+Aa-
    Zalo

    Trước thềm năm học 2023-2024: Học sinh áp lực chương trình học, phụ huynh “thủ” tiền vì sợ những khoản thu

    (ĐS&PL) - “Mỗi năm con lên lớp lớn, là cả một bầu trời nỗi lo về các khoản học phí, đóng góp…”, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học chia sẻ.

    Ngày mai (5/9), tất cả các trường trên cả nước sẽ đồng loạt diễn ra lễ khai giảng năm học năm 2023-2024. Trước đó từ ngày 21/8, các trường đã tổ chức dạy học cho năm học mới sau khoảng thời gian nghỉ hè.

    Theo Kế hoạch số 1642/KH-SGDĐT về tổ chức hoạt động hè cho học sinh, học viên và trẻ em năm 2023 do Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành có quy định các nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm, không dạy trước chương trình, tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2023 - 2024… Tuy nhiên, thực tế học sinh và cả phụ huynh vẫn “ngồi” trên nhiều nỗi lo khi năm học mới đang chuẩn bị bắt đầu.

    Hồi hộp vì sắp được diện quần là áo lượt đến trường khai giảng, N.M.Đ (học sinh lớp 3 tại một trường thuộc quận Hà Đông) chuẩn bị sẵn quần áo, khăn quàng, sách vở,…cho ngày tựu trường. Em cho biết, mặc dù đã được đi học trước đó nhưng em vẫn rất vui khi ngày mai được khai giảng, cùng hoà chung không khí cũng các bạn.

    Song song đó em cũng lo lắng vì những áp lực vô hình sắp tới. Bé N.M.Đ. tâm sự: “Mới đầu năm nhưng em đã được mẹ tìm lớp học thêm bên ngoài, mẹ muốn em không thụt lùi so với các bạn trong lớp. Chương trình học ở lớp cũng khá nặng so với năng lực của em, nhưng hy vọng đi học thêm sẽ giúp em tiến bộ”.

    bo gd dt yeu cau to chuc le khai giang gon nhe tao khong khi vui tuoi
    Song song niềm vui tựu trường, nhiều học sinh lo lắng vì áp lực học tập

    Tương tự, em L.V.M.T (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, em có 3 buổi/tuần học thêm ngoài giờ đến trường học. 3 môn em được mẹ định hướng cho học thêm là tiếng Anh, Toán và Ngữ Văn. Năm nay T học lớp 2 nhưng em đã có kinh nghiệm học thêm từ 3 năm trước. Tức là khoảng thời gian em được mẹ cho đi học thêm là khi còn đang học ở mẫu giáo.

    “Ở lớp các môn học cùng bài tập về nhà khiến em cũng mệt mỏi rồi, nhưng vì sợ thụt lùi so với các bạn nên em được mẹ tìm lớp học thêm cho học. Nhiều hôm mệt em không muốn đi học, nhưng lại sợ không theo kịp các bạn nên lại đi. Hoặc không ngày nghỉ thì lại ở nhà làm bài tập”, T cho hay.

    Phụ huynh cũng nhiều trăn trở

    Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, chị K.L (mẹ M.T) cho hay, mặc dù rất thương con, nhưng hiện tại chương trình học của con như vậy, chị không thể làm khác. Chị không cần con học qúa suất sắc, nhưng ít nhất không được kém các bạn.

    “Tình thế bắt buộc nên tôi chẳng thể làm khác, con bắt buộc phải đi học thêm nếu không sẽ không có kết quả học tập tốt được”, chị L cho hay.

    Ngoài nỗi lo con không theo kịp các bạn, chị K.L còn lo sợ những khoản đóng góp đầu năm. Năm học mới sắp bắt đầu, chị đã bàn với chồng gom góp “thủ” sẵn tiền để lỡ may có những khoản học phí, đóng góp nào còn có tiền mà đóng.

    Hai vợ chồng chị làm công việc văn phòng bình thường, lương chỉ đủ chi tiêu cho gia đình 4 người. Nên mỗi lần con vào năm học mới hai vợ chồng lại thức cả đêm suy nghĩ làm sao có khoản to to để lo cho con đi học đầy đủ.

    “Như năm ngoái, họp phụ huynh nhà trường kêu gọi đóng góp này đóng góp kia. Không biết năm nay còn có khoản gì nữa hay không. Mỗi năm con lên lớp lớn, là cả một bầu trời nỗi lo về các khoản học phí, đóng góp”, chị L thở dài.

    Tương tự như chị L, chị N.T.Q (quê Thanh Hoá) cũng cùng nỗi trăn trở vì những khoản tiền đầu năm cho cô con gái đang học lớp 9. Chị Q cho biết, những năm trước, nhà trường thường hay kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền sửa sang phòng học, mở rộng trường,…còn năm nay cũng chưa biết nhà trường lại thu thêm khoản nào khác hay không.

    “Gia đình làm nông, nên mỗi lần con vào năm học mới vợ chồng tôi lại sấp ngửa chạy vạy tiền cho con để con bằng bạn bằng bè”, chị Q cho hay.

    khai giang nam hoc
    Phụ huynh cũng nhiều nỗi trăn trở

    Ngoài chuyện học phí, chị Q cũng lo lắng bạo lực học đường. Bởi năm ngoái con chị từng là nạn nhân của bạo lực học đường, cô con gái bị các bạn nam đánh chỉ vì không vừa mắt. Vụ việc mặc dù chỉ xảy ra một lần nhưng không biết thời gian tới con gái chị bị đánh nữa không, nên chị rất lo lắng.

    “Xem trên ti vi nhiều vụ bạo lực học đường gây hậu quả đáng tiếc xảy ra khiến tôi như ngồi trên đống lửa. Dẫu biết học sinh thì có lúc này lúc kia, nhưng chẳng thể đoán trước tâm lý mỗi đứa. Tôi chỉ mong có biện pháp nào đó ngăn chặn việc làm đó thôi”, chị Q tâm sự.

    Thực tế, nỗi lo học phí, bạo lực học đường hay áp lực ở chương trình học,…khiến không ít phụ huynh, học sinh đau đầu mỗi khi năm học mới bắt đầu. Những câu chuyện này mặc dù cũng đã được “mổ, xẻ” nhiều lần, thế nhưng quy định thì vẫn là quy định.

    Mộc Trà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truoc-them-nam-hoc-2023-2024-hoc-sinh-ap-luc-chuong-trinh-hoc-phu-huynh-thu-tien-vi-so-nhung-khoan-thu-a589540.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan