+Aa-
    Zalo

    Trung thu tại làng trẻ SOS Hà Nội: Trải lòng của người mẹ kết nối những mảnh đời vô định

    • DSPL
    ĐS&PL Ở Làng trẻ SOS có những người phụ nữ dành trọn thanh xuân để cưu mang bầy con thơ cơ nhỡ, kết nối những số phận vô định nổi trôi giữa dòng đời.

    Chăm sóc một, hai đứa trẻ là công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết của bậc làm cha mẹ. Thế nhưng, ở Làng trẻ SOS (số 2 phố Phạm Thận Duật, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy,Tp. Hà Nội) có những người phụ nữ dành trọn thanh xuân để cưu mang bầy con thơ cơ nhỡ, kết nối những số phận vô định nổi trôi giữa dòng đời.

    Dành cả thanh xuân cho những đứa con thơ

    Đến thăm Làng trẻ SOS Hà Nội vào ngày đầu thu khi cơn mưa vừa đi qua, gội rửa cho cây lá một màu xanh mát, trong lành. Đón tôi là những người phụ nữ chân phương, mộc mạc với nụ cười hiền hậu. Họ - những người mẹ, người dì nơi đây chính là “linh hồn”, là nòng cốt của mô hình Làng trẻ SOS.

    Một ngày quan sát công việc của chị Phạm Thị Thịnh, tôi mới thấm thía nỗi vất vả, bộn bề lo toan của các bà mẹ. Mẹ Thịnh luôn cố gắng chăm sóc các con thật chu đáo, giúp trẻ cảm nhận được hơi ấm của tình yêu thương, sự đoàn viên gia đình.

    Chị Thịnh đang chuẩn bị bữa ăn tươm tất cho các con.

    Chị chuẩn bị bữa cơm đầm ấm với nhiều món ăn dinh dưỡng. 

    Người mẹ tảo tần chuẩn bị mâm cơm giản dị nhưng đong đầy tình yêu thương.


    Công việc cứ “luôn chân luôn tay” nhưng dường như chị không hề mệt mỏi, trên môi luôn rạng rỡ nụ cười, ánh mắt sáng lên bao niềm hy vọng. Chị cứ miệt mài với công việc nội trợ, hết lau dọn nhà cửa rồi lại đi chợ, phơi phóng đồ, nấu ăn và trang trí nhà cửa.

    Chị Thịnh luôn chân luôn tay với những công việc nội trợ.

    Thời gian các con đi học, chị Thịnh tranh thủ quét dọn vườn tược, trồng thêm rau xanh để bữa ăn được cải thiện. Ngắm nhìn những luống rau xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống, tôi thầm cảm phục người phụ nữ bé nhỏ mà phi thường.

    Vườn rau xanh mơn mởn mà mẹ Thịnh tranh thủ chăm sóc khi các con tới trường.

    Không gian sống trong lành với nhiều cây xanh của mô hình Làng trẻ.

    Chị Thịnh cho biết, chị bắt đầu công việc từ sớm tinh mơ, khi những đứa trẻ còn say giấc nồng. Người phụ nữ ấy tảo tần quét dọn nhà cửa và chuẩn bị bữa ăn sáng. Đánh thức từng đứa trẻ, chị nhắc nhở các con vệ sinh cá nhân, chuẩn bị sách vở chu đáo.

    Điều chị Thịnh cũng như bao người mẹ khác mong ngóng sau một ngày dài là được đón các con tan học về nhà. Căn nhà lại rộn rã bởi tiếng nói cười huyên náo. Với chị, không gì hạnh phúc hơn khi các con khoe những điểm 10 đỏ chói trên trang vở.

    Không xây dựng gia đình riêng cho bản thân nhưng chị Thịnh có 7 đứa con xinh đẹp, ngoan ngoãn và yêu thương mẹ. Có lẽ ông trời thương cho số phận hẩm hiu nên đã đưa các con đến cuộc đời chị. Bằng tình yêu thương, lòng chân thành, suốt 5 năm qua, chị dành trọn thời gian nuôi nấng, dạy dỗ những đứa trẻ cơ nhỡ nên người.

    Tủ sách cho tâm hồn trong tổ ấm yêu thương.

    Những người mẹ âm thầm hy sinh để số phận "le lói" được thắp sáng.

    Các con đều có hoàn cảnh đáng thương, bơ vơ, không nơi nương tựa. Đến với mái nhà chung, chúng mong muốn tìm thấy hơi ấm của gia đình, mong muốn được chăm sóc, quan tâm để bù đắp lại phần khiếm khuyết.

    Nhớ ngày đầu tới đây, chị Thịnh gặp nhiều khó khăn khi làm quen với các con. Các bé chưa quen với người mẹ mới nên tỏ ra ngại ngùng, ít chia sẻ. Nhưng sau một thời gian, bằng sự chân thành, mẹ Thịnh đã khiến các con gắn kết với nhau hơn trong tổ ấm thân yêu.

    Chia sẻ với PV, chị Thịnh rơm rớm nước mắt: “Tôi sợ nhất là khi các bé bị ốm. Trẻ nhỏ có sức đề kháng kém nên chỉ cần một bé ốm là sẽ lây ra cả gia đình. Thấy các con mệt nhọc, không thiết tha ăn uống, tôi xót xa và thương con vô cùng! Nếu chịu được bệnh tật thay con thì tôi sẵn sàng”.

    Chị Hiền - Một người dì tại Làng trẻ SOS Hà Nội phấn khởi với công việc hằng ngày.

    Vừa làm cha lại vừa làm mẹ, những người phụ nữ ở đây vô cùng phi thường khi một tay vun vén, lo toan mọi công việc. Khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là việc giáo dục con trẻ. Mỗi con một tính cách khác nhau nên việc bảo ban, dạy dỗ gặp nhiều trở ngại. Hơn thế nữa, đối với các con bước vào tuổi dậy thì, tâm lý dễ xúc động thì việc giáo dục lại càng khó hơn, đòi hỏi người mẹ phải nhẹ nhàng, kiên nhẫn lắng nghe con chia sẻ.

    Vui Tết Trung thu – Ấm tình đoàn viên

    Mọi năm, khi Tết Trung thu cận kề, các gia đình sẽ chuẩn bị sắm sửa đồ trang trí, đồ chơi, bánh nướng, bánh dẻo… Các con được tổ chức chào đón Lễ Trung thu tại khuôn viên của Làng trẻ SOS. Đó sẽ là những kỷ niệm tươi đẹp trong ký ức mỗi đứa trẻ khi được: Phá cỗ trông trăng, nghe kể chuyện cổ tích, vui đùa bên bạn bè…

    Những mùa Trung thu trước, các con được "phá cỗ trông trăng" tại khuôn viên Làng trẻ.

    Các con vô cùng háo hức trước màn múa lân đặc sắc.

    Một cô bé học sinh trung học sinh sống tại Làng trẻ chia sẻ: “Tết Trung thu tới, con thích nhất là được quây quần cùng các mẹ và các em phá cỗ trông trăng. Con cảm thấy rất hạnh phúc, xua tan đi sự tủi thân khi không được bên bố mẹ đẻ”.

    Nguyệt - cô bé sống tại đây chia sẻ cảm nghĩ về công ơn của các mẹ, các dì.

    Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Làng trẻ SOS quyết định cho các con đón Tết Trung thu tại nhà, không tổ chức chung như mọi năm. Bên cạnh đó, cần chi tiêu hợp lý, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo trẻ nhỏ có được một cái Tết sum vầy, trọn vẹn.

    Ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc Làng trẻ SOS cho biết: Tuy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tại Làng trẻ vẫn duy trì hoạt động tốt, đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Năm nay, chúng tôi tổ chức đón Tết Trung thu tại mô hình gia đình, hạn chế tập chung đông người. Tuy vậy vẫn đảm bảo cho các con có được một cái Tết đầy đủ, đầm ấm, sum vầy nhất”.

    Mô hình Làng trẻ SOS Hà Nội rộng 2ha, gồm 16 gia đình yêu thương. Nơi đây có người mẹ, người dì từ tâm, tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc giản dị từ những đứa trẻ mà họ chăm sóc. Những người phụ nữ ấy lặng thầm hy sinh để biết bao mảnh đời “le lói” được thắp sáng.

    Ứng Hà Chi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-thu-tai-lang-tre-sos-ha-noi-trai-long-cua-nguoi-me-ket-noi-nhung-manh-doi-vo-dinh-a340159.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan