+Aa-
    Zalo

    Trường hợp nào nộp tiền khắc phục hậu quả sẽ được xem xét giảm án, giảm nhẹ hình phạt?

    (ĐS&PL) - Giảm nhẹ hình phạt, giảm án là một trong những chính sách thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, của Nhà nước đối với người phạm tội. Tuy nhiên để thực hiện điều đó, người phạm tối phải tự ý thức được sai phạm của bản thân, có ý thức sửa chữa lỗi lầm, khắc phục hậu quả xảy ra. Vậy nộp tiền khắc phục hậu quả có được xem xét giảm nhẹ hình phạt?

    Nộp tiền khắc phục hậu quả có phải tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

    Tại Điều 51 Bộ Luật Hình sự hiện hành quy đinh 22 tình tiết giảm nhẹ được xem xét khi truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó có quy định:

    "Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

    1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

    ...b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;..."

    Theo đó, khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt này không thể bồi thường hay sửa chữa được.

    Với người đã bị kết án, đang chấp hành hình phạt tù, việc khắc phục hậu quả của tội phạm cũng là một căn cứ để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

    truong hop nao nop tien khac phuc hau qua se duoc xem xet giam an giam nhe hinh phat bai cai
    Nộp tiền khắc phục hậu quả là căn cứ để người phạm tội được giảm trách nhiệm hình sự. Ảnh minh họa.

    Theo điểm e khoản 2 Điều 19 Nghị định 133/2020/NĐ-CP, một trong các tiêu chí chấp hành hình phạt tù được xếp loại tốt là: Tích cực khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền (nếu có), nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì phải đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó.

    Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đối với phạm nhân bị phạt tù ba năm trở xuống là có ít nhất một quý gần nhất được xếp loại khá trở lên.

    Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khắc phục hậu quả là một trong những tiêu chí cần thiết để xếp loại chấp hành án phạt tù, từ đó, có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

    Trường hợp nào nộp tiền khắc phục hậu quả được giảm án?

    Mặc dù nộp tiền khắc phục hậu quả được xem là căn cứ để xét giảm trách nhiệm hình sự, tuy nhiên việc áp dụng tình tiết này còn tương đối khó khăn bởi ngoài việc nộp tiền khắc phục hậu quả, bị cáo còn cần đáp ứng thêm nhiều điều kiện khác.

    Theo đó, căn cứ Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP (đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế) và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017, các trường hợp nộp tiền khắc phục hậu quả được xem xét giảm án như sau:

    - Người phạm tội phải tự nguyện khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Điều này có nghĩa, nếu do tác động của người khác hoặc của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội buộc phải khắc phục hậu quả, người phạm tội mới thực hiện theo thì không được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng.

    - Về thời điểm khắc phục hậu quả: Việc tự nguyện khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào thì cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.

    - Về mức độ khắc phục hậu quả: Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về mức khắc phục hậu quả để được giảm án, tuy nhiên thực tế cho thấy mức khắc phục hậu quả thường phải tương xứng với thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra.

    Trường hợp vụ án có đồng phạm sẽ được phân hóa trách nhiệm hình sự, do đó mức khắc phục hậu quả cũng sẽ tương xứng với vai trò của bị cáo trong vụ án.

    Riêng với trường hợp bị kết án tử hình về Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội nhận hối lộ (Điều 354), tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ điều kiện để giảm án, không bị thi hành hình phạt tử hình là người bị kết án phải chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

    Tóm lại, để được xem xét giảm án, giảm thời gian chấp hành án phạt tù với người tự nguyện khắc phục hậu quả thì người chấp hành hình phạt phải thuộc các trường hợp đã quy định trên. 

    Trường hợp bị từ chối nguyện vọng bồi thường thiệt hại

    Liên quan đến vấn đề này, tại Nghị Quyết 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn như sau:

    - Bị cáo hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

    - Bị cáo hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;

    Như vậy, khi bị cáo đã thực hiện việc khắc phục hậu quả cho phía bị hại, nhưng họ từ chối nhận thì có thể làm đơn và xin nộp số tiền đó cho cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan thi hành án hoặc chứng minh việc đã tự nguyện khắc phục hậu quả nhưng phía bị hại không nhận và bị cáo thực hiện việc cất, giữ tiền sẵn sàng bồi thường khi có yêu cầu thì được áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truong-hop-nao-nop-tien-khac-phuc-hau-qua-se-duoc-xem-xet-giam-an-giam-nhe-hinh-phat-a607900.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan