+Aa-
    Zalo

    Trường đại học “xé rào” cấp giấy trúng tuyển: Chiến dịch tung chiêu “mồi nhử” TS

    ĐS&PL (ĐSPL)- Theo các chuyên gia giáo dục, với cách tuyển sinh “siêu” dễ dãi như hiện nay, nhiều thí sinh điểm liệt, điểm 0 vẫn đậu đại học như thường.

    (ĐSPL)- Theo quy chế của bộ GD&ĐT, đến ngày 25/8, các trường ĐH, CĐ mới công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Tuy nhiên, sợ “trắng” chỉ tiêu, nhiều trường đã “xé rào” bằng cách khi thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển kết quả thi THPT lập tức cấp giấy báo trúng tuyển. Theo các chuyên gia giáo dục, với cách tuyển sinh “siêu” dễ dãi như hiện nay, nhiều thí sinh điểm liệt, điểm 0 vẫn đậu đại học như thường.

    Từ “xé rào” đến dùng tiền để “dụ”

    Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh, nhiều trường ĐH, CĐ “hạng nhẹ”, ngoài công lập lại bắt đầu quay cuồng trong nỗi lo thiếu thí sinh. Cho đến nay, câu chuyện kỳ lạ về một trường ĐH ở miền Bắc có 13 giảng viên “kèm” 1 sinh viên vẫn được đem ra kể ở mỗi mùa tuyển sinh. Dẫn câu chuyện này để thấy rằng, trong khi không ít trường ĐH, CĐ uy tín, danh tiếng vẫn thu hút được thí sinh thì nhiều trường phải vật lộn làm đủ chiêu trò để đạt nửa chỉ tiêu đề ra.

    Nhiều thí sinh cùng người thân “khăn gói” từ quê ra thành phố nộp hồ sơ tuyển sinh

    (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh Thành Long.

    Mới đây, nhiều người ngạc nhiên khi một trường ĐH công lập đã “xé rào” ngon lành với hy vọng đủ chỉ tiêu. Đó là trường ĐH Xây dựng Miền Tây (thuộc bộ Xây dựng) đặt tại tỉnh Vĩnh Long. Năm nay, trường thông báo tuyển sinh 6 ngành hệ ĐH với điểm nhận hồ sơ  xét tuyển là 15 điểm còn bậc CĐ là 12 điểm. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.000 và xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia chứ không xét học bạ. Ngay trong ngày 1/8, ngày đầu tiên thí sinh đến trường ĐH Xây dựng Miền Tây nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, các thí sinh rất bất ngờ vì được trường cấp luôn giấy báo trúng tuyển.

    Cụ thể là trường hợp của em L.N.A.L. được cấp giấy báo trúng tuyển nguyện vọng 1 bậc ĐH chính quy ngành Quản lý xây dựng – Đô thị với tổ hợp xét tuyển Toán – Lý – Hóa với tổng điểm 3 môn là 18,25 điểm. Trường yêu cầu thí sinh này nhập học vào ngày 3/9, sau thời hạn này nhà trường không tiếp nhận. Đáng nói là giấy báo trúng tuyển phát cho thí sinh vào ngày 1/8 nhưng trên đó lại đề: “Vĩnh Long, ngày 21 tháng 8 năm 2015”.

    Theo tìm hiểu của PV, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ của bộ GD&ĐT nêu rõ, thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 bắt đầu từ ngày 1/8, kết thúc ngày 20/8 và công bố kết quả trúng tuyển vào 25/8. Trong vòng 20 ngày nhận hồ sơ, các trường căn cứ vào chỉ tiêu để xác định điểm chuẩn rồi mới tuyển thí sinh đạt điều kiện. Trong thời gian này, thí sinh có quyền cân nhắc có rút hồ sơ nộp vào trường hoặc ngành khác hay không.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng bộ GD&ĐT khẳng định: “Việc trường ĐH Xây dựng Miền Tây cấp nhiều giấy báo trúng tuyển nhập học cho thí sinh trong ngày đầu nhận hồ sơ là vi phạm quy chế. Và như thế có nghĩa các giấy báo trúng tuyển đó sẽ bị hủy. Bộ đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường báo cáo vụ việc. Trường này cũng đã báo cáo, giải trình trước Bộ. Theo quy chế của Bộ, các trường có 20 ngày nhận hồ sơ. Sau đó căn cứ vào chỉ tiêu để xác định điểm chuẩn rồi mới tuyển thí sinh đạt điều kiện. Trong thời gian này thí sinh có quyền cân nhắc có rút hồ sơ nộp vào trường hoặc ngành khác hay không. Trường nào vi phạm quy chế, Bộ sẽ xử lý thật nghiêm”.

    Điểm 0 vẫn có thể đỗ đại học?

    Không chỉ chấp nhận làm sai quy chế để cố tuyển sinh, không ít trường còn tung chiêu học bổng, quà tặng làm “mồi nhử” thí sinh. Các trường quảng cáo rầm rộ như một đợt “khuyến mại” của các siêu thị. Cũng như mọi năm, một trường ĐH ngành sư phạm ở TP.HCM “treo” hơn 10 tỉ đồng để thu hút thí sinh nữ trúng tuyển vào trường. Ngay sau khi thông tin này được công bố, nhiều trường khác cũng đăng đàn quảng cáo về học bổng khủng. Không kém cạnh, một trường khác ở TP.HCM cũng quảng cáo sẽ chi 7,2 tỉ đồng cho tân sinh viên tương ứng với 120 suất học bổng. Những trường “nghèo” hơn, không có tiền tỉ nhưng cũng mạnh dạn hứa sẽ tặng máy tính bảng cho tân sinh viên may mắn.

    Từ trước đến nay, thí sinh vốn đã “hoa mắt” trước sự lựa chọn hàng trăm trường ĐH, CĐ phù hợp thì nay lại hoang mang, choáng vì không biết chọn gói học bổng nào. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, những trường “tốp cao” sẽ hút thí sinh bằng phương pháp giảng dạy. Ngược lại, trường ngoài công lập sẽ “dụ” thí sinh bằng “tiền”.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục cho rằng: “Với số trường ĐH, CĐ nhiều như hiện nay, cơ quan quản lý là bộ GD&ĐT khó có thể kiểm soát được hết các trường. Trước đây, tôi cũng tham gia một hội thảo về giáo dục cho thấy cứ 33 ngày lại thành lập mới một trường ĐH, CĐ. Trên thực tế, quá nhiều trường ĐH, CĐ sẽ không đảm bảo chất lượng đào tạo và việc thương mại hóa giáo dục là có. Do đó, nguồn đầu vào đối với các trường là sự sống còn nên việc “xé rào” vi phạm tuyển sinh là điều đã xảy ra và có thể thêm nhiều trường nữa. Thực tế, những trường có uy tín, chất lượng và có thương hiệu sẽ vẫn thừa thí sinh có đầu vào cao, còn những trường top dưới sẽ vẫn “khát” thí sinh”.

    GS.Phạm Minh Hạc.

    Trả lời PV báo ĐS&PL về vấn đề “xé rào”, tuyển sinh bằng học ba, PGS. Văn Như Cương cho rằng: “Để thí sinh không có cơ hội rút hồ sơ vào trường khác không ít trường bất chấp đã “lách luật, xé rào” bằng việc cấp luôn giấy báo trúng tuyển hay cấp giấy báo trúng tuyển tạm thời. Còn việc xét tuyển bằng việc xét học bạ lại càng dễ lách luật và cơ quan quản lý cũng khó mà kiểm soát được các trường làm có đúng quy chế hay không. Trong khi đó, với các trường “đói” thí sinh thì điều quan trọng nhất là có thí sinh mới có thể duy trì, tồn tại được. Việc các trường đại học xét học bạ sẽ không đảm bảo chất lượng đào tạo, bởi điểm trong học bạ thường rất “đẹp””.

    Cũng theo PGS. Văn Như Cương, nếu xét học bạ tuyển sinh có thí sinh bị điểm liệt, điểm 0 vẫn đỗ đại học như thường. Bởi, những thí sinh thi THPT quốc gia bị điểm liệt, điểm 0, theo quy chế sẽ không đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển đại học. Tuy nhiên, các trường tuyển sinh theo học bạ có loại những thí sinh đó hay không, rất khó kiểm tra, giám sát. Với các trường này chỉ cần học bạ đạt yêu cầu, còn việc thí sinh này có bị điểm liệt, điểm 0 kỳ thi quốc gia hay không cũng  không quan tâm, miễn là vào học trường mình. Và không dại gì khi một số trường “đói” thí sinh lại nhờ Bộ tra cứu để loại thí sinh đăng ký vào trường mình.

    Hối hả “xả” giấy báo trúng tuyển, chất lượng về đâu?

    Tận dụng “lợi thế” tuyển sinh bằng học bạ, không ít trường ĐH thi nhau ký giấy báo trúng tuyển cho hàng trăm thí sinh. Theo số liệu PV thu thập được từ một số trường ĐH cho thấy, ĐH Hoa Sen đã cấp giấy báo trúng tuyển cho 38 thí sinh; ĐH Nguyễn Tất Thành đã phát hàng trăm giấy báo; ĐH Công nghệ TP.HCM đã xác định được 150 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nguyện vọng 1... Tuy nhiên, với việc tuyển sinh bằng học bạ, nhiều người lo lắng chất lượng đầu vào của các trường đang bị bỏ ngỏ.


     Chương Phương

    Xem thêm video:

    [mecloud] JKUf3vSIpL[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truong-dai-hoc-xe-rao-cap-giay-trung-tuyen-chien-dich-tung-chieu-moi-nhu-ts-a105319.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.