Trung tâm Mua sắm tài sản công, sở Tài chính Hà Nội - Bài 2: Trách nhiệm tiết giảm ngân sách từ những gói thầu “siêu tiết kiệm”


Thứ 2, 13/03/2023 | 16:57


Ngoài dấu hiệu đội giá “khủng” tại gói thầu hơn 211 tỷ đồng, còn những băn khoăn về trách nhiệm sử dụng ngân sách Nhà nước của trung tâm Mua sắm tài sản công, sở Tài chính Hà Nội với vai trò chủ đầu tư. Bởi đơn vị này có nhiều nhà thầu thân quen thực hiện những gói thầu hàng chục tỷ đồng nhưng tỉ lệ tiết kiệm nhỏ giọt, thậm chí sát mức 0 đồng.

Trúng thầu 1.200 tỷ, tiết kiệm hơn 7 tỷ đồng

Như đã đề cập trong bài viết: Hà Nội: Dấu hiệu đội giá "khủng" tại gói thầu hơn 200 tỷ đồng ở Trung tâm Mua sắm tài sản công, gói thầu 01/TS1: Mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung đợt 1 năm 2022 có giá trị 211.481.280.000 đồng do trung tâm Mua sắm tài sản công và Thông tin, tư vấn tài chính (sau đây gọi tắt là trung tâm Mua sắm tài sản công – PV) thuộc sở Tài chính Hà Nội thực hiện có nhiều sản phẩm giá cao hơn thị trường và giá nhập khẩu, chênh lệch khoảng 25,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, liên danh trúng gói thầu này gồm: công ty TNHH Phát triển Thương mại và Kỹ thuật Toàn Cầu (công ty Toàn Cầu) - công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển TGI Hà Nội (công ty TGI) - công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Cường (công ty Ngọc Cường) - công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tân Hồng Hà (công ty Tân Hồng Hà) đều là những nhà thầu “ruột”.

Bởi lẽ, trong tổng giá trị trúng thầu của các doanh nghiệp này (trừ Tân Hồng Hà) đều có từ 88 đến 99,5% là tại trung tâm Mua sắm tài sản công. Cụ thể hơn: Toàn Cầu trúng 13/13 gói, tổng 765.994.740.000 đồng, chiếm 88,6% tổng giá trị trúng thầu của tất cả gói thầu mà nhà thầu này từng thực hiện; tương tự, TGI trúng 12/15 gói, tổng 525.114.305.000 đồng, chiếm 98%; Ngọc Cường trúng 8/13 gói, tổng 423.901.592.000 đồng, chiếm 99,5%; Tân Hồng Hà trúng 11/12 gói.

Tìm hiểu tất cả các gói thầu mà 4 nhà thầu từng trúng tại trung tâm Mua sắm tài sản công (cả vai trò liên danh và độc lập – ngoài gói thầu cùng liên danh ở trên), hầu hết có tỉ lệ tiết kiệm ở mức rất thấp.

Được biết, nguồn vốn thực hiện các gói thầu đều là nguồn ngân sách Nhà nước cấp, nguồn thu được để lại, nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn khác theo quy định. Toàn bộ các gói thầu đều do Giám đốc trung tâm Mua sắm tài sản công Hoàng Tuân ký phê duyệt.

Tình trạng nhà thầu quen mặt, trúng thầu với giá sát hay tỉ lệ tiết kiệm cực thấp là vấn đề bất cập trong công tác sử dụng vốn đầu tư công.

Nhiều chuyên gia đấu thầu nhận định rằng, đối với công tác mời thầu, các đơn vị là chủ đầu tư bên cạnh việc lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn cao, cũng cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho ngân sách địa phương, ngân sách Nhà nước.

Việc phê duyệt kết quả gói thầu mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị có trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó, chủ đầu tư, bên tư vấn thẩm định đều có những trách nhiệm cụ thể theo quy định của luật Đấu thầu. Chủ đầu tư tổ chức mời thầu, phê duyệt gói thầu phải là người có vai trò quyết định trong việc đảm bảo cho hoạt động đấu thầu được tuân thủ quy định pháp luật.

Bảng thống kê cho thấy, tỉ lệ tiết kiệm rất nhỏ giọt ở các gói thầu mà công ty Toàn Cầu thực hiện tại trung tâm Mua sắm tài sản công.

Thống kê các gói thầu Toàn Cầu trúng có thể thấy, nhiều gói giá trị hàng chục tỷ nhưng tiền tiết kiệm cho ngân sách trung tâm Mua sắm tài sản công rất hạn hẹp, từ 0 đồng đến vài ba chục triệu đồng.

Ví dụ gói có 3 số đuôi TBMT là 125, giá trúng thầu bằng giá dự toán, không tiết kiệm đồng nào; tương tự, gói TBMT đuôi 602 giá 38,3 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 300 nghìn đồng, tỉ lệ có như không (0%); gói TBMT đuôi 416 có giá trúng thầu 83,3 tỷ đồng, tiết kiệm 17 triệu đồng, tỉ lệ tượng trưng 0,02%; gói đuôi TBMT 081 và 988 cùng tỉ lệ tiết kiệm 0,03% khi giá trúng thầu là 29 và 74 tỷ đồng nhưng tiền tiết kiệm tương ứng chỉ 10 và 23,5 triệu đồng.

Tính tổng số 12 gói thầu, ngân sách Trung tâm bỏ ra để mua sắm thiết bị các năm từ 2018 đến 2021 là 554,5 tỷ đồng thì chỉ tiết kiệm được xấp xỉ 2,8 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 0,5%.

Thực trạng tiết kiệm nhỏ giọt lặp lại ở tất cả các gói thầu mà Ngọc Cường, Tân Hồng Hà và TGI trúng.

Tỉ lệ tiết kiệm cao nhất của các gói thầu có sự tham gia của công ty Ngọc Cường cũng chỉ 1,21%.

Với 7 gói thầu đã tham gia, tổng giá trị trúng thầu là hơn 212 tỷ đồng nhưng công ty Ngọc Cường chỉ giúp chủ đầu tư là trung tâm Mua sắm tài sản công tiết kiệm được chưa đến 1 tỷ đồng tiền ngân sách. Điển hình như gói thầu có đuôi 3 số TBMT là 991 giá 35,4 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 114 triệu đồng; gói đuôi TBMT 844 hơn 18,4 tỷ đồng tiết kiệm vỏn vẹn 6 triệu đồng…