+Aa-
    Zalo

    Trợ lý ngoại trưởng Mỹ: TQ nên rút giàn khoan khỏi vùng biển VN

    • DSPL
    ĐS&PL Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương nói rằng việc TQ đột ngột hạ đặt giàn khoan dầu trên vùng đặc quyền kinh tế của VN gây căng thẳng cho khu vực, và tốt nhất là nên rút giàn khoan.

    Trả lời phỏng vấn báo Asahi Shimbun ngày 5/7, ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương nói rằng việc Trung Quốc đột ngột hạ đặt giàn khoan dầu trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không phải là ý tưởng tốt, gây căng thẳng cho khu vực, và tốt nhất là nên rút giàn khoan.

    Trợ lý ngoại trưởng Mỹ: TQ nên rút giàn khoan khỏi vùng biển VN
    Giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam-  Ảnh: Độc Lập.

    Nhà hoạch định chính sách châu Á hàng đầu trong chính quyền Obama này cũng nói ông tin rằng khẩu hiệu cho tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á là "kiềm chế".

    Bình luận về các hành động gây căng thẳng gần đây của Trung Quốc với Việt Nam trên Biển Đông, ông Russel nói đó là một câu hỏi về sự phán xét.

    "Có phải đó là ý tưởng tốt khi Trung Quốc đột nhiên triển khai giàn khoan dầu này ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?", ông Russel đặt câu hỏi.

    Khi báo Asahi Shimbun hỏi rằng một khảo sát gần đây của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington) cho thấy ở châu Á chỉ có Trung Quốc nghi ngờ chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ là chống Trung Quốc, ông Russel trả lời: “Có một câu chuyện phổ biến trong giới chức Trung Quốc, và có lẽ với cả người dân Trung Quốc, rằng mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc.

    Không một quốc gia, không một siêu cường nào ngoài Mỹ đã có thể làm nhiều hơn để tạo điều kiện cho sự xuất hiện một Trung Quốc thịnh vượng và ổn định hơn. Mỹ đã tìm cách để đảm bảo rằng Trung Quốc, tiếng nói của Trung Quốc, đã được nghe trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

    Những gì chúng tôi yêu cầu để đổi lấy khả năng giúp hình thành các quy tắc mà đã cho phép Trung Quốc phát triển thịnh vượng là Trung Quốc phải chấp nhận các nguyên tắc và luật lệ ràng buộc các nước lớn cũng như các nước nhỏ và yếu. Đó là thông điệp của chúng tôi với Trung Quốc liên quan đến một số vấn đề nổi bật và thách thức trong khu vực.

    Lấy ví dụ, việc Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Mỹ không đứng về phía Việt Nam để đối đầu với Trung Quốc hay về phía Trung Quốc để chống Việt Nam. Nhưng tất nhiên chúng tôi đã liên tục kêu gọi các bên cần làm rõ yêu sách của mình ở Biển Đông và các nơi khác phải  phù hợp với luật pháp quốc tế, vì chúng tôi nghĩ rằng sự không rõ ràng về những yêu sách này sẽ tạo ra sự mở đầu cho hiểu lầm và đối đầu.

    Đây là một vấn đề của sự phán xét. Cho dù Trung Quốc có hay không có quyền hạ đặt giàn khoan dầu, đi cùng với nhiều tàu tuần duyên và, tôi nói thêm là còn có cả một số tàu quân sự, lượn lờ ở phía xa, thì câu hỏi mà chúng ta đặt ra là: Liệu điều đó có phải là ý tưởng tốt? Liệu nó có gây ra sự nhạy cảm nào? Tại sao, trong giai đoạn căng thẳng ở khu vực khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từng tuyên bố công khai cam kết về một môi trường hòa bình, có cần thiết để Trung Quốc bất ngờ và đột ngột triển khai giàn khoan này trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của họ? Gần khu vực mà người Việt Nam đã hoạt động trong nhiều năm qua? Tại sao lại làm bây giờ? Đó có là một ý tưởng tốt?

    Có gì ngạc nhiên khi các phản ứng của khu vực là lo âu, căng thẳng? Chúng tôi muốn rằng Trung Quốc nên có quan hệ tốt với các nước láng giềng”.

    Trợ lý ngoại trưởng Mỹ: TQ nên rút giàn khoan khỏi vùng biển VN
    Ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương: "Có phải đó là ý tưởng tốt khi Trung Quốc đột nhiên triển khai giàn khoan dầu này ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?" - Ảnh: Asahi Shimbun.

    Ngoài ra, ông Russel cũng giải thích thêm rằng tuyên bố của Tổng thống Barack Obama về việc Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ sẽ được áp dụng đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không phải là một mối đe dọa. Thay vào đó, nó tạo ra "không gian ngoại giao và chính trị" cho Nhật Bản và Trung Quốc để tham gia vào các cuộc đàm phán.

    Ông Russel cũng hoan nghênh quyết định của chính quyền Thủ tướng Abe về nới lỏng sự hạn chế tự vệ để thực hiện quyền tự vệ tập thể.

    Theo ông Russel, các nỗ lực để thay đổi cách diễn dịch Hiến pháp của Nhật Bản để cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể, là một quyền được công nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, là nỗ lực của Nhật Bản, không phải là nỗ lực của Mỹ. Mỹ hoan nghênh và ủng hộ việc này. Nhưng Mỹ tôn trọng quyền của Nhật Bản, thông qua chính phủ của mình, để quyết định chính xác những gì họ sẽ thực hiện.

    "Chúng tôi hy vọng đó sẽ là một yếu tố tích cực và thúc đẩy các lợi ích của Mỹ bằng cách tạo điều kiện cho Nhật Bản đóng góp tích cực hơn cho sự ổn định trong khu vực", ông Russel nói.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tro-ly-ngoai-truong-my-tq-nen-rut-gian-khoan-khoi-vung-bien-vn-a39812.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan