+Aa-
    Zalo

    Truyện văn học lên kịch bản phim: Sự khác nhau là bình thường?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bằng con mắt tinh tường, sáng tạo, các biên kịch, đạo diễn đã biến những câu chuyện, tác phẩm văn học trở thành những tác phẩm trên truyền hình.

    (ĐSPL) - Bằng con mắt tinh tường, sáng tạo, các biên kịch, đạo diễn đã biến những câu chuyện, tác phẩm văn học hút khách trở thành những tác phẩm nghệ thuật trên truyền hình.

    Tuy nhiên, các tác phẩm văn học nổi tiếng nếu được chuyển thành kịch bản phim đều gặp phải thách thức: Phim và truyện là hai tác phẩm độc lập, hay phim là bản sao của truyện? Và kịch bản phim có thoát khỏi “cái bóng” của những tác phẩm văn học để có chỗ đứng riêng? Hay nó chỉ là bản sao không… hoàn hảo của những tác phẩm văn học kinh điển ấy?

    Nhiều kịch bản phim được làm mới hoàn toàn...

    Việc chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản phim đang là một trào lưu “hot” trong lĩnh vực điện ảnh. Trong năm 2015, ở mảng phim điện ảnh như: “Quyên”, “Nước”, “Hương ga”... là những bộ phim đã từng gây sốt khắp các phòng vé, một phần nhờ chuyển thể từ những tác phẩm văn học ăn khách của Việt Nam.

    Trong đó, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ gây chú ý khi được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên từng được nhiều khán giả yêu thích của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đạo diễn Đỗ Thành An cũng đang rục rịch chuẩn bị cho một bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết “Mặt nạ của ca sỹ” với sự tham gia của diễn viên Tina Tình. Phim dự kiến sẽ bấm máy vào tháng Mười này.

    [mecloud]bKLfWialCL[/mecloud]

    Theo nhiều nhà sản xuất, nhu cầu chọn kịch bản phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Bởi với tình hình sản xuất phim ảnh ra hàng nghìn tập mỗi năm, trong khi những kịch bản sáng tác mới vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, thậm chí có phần giảm đi do đội ngũ sáng tác là những biên kịch trẻ thì thị trường phim đang thiếu những kịch bản hay.

    “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – một bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học.

    Bà Bảo Trâm, Giám đốc hãng phim Vietcom cho biết: “Những biên kịch phim trẻ có ý tưởng đột phá nhưng những chi tiết xử lý tình huống kém vì không được học bài bản, chưa có kinh nghiệm, thiếu vốn sống. Trong khi những biên kịch lão làng, giàu kinh nghiệm lại ngày càng ít đi, không đủ sức theo đuổi hành trình dài hơi của một bộ phim, nên phim chuyển thể được coi là “cứu cánh” cho vấn đề này”.

    Theo đó, nguồn kịch bản từ các tác phẩm văn học còn lấn sang cả mảng phim truyền hình với hàng loạt các bộ phim ra đời như: “Ra Giêng anh cưới em”, “Hai khối tình”, “Một thời lãng quên”... Bên cạnh đó, những vở kịch, cải lương cũng được tận dụng để chuyển thể thành tác phẩm truyền hình như: “Sông dài”, “Tấm lòng của biển”... Số lượng các bộ phim được chuyển thể ngày một nhiều khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi: Phải chăng các nhà làm phim Việt đang thiếu thốn kịch bản, hay thiếu sáng tạo tới mức phải liên tục chuyển thể các tác phẩm đã có sẵn thành tác phẩm nghệ thuật điện ảnh?

    Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Mộng Thu, biên kịch của hàng loạt các bộ phim từng gây tiếng vang như: “Pha lê không dễ vỡ”, “Chạy trốn tình yêu”, “Giông tố cuộc đời”..., hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài cũng có nhiều phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học được khán giả nhiệt tình đón nhận.

    Nhà biên kịch Mộng Thu chia sẻ: “Không thể nói các nhà làm phim, biên kịch thiếu sáng tạo tới mức phải biến một tác phẩm có sẵn thành phim. Vì việc chuyển thể đòi hỏi người viết phải đầu tư trí tuệ không nhỏ, đặc biệt khi chuyển thể từ một truyện ngắn hoặc một vở cải lương. Thậm chí có kịch bản chuyển thể, biên kịch đã phải “làm mới” hoàn toàn tác phẩm, kiểu “bình cũ rượu mới”. Nguồn tác phẩm dồi dào, đề tài phong phú, các nhà làm phim dễ lựa chọn những tác phẩm tâm đắc để chuyển thể. Tuy nhiên, với những tác phẩm truyện ngắn hoặc sân khấu đòi hỏi biên kịch phải rất sáng tạo”.

    Nếu kịch bản của các bộ phim “trung thành” với nguyên tác, thiếu hẳn những tình tiết được bàn tay biên kịch “thêm thắt”, hư cấu để tăng sức hấp dẫn thì khi xem, khán giả thường có cảm giác như đang thưởng thức một cuốn truyện bằng hình ảnh.

    Đạo diễn Victor Vũ - người đang thực hiện bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận định: “Việc chuyển thể tiểu thuyết thành phim điện ảnh không phải dễ dàng. Bởi tiểu thuyết được viết để trở thành tiểu thuyết. Còn phim đòi hỏi những quy tắc và yếu tố nhất định. Nên sẽ rất bình thường khi phim chuyển thể xuất hiện tình tiết hoặc cấu trúc mới để trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Đừng đòi hỏi kịch bản phim phải như truyện văn học...”.

    Tác giả văn học nên theo sát kịch bản phim...

    Theo đạo diễn Quang Dũng, khi đọc một tác phẩm văn học hay, những độc giả yêu văn học chỉ muốn thưởng thức nó như một tác phẩm văn học thuần túy, chỉ có ngôn từ, cốt truyện và thả trí tưởng tượng xây dựng hình ảnh của riêng mình.

    Tuy nhiên với những người yêu thích điện ảnh hoặc các nhà biên kịch, bao giờ họ cũng nhìn ra chất điện ảnh từ một tác phẩm văn học và luôn muốn được nhìn thấy các nhân vật trong tác phẩm bằng xương bằng thịt trên màn ảnh. Và như vậy, mối duyên giữa độc giả văn học với khán giả điện ảnh, giữa nhà văn và đạo diễn nhiều khi “cơm không lành, canh không ngọt” cũng là chuyện dễ hiểu. Và chuyện, nhiều kịch bản phim muốn thoát khỏi “cái bóng” của các tác phẩm văn học nguyên bản là điều không thể tránh khỏi.

    Rõ ràng so với một cuốn tiểu thuyết dày dặn, nơi nhà văn thỏa sức toàn quyền sáng tạo thì một bộ phim có những hạn chế của nó, nhiều khi chính nhà văn cũng cảm thấy ngỡ ngàng khi chứng kiến tác phẩm của mình được thể hiện bằng ngôn ngữ khác. Đó là trường hợp của nhà văn Nguyễn Đình Tú với tiểu thuyết “Phiên bản” được dựng thành phim “Hương Ga”.

    Anh cho biết: “Khi xem phim có nhiều chỗ rất khác với tiểu thuyết, tác phẩm văn học. Lúc đầu tôi có cảm giác hụt hẫng, nhưng khi xem xong tôi mới thấy nhà làm phim có lý và quan trọng nhất là vẫn giữ được tinh thần tiểu thuyết dù không giữ được toàn bộ nội dung của tiểu thuyết”.

    Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

    Trao đổi với pv báo Đời sống và Pháp luật, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết: “Tác giả văn học có thể cùng kiểm soát khi tác phẩm được chuyển thể thành phim thì mới có sự thống nhất. Nhưng cách tốt nhất, theo tôi, đạo diễn phim nên mời nhà văn làm tác giả kịch bản. Bởi khi các nhà văn cùng biến tác phẩm của mình thành ngôn ngữ điện ảnh thì chúng ta sẽ có kịch bản một cách chi tiết, dễ hiểu, tiếp đó đạo diễn muốn làm gì thì làm”.

    Tuy nhiên, mặc dù bộ phim “Ngõ lỗ thủng” nhận được nhiều lời khen từ khán giả, nhưng chính nhà văn Trung Trung Đỉnh lại không hề xem một tập phim nào chuyển thể từ tiểu thuyết của mình, ông cho biết: “Tôi không xem phim nên không biết đạo diễn đã cho các nhân vật tính cách tốt xấu thế nào, tuy nhiên tôi vẫn phải có lời khen tặng cho nhóm chuyển thể kịch bản vì họ rất tinh ý, lọc được từ 2 tiểu thuyết “Ngõ lỗ thủng” và “Tiễn biệt những ngày buồn” của tôi những câu chuyện về giai đoạn xã hội chuyển từ thời bao cấp sang thị trường”.

    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - người có rất nhiều tác phẩm được chuyển thể thì rút ra kinh nghiệm cho riêng mình: “Mỗi loại hình có một ngôn ngữ khác nhau, nếu mình không sành về ngôn ngữ của họ thì cách tốt nhất là đừng có tham gia vào. Tôi nghĩ khi đã đồng ý cho tác phẩm của mình chuyển thể thành phim thì lúc đó phải coi đó là tác phẩm của người khác. Đừng có cố đi theo để quản lý “đứa con” của mình sẽ rất mất thời gian và tạo ra những va chạm không đáng có. Một tác phẩm văn học được chuyển thành kịch bản phim đồng nghĩa với việc, khi một tác phẩm văn học được dựng thành phim, nhà văn thường phải là người chịu thiệt và nên học cách chấp nhận điều đó”.

    Văn chương và điện ảnh là hai thứ khác xa nhau

    Nhà văn Đoàn Minh Phương - đạo diễn phim “Hạt mưa rơi bao lâu” cho biết: “Làm phim hay viết sách cũng để kể một câu chuyện. Tuy vậy, tôi cho rằng văn chương và điện ảnh là hai thứ khác xa nhau. Văn riêng tư hơn và sâu hơn, chữ viết có thể dẫn người đọc đến bất cứ tầng nào của nội tâm còn điện ảnh thì khác, điện ảnh tác động trước tiên đến thị giác của người xem”.

    Lạc Thành

    Mời độc giả xem thêm video mục Giải trí:

    [mecloud]tLG5hXcRdn[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truyen-van-hoc-len-kich-ban-phim-su-khac-nhau-la-binh-thuong-a110164.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.