+Aa-
    Zalo

    Trung Quốc sẽ tiết kiệm được khoản tiền khổng lồ nếu tái sử dụng SGK

    (ĐS&PL) - Năm 2019, khoảng 2,93 tỷ bản sách giáo khoa đã được bán lẻ trên toàn Trung Quốc, với số tiền gần 26 tỷ NDT. Nếu những cuốn sách này được tái sử dụng có thể tiết kiệm được ít nhất 20 tỷ NDT (tương đương 65.000 tỷ đồng).

    Cân nhắc tái sử dụng SGK

    Báo VietNamNet dẫn thống kê từ Cục Quản lý Xuất bản và Báo chí Quốc gia Trung Quốc cho biết, doanh số bán lẻ sách giáo khoa (SGK) tiểu học và THCS, cũng như sách dạy học có liên quan trong năm 2018 được định giá ở mức khổng lồ 25,9 tỷ NDT (khoảng 85.000 tỷ đồng). 

    trung quoc tiet kiem duoc khoan tien khong lo neu tai su dung sach giao khoa2
    Sách cũ chất thành đống cao bên trong một nhà máy tái chế ở Trung Quốc. Ảnh: Outlook Weekly 

    Năm 2019, khoảng 2,93 tỷ bản SGK đã được bán lẻ trên toàn Trung Quốc, với số tiền gần 26 tỷ NDT.

    Nếu những cuốn sách này có thể được tái sử dụng, có thể tiết kiệm được ít nhất 20 tỷ NDT (khoảng 65.000 tỷ đồng). Trong khi đó, nhiều học sinh Trung Quốc phàn nàn họ phải bán sách cũ để làm phế liệu mặc dù giá gốc cao hơn nhiều. Tình trạng lãng phí SGK từ tiểu học đến đại học là một thực tế nghiệt ngã tại quốc gia tỷ dân này, theo đánh giá của Beijing Review.

    Lời kêu gọi tái sử dụng SGK ngày càng tăng tại Trung Quốc. Một số người tin rằng tái sử dụng SGK không chỉ giúp tiết kiệm giấy và gỗ mà còn có thể giúp giảm ô nhiễm môi trường do in sách. Hơn nữa, đây cũng là một biện pháp tốt để khuyến khích học sinh tiết kiệm, theo bài viết trên website Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc.

    Nếu lượng SGK tại Trung Quốc vào năm 2021 được tái sử dụng, khoản tiền tiết kiệm có thể trang trải chi phí cho ít nhất 40.000 trường tiểu học thuộc Dự án Hope - một dịch vụ công của Trung Quốc, giúp trẻ em ở các khu vực nghèo khó tiếp cận giáo dục nhiều hơn.

    Tuy nhiên, những khó khăn trong việc thúc đẩy tái sử dụng SGK là có thể hiểu vì một số ý kiến cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các bên liên quan.

    Người Trung Quốc đang cố gắng loại bỏ thói quen lãng phí, nhưng nói đến SGK, dường như xã hội "nhắm mắt làm ngơ" trước tình trạng lãng phí sách cũ, theo đánh giá của Xinhua Daily Telegraph.

    Ngoài ra, việc tái sử dụng SGK được cho có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của lớp học, vì học sinh không được phép viết vào sách. 

    Trên thực tế, việc tái sử dụng SGK các bộ môn Âm nhạc, Nghệ thuật, Khoa học, Máy tính và Giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều thành phố ở Trung Quốc, theo CGTN. Những cuốn sách đó nằm trong một số môn học không cần ghi chú trên lớp. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

    Còn nhiều trở ngại

    Nhiều yếu tố đã dẫn đến sự lãng phí SGK cũ tại Trung Quốc. Ngày nay, việc lưu hành những cuốn sách như vậy hầu như chỉ phụ thuộc vào thị trường đồ cũ. Việc thiếu một cơ chế kinh doanh tiêu chuẩn đã dẫn đến bỏ phí nguồn tài nguyên này và đẩy chi phí tái sử dụng lên cao.

    Trở ngại lớn nhất đối với việc tái sử dụng SGK là "đòn tấn công" đến các lợi ích của các bên đầu tư. Ví dụ, các trường học trực tiếp đặt mua những cuốn sách này cho học sinh chắc chắn sẽ tạo ra nguồn doanh thu lớn định kỳ cho các nhà xuất bản.

    Hệ thống giáo dục Trung Quốc đang dần học hỏi từ các quốc gia làm tốt việc tiến hành tái sử dụng SGK. Một số trường cho phép học sinh quyết định xem mình có muốn SGK mới hay không, trong khi các trường khác khuyến khích sử dụng sách cũ.

    Một số chuyên gia đề xuất các thư viện trường có thể mua những cuốn SGK cũ này, cho học sinh mượn và các em trả lại sau khi kết thúc năm học. 

    Khoản phí tiết kiệm từ việc tái sử dụng không chỉ về tiền bạc hay tài nguyên, còn là cơ hội để học sinh nuôi dưỡng thái độ tích cực đối với sách, chẳng hạn như đức tính tiết kiệm.

    "Nếu trường và phụ huynh chú ý hơn một chút đến tình trạng của SGK, nhắc nhở các em giữ gìn cẩn thận và không làm hư hại, thực tế, hầu hết sách sẽ hoàn toàn có thể sử dụng sau một hoặc hai học kỳ tiếp", theo bình luận của nhà quan sát giáo dục Lu Jingping.

    "Trong trường hợp đó, những cuốn SGK này có thể đến tay học sinh mới, giúp tiết kiệm rất nhiều tài nguyên và tiền bạc. Hoặc những cuốn sách này có thể được gửi đến các trường học ở những vùng lạc hậu, nghèo khó để những trường này không cần phải bỏ tiền mua SGK".

    Tất nhiên, ông Lu cũng nhận định, để biến việc tái sử dụng SGK thành hiện thực ở Trung Quốc không phải là một công việc dễ dàng và cần có sự hỗ trợ từ chính phủ và cơ quan quản lý giáo dục.

    Theo VnExpress, tại Trung Quốc, SGK ở tiểu học và trung học do cơ quan giáo dục cấp tỉnh, thành phố hoặc cấp huyện chọn. Mỗi khu vực phải chọn ít nhất 3 bộ SGK trong số những bộ được phép sử dụng.

    Kể từ mùa thu năm 2019, một số trường tiểu học và trung học của Trung Quốc bắt đầu sử dụng tài liệu giảng dạy thống nhất trên toàn quốc do Bộ Giáo dục ban hành ở 3 môn là Lịch sử, Hán ngữ cùng Đạo đức và Pháp quyền. Tài liệu này dự kiến được sử dụng cho tất cả cấp học trong cả nước vào năm 2025.

    Theo lãnh đạo Cục Tài liệu giảng dạy thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, SGK mới cho 3 môn học trên sẽ "phản ánh ý chí quốc gia cũng như các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục học sinh".

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-tiet-kiem-duoc-khoan-tien-khong-lo-neu-tai-su-dung-sach-giao-khoa-a587409.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan