vì tiền trợ giá không thỏa đáng

    Mới đây, 9 DN vận tải xe buýt ở TP.HCM đã gửi đơn kiến nghị đến Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng lãnh đạo sở ban ngành liên quan đề nghị xem xét, bổ sung kinh phí trợ giá cho xe buýt năm 2019. Theo đó, các DN cho rằng, mức trợ giá xe buýt hiện nay không thỏa đáng, không đủ chi phí tối thiểu cho xe buýt hoạt động. Hệ quả là nhiều tuyến xe buýt không thể duy trì, phải ngưng hoạt động như các tuyến 40, 37, 6,...

    Theo đại diện công ty CP Vận tải TP.HCM, trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (sở GTVT TP.HCM) đã xây dựng dự toán trợ giá trên 1.000 tỷ đồng cho năm 2019. Trong đó, dự toán dành cho 100 tuyến xe buýt có trợ giá là 892,9 tỷ đồng cùng với dự kiến nguồn thu tăng thêm từ việc điều chỉnh giá vé xe buýt.

    Với tính toán của Trung tâm, năm 2019 sẽ tăng khoảng 91 tỷ đồng từ việc tăng giá vé cho cả hệ thống với điều kiện lượng hành khách không giảm so với năm 2018. Tuy nhiên, theo các DN vận tải, việc tăng trưởng mà Trung tâm đưa ra là bất hợp lý, không có tuyến xe buýt nào có thể thực hiện được. Vì thế, các DN vận tải kiến nghị đến các cấp lãnh đạo TP.HCM xem xét, nhanh chóng giải quyết một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xe buýt đang rơi vào bế tắc, nhanh chóng ban hành bộ đơn giá chi phí mới cho xe buýt và được áp dụng từ 1/1/2019, thay thế bộ đơn giá từ năm 2012 không còn phù hợp; đối với các tuyến xe buýt không hiệu quả, ít khách thì nên cắt giảm chuyến hoặc ngưng hoạt động để giảm lỗ, tiết kiệm ngân sách.

    Các doanh nghiệp vận tải xe buýt kêu cứu vì tiền trợ giá quá thấp. Ảnh minh hoạ 

    Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp vận tải xe buýt TP.HCM đồng lòng kêu cứu vì nợ nần do đợi tiền trợ giá. Tháng 10/2018, đã có 4 tuyến xe buýt phải tạm ngừng hoạt động, (tuyến 40, 149, 37, 60) và tuyến 11 phải cắt bớt lộ trình.

    Qua tìm hiểu, cả 5 tuyến xe buýt dừng hoạt động và cắt giảm lộ trình này đều là các tuyến có trợ giá, nghĩa là thành phố dùng tiền ngân sách để hạ giá vé nhằm khuyến khích người dân sử dụng. Trước đó, sở GTVT TP.HCM cũng đã kiến nghị UBND TP.HCM tăng thêm hơn 330 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt. Vì thế, các chuyên gia cho rằng công tác trợ giá xe buýt hiện nay ở TP.HCM không có hiệu quả như mong đợi.

    Nguy cơ “vỡ trận” xe buýt

    Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, các DN gửi kiến nghị là do họ vẫn đang bị áp dụng các mức chi theo bộ đơn giá cũ (từ 2012). Bộ đơn giá này đã lỗi thời và không còn phù hợp. Cụ thể, các chi phí đầu tư cho đầu vào xe buýt, cao hơn nhiều so với 7 năm trước nhưng chưa được cập nhật. Ngoài ta, nhằm nâng cao chất lượng, Trung tâm yêu cầu các doanh nghiệp vận tải xe buýt gắn thêm các thiết bị như GPS, camera để giám sát nhưng vẫn không được tính vào các chi phí đầu vào.

    Để hiểu thêm sự việc, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Lâm, Giám đốc sở GTVT TP.HCM. Theo ông Lâm, hệ thống xe buýt của thành phố có 13 đơn vị, trong đó có 10 hợp tác xã. Khó khăn của xe buýt đã kéo dài với các vấn đề như hạ tầng, bến bãi. Trong năm 2017 và 2018, các đơn vị vận tải xe buýt đã đưa vào khai thác xe mới với số lượng lớn.

    Tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn đang áp dụng các quy định cũ vì định mức đơn giá mới vẫn chưa được ban hành. Trước kia, mỗi chiếc xe buýt được đầu tư khoảng 1 tỷ đồng nhưng bây giờ đã đầu tư lên đến 3 tỷ đồng. Sự chênh lệch giữa mức đầu tư và mức hỗ trợ đã khiến các DN gặp khó khăn. “Về hạ tầng giao thông, chúng tôi tìm nhiều cách để cải thiện việc đi lại nhưng nhiều khu vực vẫn là bài toán khó đối với xe buýt. Chúng tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm với các đơn vị vận tải xe buýt. Khó khăn mới chồng chất với khó khăn cũ nên số lượng khách đi xe buýt giảm. Từ đó, doanh thu của các DN sụt giảm. Cộng thêm gánh nặng về lãi vay ngân hàng ngày càng lớn khiến họ có nhiều kiến nghị”, Giám đốc sở GTVT TP.HCM nhận định.

    Nói về chính sách trợ giá xe buýt mà DN vận tải đang chờ đợi, ông Lâm cho biết thêm: “Bộ đơn giá này được áp dụng từ 1/1/2019 nên sau khi được UBND TP.HCM phê duyệt thì sẽ tính toán lại chi phí từ đầu năm đến giờ cho các doanh nghiệp vận tải. Khi đó, chúng ta sẽ giải quyết cơ bản những khó khăn vướng mắc về kinh phí hiện nay của các doanh nghiệp vận tải xe buýt. Chẳng hạn việc đầu tư phương tiện mới, trong đó có phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng CGN mà bộ đơn giá cũ trước đây chưa có, thì sẽ tính chi phí đầu tư phương tiện theo đơn giá hiện nay. Hay như mức lương cơ bản, giá nhiên liệu cũng sẽ được cập nhật mới để sát với thực tế”, ông Trần Quang Lâm thông tin.

    HÀ NHÂN

    Bài viết đăng trên báo in Đời Sống & Pháp Luật số 110

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tro-gia-xe-buyt-tphcm-loi-hua-thay-doi-van-con-nam-tren-giay-a284062.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan