+Aa-
    Zalo

    Trung bình mỗi tuần ở Hà Nội có 17-24 ca mắc sốt xuất huyết

    (ĐS&PL) - Đây là thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, theo đó từ đầu năm 2024 tính đến 15/3, trên địa bàn Thủ đô đã có hơn 500 ca mắc sốt xuất huyết. Số liệu này đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

    Ngày 16/3, báo Kinh tế và đô thị đưa tin, theo thống kê từ CDC Hà Nội cũng cho biết, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay gồm: Đống Đa 81 ca, Hà Đông 58 ca, Hoàng Mai 43 ca, Hai Bà Trưng 32 ca… Dự báo, thời gian tới có thể vẫn sẽ ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết, do đó, người dân không được chủ quan.

    Theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 8, 9, 10. Đỉnh điểm của dịch bệnh này có thể xảy ra vào tháng 10, 11. Thế nhưng, những năm gần đây, bệnh xuất hiện từ rất sớm, ngay từ đầu năm.

    Chia sẻ thêm kiến thức về căn bệnh này, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue có trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi. Có 4 type huyết thanh là D1, 2, 3 và 4. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 5 ngày.

    Diễn biến lâm sàng trải qua 3 giai đoạn: Từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục.

    trung binh moi tuan o ha noi co 17 24 ca mac sot xuat huyet
    Các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Hà Nội mới.

    Có 2 cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm. Thứ nhất virus khi tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó sẽ dẫn đến xuất huyết. Thứ hai, virus làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, hậu quả cô đặc máu, từ đó bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn.

    Hạ tiểu cầu sau một thời gian thì tiểu cầu sẽ lên, nhưng điều trị sốc giảm thể tích do cô đặc máu rất khó chữa, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.

    Qua kinh nghiệm điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, nhiều người dân chủ quan, nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế, nhiều trường hợp sốt, dù chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn, thậm chí tử vong.

    Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.

    Trước đó, báo Hà Nội mới cũng đưa tin, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận rải rác các ca mắc sốt xuất huyết. Số mắc trung bình từ 17-24 ca/tuần. Như vậy, từ đầu năm 2024 cho đến ngày 15/3, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 513 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

    Những con số thống kế đã thể hiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, nhất là vào thời điểm miền Bắc đang vào mùa nồm ẩm, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn năm 2024, trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ của các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh phù hợp tình hình thực tế; bố trí sẵn sàng lực lượng tại chỗ, lực lượng tăng cường theo các cấp độ dịch bệnh tại địa phương.

    Ngành Y tế thành phố cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể, đó là 100% xã, phường, thị trấn xây dựng lực lượng cộng tác viên y tế - dân số, đội xung kích diệt bọ gậy... nhằm hỗ trợ y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, 100% các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, các trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn Hà Nội duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng, chống dịch bệnh hằng tuần.

    Theo Sở Y tế Hà Nội, các quận, huyện, thị xã tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động trong mọi tình huống.

    Cùng với đó, đánh giá kết quả thực hiện đề án chủ động phòng, chống sốt xuất huyết các năm trước để có kế hoạch điều chỉnh hoặc bổ sung đề án chủ động phòng, chống sốt xuất huyết năm 2024 và các giai đoạn tiếp theo đảm bảo phù hợp điều kiện thực tiễn và hiệu quả. Mặt khác, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-binh-moi-tuan-o-ha-noi-co-17-24-ca-mac-sot-xuat-huyet-a614677.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan